Aa

Thanh Hóa: Tương lai nào cho dự án xi măng Thanh Sơn?

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 18/08/2021 - 13:00

Dự án nhà máy xi măng với số vốn hơn 1.400 tỷ đồng được khởi công xây dựng đã hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang. Người dân sống quanh khu vực này tha thiết mong chính quyền sớm thu hồi dự án.

Dự án đắp chiếu hơn 10 năm

Nhà máy xi măng Thanh Sơn (xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc) được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 03/03/2008 với mục tiêu cho ra dòng sản phẩm xi măng chất lượng cao, cung cấp cho thị trường khu vực miền tây Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Góp phần cân đối cung, cầu xi măng cho cả nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Dự án được khởi công năm 2009 và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2010. Tuy nhiên, đến hết năm 2010 dự án mới hoàn thành san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao, các công trình phục vụ quản lý, thi công, khoan cọc nhồi và xử lý nền móng.

Dự án đắp chiếu hơn 10 năm
Sau hơn 10 năm dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn vẫn là những nền đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, dãy tường rào bao quanh nhà máy cao hơn 4 m đã sụp đổ tại nhiều vị trí.

Cũng từ đó đến nay, nhà máy xi măng Thanh Sơn vẫn chỉ là nền đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, dãy tường rào bao quanh nhà máy cao hơn 4m đã sụp đổ tại nhiều vị trí, trong khi đó, khu nhà điều hành trong và ngoài khuôn viên nhà máy đã tụt mái, đổ sập, dãy nhà ở cho công nhân và chuyên gia cũng để cỏ mọc um tùm.

Đồng thời, theo thống kê của UBND xã Thúy Sơn, dự án này đã trực tiếp ảnh hưởng đến 206 hộ dân (thôn Vân Sơn 65 hộ, thôn Lương Sơn 99 hộ, thôn Hồng Sơn 29 hộ, thôn Thanh Sơn 13 hộ), những hộ gia đình này đã hy sinh đất ở, đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Nhiều gia đình không còn đất để canh tác nên vay mượn tiền bạc cho con em đi học nghề để được làm việc trong nhà máy. Nhưng thực tế,dự án vẫn dậm chân tại chỗ nên hàng trăm lao động được đào tạo nghề đó phải tìm các công việc khác để mưu sinh khiến cuộc sống khó khăn, thu nhập không ổn định.

Được biết, dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn được đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xi măng Thanh Sơn, diện tích sử dụng đất 36,14ha tại thôn Văn Sơn, xã Thúy Sơn huyện Ngọc Lặc. Công suất thiết kế 2.500 tấn clinker/ngày.

Ông Quách Văn Thào, thôn Giang Sơn xã Thúy Sơn bức xúc: “Dự án này được triển khai thi công cách đây hơn 10 năm, tuy nhiên, cũng chừng ấy thời gian dự án vẫn là bãi cỏ hoang. Ban đầu, người dân địa phương rất phấn khởi khi biết tin doanh nghiệp về đây xây dựng nhà máy xi măng, từ đó tạo công ăn việc làm, con em chúng tôi cũng không cần phải tha phương cầu thực nữa.

Tôi nhớ không nhầm thì năm 2008 hay 2009, tại xã đã diễn ra lễ khởi công, sau đó một thời gian, chủ đầu tư mang máy móc, thiết bị về làm rầm rộ. Thằng con trai đầu nhà tôi cũng được cử đi học vận hành dây chuyền sản xuất xi măng, thế nhưng khi con tôi đi học về đợi mãi mà dự án cũng chẳng thấy thi công tiếp, đến nay dự án chỉ mới san lấp mặt bằng, xây tường rào bao và bên kia đường đã xây dựng được khu nhà ở cho công nhân rồi bỏ đấy. Đến nay, công trình đã xuống cấp nhiều rồi”.

do nhà máy ngừng thi công đã sinh ra hàng loạt hệ lụy phía sau như: lao động học nghề xong không có việc làm, người dân mất đất sản xuất,…
Do nhà máy ngừng thi công đã sinh ra hàng loạt hệ lụy phía sau như: Lao động học nghề xong không có việc làm, người dân mất đất sản xuất,…

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Phúc Hành, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn cho biết: “Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn triển khai thực hiện năm 2009, nhưng đã dừng thi công cho đến nay. Dự án gây lãng phí nguồn lực đầu tư, quỹ đất sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực, trong đó, trực tiếp nhất là 206 hộ dân đã hy sinh đất ở, đất nông nghiệp để thực hiện dự án.

Thời gian đầu thực hiện dự án, người dân không còn đất để canh tác, vì thế đã có hàng trăm lao động địa phương được cử đi học nghề nhằm tạo nguồn lao động tại chỗ cho nhà máy. Thế nhưng, do nhà máy ngừng thi công đã sinh ra hàng loạt hệ lụy phía sau như: Lao động học nghề xong không có việc làm, người dân mất đất sản xuất,…

Chính quyền địa phương cũng như người dân địa phương rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét có hướng giải quyết kịp thời, tránh tình trạng dự án tiếp tục “treo” kéo dài gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, tạo bức xúc trong nhân dân”.

Nên thu hồi dự án

Từ những bất cập bởi dự án xi măng nghìn tỷ bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tạo bức xúc trong dự luận, mới đây UBND huyện Ngọc Lặc đã có Công văn báo cáo chủ tịch UBND tỉnh về thực trạng triển khai dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc.

nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ kéo dài của các dự án nhà máy xi măng là do năng lực và nguồn lực, tiềm lực tài chính và trình độ quản lý của các chủ đầu tư còn hạn chế, yếu kém
Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ kéo dài của các dự án nhà máy xi măng là do năng lực và nguồn lực, tiềm lực tài chính và trình độ quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế, yếu kém,...

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ngọc Lặc nêu quan điểm: “Huyện đã kiến nghị bỏ quy hoạch Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại khu đất công nghiệp thuộc xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc và đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất trên là đất công nghiệp định hướng thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường tại công văn số 2422/UBND-KTHT ngày 31/12/2020 về việc tham gia ý kiến về Dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 20/4/2021 huyện có Công văn tiếp theo số: 718/UBND-KTHT, tiếp tục tham gia ý kiến về điều chỉnh công suất nhà máy xi măng Thanh Sơn tăng công suất nhà máy từ 2.500 tấn clinker/ngày lên 6.000 tấn clinker/ngày và bổ sung Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam”.

Tuy nhiên, việc dự án tiếp tục thực hiện hay chính quyền các cấp cần thu hồi dự án đến nay còn nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc. Thế nhưng, về quan điểm của chính quyền địa phương và người dân sông quanh khu vực dự án thì cho rằng: Nếu tiếp tục thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường bởi dự án gần sát khu dân cư hiện hữu trong đô thị, nguy cơ khói bụi, tiếng ồn sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, vị trí xây dựng nhà máy nằm trên trục đường trung tâm của tâm đô thị với định hướng phát triển các khu chức năng khành chính, thương mại, dịch vụ, công cộng vì vậy khi nhà máy xi măng đi vào hoạt động lưu lượng xe vận tải có trọng tải lớn lưu thông trên tuyến đường này sẽ tiềm ẩn mất an toàn giao thông.

Ông Quách Văn Thào cho biết thêm: “Sản xuất xi măng bụi bặm nhiều lắm, thêm vào đó lượng xe vận chuyển nguyên vật liệu về còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nữa”.

hệ lụy mà những dự án “treo” này không chỉ ở Thanh Hóa mà còn nhiều ở các địa phương khác là rất nghiêm trọng.
Hệ lụy mà những dự án “treo” này không chỉ ở Thanh Hóa mà còn nhiều ở các địa phương khác là rất nghiêm trọng.

Từ những đánh giá khách quan, theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ kéo dài của các dự án nhà máy xi măng là do năng lực và nguồn lực, tiềm lực tài chính và trình độ quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế, yếu kém từ đó gây nên những hệ lụy trước mắt như chậm trễ về tiến độ, công nghệ sản xuất lạc hậu, lỗi thời.

Bên cạnh đó, không ít dự án đặt tại các địa điểm không thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên vật liệu không đảm bảo, thị trường tiêu thụ hạn chế hoặc không có thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh kém. Mặt khác, xét về thời điểm hiện nay do nguồn cung xi măng đã vượt cầu trong khi các chủ đầu tư đều là các nhà đầu tư tư nhân, chưa có hoặc ít kinh nghiệm sản xuất và thị trường tiêu thụ dẫn đến chi phí quản lý, vận hành tốn kém, không hiệu quả.

Từ đó, có thể thấy rằng hệ lụy mà những dự án “treo” này không chỉ ở Thanh Hóa mà còn ở nhiều địa phương khác. Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn (xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) không chỉ khiến người dân mất đất, tăng nguy cơ thất nghiệp đối với lực lượng lao động đã được đào tạo, làm giảm niềm tin của xã hội mà còn tăng thêm gánh nợ cho ngân sách Nhà nước và chi phí đối với toàn bộ nền kinh tế địa phương.

Hơn lúc nào hết, đã đến lúc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đưa ra những chính sách, cơ chế nghiêm khắc nhằm loại bỏ tận gốc nhưng “khối u bị biến chứng” này, bởi nếu cứ để tình trạng doanh nghiệp “cố đấm ăn xôi” thì chắc chắn tình hình sẽ chỉ khó càng thêm khó./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top