Aa

Thị trường bất động sản: Đã thấy “lửa trong băng”

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Năm, 11/05/2023 - 05:55

Mặc dù thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng song ghi nhận thực tế cho thấy đã có những chuyển động tích cực từ phía các chủ đầu tư.

Cơn mưa đã tạnh

Những ngày đầu tháng Năm, sau loạt chuyển động chính sách mạnh mẽ của Chính phủ và quyết tâm gỡ "điểm nghẽn" pháp lý tại nhiều địa phương, sinh khí đã dần trở lại với thị trường bất động sản. Nhiều chủ đầu tư từng trải qua giai đoạn khủng hoảng trước đó đã bắt đầu xốc lại tinh thần, rục rịch tái khởi động cho một chu kỳ mới.

Trong tháng này, Tập đoàn H. ở miền Nam sẽ khởi động lại hàng loạt dự án tại TP.HCM, Bình Định... sau thời gian tạm ngừng triển khai hoạt động thi công do đứt gãy dòng tiền và ách tắc thủ tục pháp lý. Tìm hiểu của PV cho thấy, tập đoàn này vừa đạt được thoả thuận với một nhà băng về việc tài trợ vốn cho dự án để tiếp tục xây dựng. 

Ngoài nguồn vốn tín dụng, tập đoàn này còn tiến hành đàm phán để chuyển nhượng một đại dự án tại miền Nam với đối tác ngoại. Nếu thành công, thương vụ M&A này khả năng sẽ giải được "cơn khát" tiền cho Tập đoàn H. 

Đáng chú ý, nhà băng nêu trên không chỉ là cứu tinh của Tập đoàn H. mà còn của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác. Đơn cử như Tập đoàn N. mới đây cũng được nhà băng này cam kết tài trợ vốn, bao gồm cả gói tín dụng cho người mua nhà tại một dự án căn hộ siêu cao cấp tại quận 1, TP.HCM. 

Ngoài ra, tập đoàn này còn chuẩn bị nguồn lực để tháng 6 tới triển khai loạt dự án trọng điểm khác tại TP.HCM và các địa phương lân cận, bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng, đồng thời linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai xây dựng các phân khu dự án cho phù hợp với thực tiễn.

Tương tự như các doanh nghiệp trên, Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings cũng có thông báo gửi khách hàng, đối tác, cho biết dự án Astral City (Bình Dương) đã được UBND tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh quy trình xác định tiền sử dụng đất, hiện khởi động xây dựng cũng như hoàn thành các thủ tục pháp lý còn lại để có thể ký hợp đồng mua bán. Đây từng là dự án trọng điểm của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, được bán lại cho Danh Khôi hồi tháng 6/2022 khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc tái khởi động các dự án, thị trường cũng ghi nhận hoạt động bán hàng đang cựa quậy trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước. Chẳng hạn, mới đây, Sun Group đã mở bán dự án Cosmo Residence tại Đà Nẵng, CapitaLand - Hiền Đức bán Soho - Heritage Westlake tại Hà Nội, Gamuda Land bán Elysian tại TP.HCM, Tập đoàn Agape Holding Singapore bán Sentosa Sky Park tại Hải Phòng… Khá nhiều dự án trong số đó đã cho thanh khoản tương đối tốt.

Mặc dù thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng song ghi nhận thực tế cho thấy đã có những chuyển động tích cực từ phía các chủ đầu tư. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu) 

Có thể nói, các động thái trên dù vẫn mang tính "ném đá dò đường" và thị trường vẫn đối mặt với không ít thách thức nhưng sự tái khởi động của nhiều "ông lớn" báo hiệu giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đang dần qua đi.

Cần thêm sự trợ lực

Mặc dù đã có những dịch chuyển đáng kể song với tương lai của thị trường bất động sản, những diễn biến nêu trên mới chỉ là điều kiện cần. Để hồi phục và phát triển, thị trường bất động sản phải có thêm điều kiện đủ là sức mua của người dân và nhà đầu tư. 

Thực tế cho thấy, "đầu ra" của thị trường bất động sản hiện nay vẫn rất yếu. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, giao dịch toàn thị trường trong quý I/2023 chỉ bằng 65,06% so với quý IV/2022 và chỉ bằng 61,2% so với quý I/2022.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy tình trạng cầu sụt giảm nghiêm trọng với tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường quý I chỉ đạt 11%, số lượng giao dịch chỉ bằng 50% cùng kỳ. Đặc biệt, các sản phẩm biệt thự, shophouse nhà phố, đất nền dự án ven đô nhiều địa phương gần như "trắng" giao dịch.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Chẳng hạn như sau hơn hai năm dịch bệnh, cộng thêm "cú bồi" suy thoái kinh tế, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư cũng như đại bộ phận người dân đã hao hụt đáng kể. Bên cạnh đó, lãi suất mua nhà dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao so với thu nhập đang đi xuống của người dân. Đó là chưa kể, sau giai đoạn khủng hoảng thời gian qua, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã bộc lộ sự mong manh, yếu kém, ảnh hưởng mạnh mẽ tới niềm tin của người mua, khiến tâm thế phòng thủ được củng cố. Người mua, nhà đầu tư phần lớn vẫn trong trạng thái chờ đợi "bắt đáy". Đây là điều khiến không ít chủ đầu tư lo lắng, dù cho đã tung ra khá nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu.

Theo các chuyên gia, để nâng cao sức mua cho thị trường, điều quan trọng là phải tạo ra các yếu tố hỗ trợ. Trong đó, quan trọng nhất là giảm mặt bằng lãi suất cho vay về mức phù hợp (dưới 10%). Với mức lãi suất này, dòng tiền sẽ chảy khỏi hệ thống ngân hàng để đổ vào các giao dịch đất đai, bất động sản, giúp thị trường tăng nhiệt.

Trao đổi với PV, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng vốn từ người mua là dòng vốn quan trọng nhất của thị trường bất động sản chứ không phải tín dụng hay trái phiếu. Bởi vậy, tập trung nâng cao sức mua của người dân được xem là yếu tố then chốt.

"Thị trường phải sống bằng vốn của người mua, tức cơ chế bán nhà hình thành trong tương lai", ông Võ nhấn mạnh.

Song song với việc nâng cao sức mua là giải pháp tạo ra đích đến cho dòng tiền, tức giải quyết vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản. Đây là rào cản chính, khi được xử lý sẽ vừa tăng nguồn cung, vừa khơi thông dòng vốn tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số lượng dự án được tháo gỡ cần phải đủ lớn thì lượng mới chuyển hoá thành chất, còn nếu làm "lắt nhắt" thì rất khó tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ để kích thích tâm lý đầu tư cũng như tạo lập niềm tin cho thị trường. Vì thế, sẽ cần chờ đợi thêm ít nhất 1 - 3 tháng tới, thị trường mới có thể trông thấy những chuyển biến cơ bản, làm cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong giai đoạn cuối năm./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top