Aa

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Tăng trưởng quý III sẽ rất ấn tượng do năm ngoái âm“

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Năm, 30/06/2022 - 06:15

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quý III năm ngoái tăng trưởng âm nên quý III năm nay sẽ tăng trưởng ấn tượng.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. 

Theo đó, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 11 năm qua. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn cùng kỳ 2 năm liền kề trước đó. 

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 6/2022, CPI tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân quý II/2022, CPI tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng mạnh là do giá xăng dầu được điều chỉnh tới 16 lần. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8%.

Bình luận về các số liệu trên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có trao đổi với báo chí.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Nguồn: GS0)

PV: Bà đánh giá thế nào về áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm? 

Bà Nguyễn Thị Hương: Lạm phát là mối lo ngại không chỉ của riêng Việt Nam mà là của cả nền kinh tế toàn cầu kể từ cuối tháng 2 khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Cuộc xung đột này đã tác động rất xấu đến kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.  

Tuy nhiên, có thể nói, mức tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2,44% là mức khả quan. Có được điều này là do chúng ta đã đảm bảo được nguồn cung xăng dầu, lương thực và linh hoạt trong điều hành. 

Trong 6 tháng cuối năm, áp lực lạm phát là rất rõ ràng do chúng ta chưa biết xung đột Nga - Ukraine khi nào chấm dứt và chuỗi cung ứng bao giờ được nối lại. Đây là điểm hết sức lo lắng của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. 

Để ứng phó với áp lực lạm phát, điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải kiểm soát được nguồn cung năng lượng, mặt hàng thiết yếu và các nguyên vật liệu, vật tư cho hoạt động sản xuất. Chúng ta cũng cần cố gắng không để đứt gãy chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và thế giới.

Trong nguy có cơ, chúng ta có thể tận dụng thời cơ để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, tạo động lực cho phát triển trong nước. Thực tế, trong giai đoạn vừa rồi, xuất nhập khẩu chính là điểm sáng của nền kinh tế. Chúng ta đã cố gắng để khai thác được thế mạnh với bạn hàng truyền thống và mở rộng thêm các bạn hàng phi truyền thống. 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay rất khó khả thi. Bà nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? 

Bà Nguyễn Thị Hương: Đưa ra dự báo ở thời điểm này là rất khó khăn bởi không ai có thể lường trước được những biến động bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine cũng như bất ổn địa chính trị. Song, tôi cho rằng áp lực lạm phát trong quý III và quý IV là rất lớn. 

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đang kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%, chưa có điều chỉnh nào. Nhưng cũng cần xác định rằng mục tiêu này chỉ là công cụ để phục vụ cho việc quản lý điều hành. Còn mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo đời sống nhân dân, giữ được niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đây là nền tảng tạo ra sự đầu tư vững chắc, đảm bảo hoạt động sản xuất tiêu dùng trong nước để tiếp tục kết nối với thế giới.

Giai đoạn vừa qua, xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế (Ảnh minh họa)

PV: Với những gì vừa phân tích, bà nghĩ bức tranh tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ thế nào? 

Bà Nguyễn Thị Hương: Tăng trưởng của Việt Nam cho tới thời điểm này hết sức khả quan. Nguyên nhân là nông nghiệp vẫn đang là "bệ đỡ" của nền kinh tế. Chúng ta cũng không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất công nghiệp vẫn được duy trì nhờ chủ động nguồn cung nhiên vật liệu trong nước. Ngành dịch vụ đã hồi phục, hàng không mở lại, du lịch bùng nổ.

Quý III năm trước, chúng ta tăng trưởng âm. Do đó, dù quý III năm nay có thể vẫn còn khó khăn nhưng tôi tin rằng tăng trưởng sẽ đạt con số ấn tượng. 

PV: Gần đây có một số hiệp hội doanh nghiệp phản ánh khó khăn. Bà có nhận xét gì?

Bà Nguyễn Thị Hương: Chúng tôi chưa thể kiểm chứng những con số cụ thể. Tuy nhiên, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ tồn kho hiện tại thấp hơn kỳ trước, tức là xuất nhập khẩu rất tốt. Những khó khăn được doanh nghiệp phản ánh có thể là khó khăn trước mắt, quá trình thu thập thống kê của chúng tôi có độ trễ nên cần theo dõi và đánh giá trong thời gian tới. 

Tôi cho rằng điều quan trọng bây giờ là phải tăng cường thị trường đầu ra, phải linh hoạt chủ động. Tôi đánh giá quý III trong nguy có cơ, chúng ta luôn có những cơ hội để bứt phá khi cùng nhau kết nối, chia sẻ khó khăn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top