Aa

Tọa đàm: Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình

Thứ Tư, 05/01/2022 - 06:15

Được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chiều nay, 5/1/2022, Reatimes và VIRES tổ chức Tọa đàm: Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình.

Trong bối cảnh bất động sản khu vực trung tâm dần trở nên bão hòa, làn sóng đầu tư bất động sản có xu hướng dịch chuyển theo vết dầu loang sang những vùng đất mới tiềm năng, Hoà Bình đang nổi lên là lực hấp dẫn dành cho nhà đầu tư bất động sản tại khu vực phía Bắc, nhất là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. 

Với các ưu thế vượt trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và sức hấp dẫn các nguồn lực đầu tư mới, Hòa Bình đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam thông qua quy hoạch bài bản, cơ chế chính sách của chính quyền và sự đồng hành của các doanh nghiệp tiên phong.

Sakana resort
 Dự án Sakana Resort Hòa Bình

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, trong tương lai, Hoà Bình muốn trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần cho người dân Thủ đô và xa hơn là du khách quốc tế, thì chắc chắn phải phát triển các quần thể, các khu nghỉ dưỡng sinh thái kiểu mẫu trong một quy hoạch tổng thể, để vừa trở thành địa điểm nghỉ ngơi kết nối trọn vẹn với thiên nhiên, có hệ thống tiện ích cao cấp, chăm sóc sức khoẻ, vừa cân bằng với việc bảo tồn thiên nhiên.

Để nhận diện những mô hình du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, khác biệt, hướng tới các giá trị bền vững và cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình trong giai đoạn mới; được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chiều ngày 5/1/2022, Reatimes và VIRES tổ chức Tọa đàm: Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình.

Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện chính quyền tỉnh Hòa Bình, các chuyên gia về kinh tế - bất động sản - quy hoạch - pháp lý, các cơ quan báo chí - truyền thông và sự đồng hành của Công ty Cổ phần phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ cùng bàn luận, phân tích về những tiềm năng, lợi thế của Hòa Bình để đón đầu cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần của khu vực miền Bắc; Xu hướng staycation và sức hấp dẫn của Hòa Bình; Định hướng quy hoạch phát triển về hướng Đông của Hòa Bình, Giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô; Cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình…

Tiêu điểm sự kiện

    17:00

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan phát biểu kết luận tọa đàm

    Kính thưa các chuyên gia, các vị đại biểu và các vị khách quý,

    Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin cám ơn các chuyên gia, đại biểu với những tham luận trình bày tâm huyết.

    Thứ nhất, với vai trò, địa thế nằm trong vùng Thủ đô, sự phát triển và trỗi dậy mạnh mẽ của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình là điều tất yếu, quan trọng là trong thời gian tới Hòa Bình cần tận dụng những lợi thế này để cất cánh.

    Thứ hai, như các chuyên gia đã nói nhiều về lợi thế, theo tôi, Hòa Bình nên lấy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng làm kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, Hòa Bình cần cởi mở hơn về chính sách thu hút đầu tư và quan tâm nhiều hơn đến văn hóa. Phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đồng hành với văn hóa, quy hoạch. Chúng ta cần chú ý về quản lý, liên kết quy hoạch.

    Thứ ba, quản lý quy hoạch cần quan tâm đến cả quản lý không gian và thời gian. Trên tinh thần đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam sẵn sàng kết hợp với Hòa Bình để làm đề án nghiên cứu phát triển về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình.

    Tọa đàm đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi hy vọng sau hội thảo này sẽ có nhiều hội thảo, nghiên cứu về bất động sản tổ chức cùng Hòa Bình và các tỉnh khác.

    Một lần nữa thay mặt cho Ban tổ chức, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các quý chuyên gia và đại biểu.

    16:55

    Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc

    Đất Xanh Miền Bắc là doanh nghiệp với hơn 3.000 nhân viên môi giới bất động sản, chúng tôi khởi nghiệp đầu tiên cũng là ở Hoà Bình. Sau thời gian hoạt động tại thị trường Hoà Bình, tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Hoà Bình trỗi dậy, Nhà nước và địa phương cần quan tâm bảo vệ thị trường bất động sản, bảo vệ người môi giới chân chính và các chủ thể khác tham gia vào thị trường.

    Đối với yếu tố văn hoá, tôi cho rằng chúng ta phải xem lại chính sách, khi văn hoá đang bị "chảy máu" thì phải có chính sách để ngăn chặn việc "chảy máu" này. 

    Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc

     

    16:45

    Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land chia sẻ

    Từ đầu buổi Tọa đàm đến giờ, các chuyên gia đều nhắc đến yếu tố văn hóa trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Và tôi cho rằng đây đúng là một yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này cũng cần quan tâm.

    Bên cạnh yếu tố văn hóa, dưới góc độ một doanh nghiệp, chúng tôi cũng quan tâm một số vấn đề khác khi đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Hoà Bình. Cụ thể, trước đây người dân Hòa Bình chỉ mua đất rừng để trồng cây nhưng bây giờ chúng tôi muốn mua lại những mảnh đất này để triển khai dự án lại rất khó. Giá đất được người dân đẩy lên quá cao. Đó là một vấn đề chúng tôi đang gặp phải khi vào thị trường Hòa Bình.

    Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land

    Ngoài ra, chúng tôi còn thấy rằng nghỉ dưỡng Hòa Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Rất khó để tìm thấy 1 villa triệu đô được bán ra tại Hòa Bình. Những doanh nghiệp lớn "nhảy" vào thị trường này cũng chưa có nhiều. Câu hỏi đặt ra là “nút thắt” nào khiến sức hấp dẫn tại đây lớn như thế mà không thu hút được nhiều nguồn đầu tư?

    Tiếp đến, hiện nay Tam đảo, Sa Pa đều ngổn ngang. Vậy Hòa Bình có như vậy hay không? Nếu Hòa Bình dần mất đi các nét văn hóa, xây dựng các dự án nhỏ lẻ thì khác nào cũng sẽ đi vào lối mòn này. 

    Một nút thắt tiếp theo là có rất nhiều doanh nghiệp “xếp lốt”, có đất ở Hòa Bình, nhưng nhiều năm không triển khai. Vì vậy, chúng tôi có muốn "nhảy" vào cũng rất khó.

    Tuyến đường Láng Hòa lạc đi đến Hòa Bình là một tuyến đường rất đẹp nhưng hiện nay chúng ta gần như đang bỏ ngỏ. Vì vậy, theo tôi, chúng ta nên có những quy hoạch khu vực xung quanh sẽ có sự thu hút rất lớn với các nhà đầu tư. 

    Cuối cùng, dưới góc độ một doanh nghiệp đầu tư chúng tôi cũng mong muốn dễ dàng được tiếp cận các thông tin từ tỉnh Hòa Bình để thuận tiện trong việc tham gia vào phát triển dự án tại đây.

    16:40

    Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, chia sẻ

    Tính đến thời điểm này sau 2 năm sống chung với Covid-19, đến giờ chúng ta đã quen với nó và các hoạt động đầu tư kinh doanh đã trở lại. Cùng lắm đến giữa năm 2022, cuối năm sẽ trở lại bình thường.

    Về việc phát triển du lịch, theo quyết định của Thủ tướng đã đưa ra 3 khái niệm: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá.

    Theo thống kê của tôi có 15 loại hình du lịch thì Hoà Bình có 14,5/15 cái mà tôi liệt kê ra bởi lẽ chỉ còn loại hình du lịch biển đảo thì Hoà Bình không có biển nhưng có đảo.

    LS. Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

    Chiến lược của Thủ tướng cũng nói đến 2 ưu tiên là: ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo thì Hoà Bình có 1 nửa. Hoà Bình không có biển nhưng cũng không phải không có lợi thế. So với những nơi không có biển thì Hoà Bình hiện nay đang số 1. 

    Quan trọng nhất là phát triển du lịch xanh, muốn có trái chín phải phát triển bằng xanh.

    Hoà Bình không gắn với phát triển xanh, không gắn với phát triển văn hoá thì không còn thế mạnh nữa. Văn hoá sẽ là đột phá du lịch của Hoà Bình.

    16:35

    Nhà thơ , Nhà văn hoá Ngô Đức Hành chia sẻ quan điểm

    Hòa Bình đang phát triển, cho thấy địa phương đã phát triển thực tiễn, không nằm trên quy hoạch nữa. Tôi nhận thấy, trong các phát biểu từ đầu Toạ đàm đều nhắc đến yếu tố văn hoá. Tất cả các phát biểu đều thấm đẫm tinh thần văn hoá, chứng tỏ doanh nghiệp, chuyên gia cũng rất yêu và quan tâm đến Hòa Bình.

    Chúng ta phải hiểu rằng, văn hoá Hòa Bình phải được nhìn nhận với những giá trị có nội hàm bao gồm văn hoá vật thể và phi vật thể. Văn hoá Hoà Bình đã xuất hiện 18 ngàn năm trước công nguyên. Đến nay, rất nhiều hang động còn lại cho thấy những dấu tích văn hoá của người xưa và nếu phát triển được thì đó là điều tuyệt vời.

    Nhà thơ, Nhà văn hoá Ngô Đức Hành

    Theo tôi, phía chính quyền Hòa Bình cần làm sao khai thác được dư địa Hòa Bình, đề cao các yếu tố văn hoá và đưa văn hoá vào trong kiến trúc, trong quy hoạch. 

    Đơn cử các dự án bất động sản phải có giá trị của Hòa Bình. Bài học Sa Pa chính là sự lai ghép văn hoá, sự đổ vỡ của văn hoá. Do đó, Hòa Bình phải phát huy giá trị văn hoá riêng biệt của địa phương. Hòa Bình phải chứng minh là cái nôi văn hoá của người Việt cổ, văn hoá của người Mường. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, cần tạo ra một hệ giá trị mới trong văn hoá ra sao để có điểm khác biệt với các địa phương trong vùng.

    Xin khẳng định, giá trị, yếu tố văn hoá của địa phương chính là thông điệp và là điều cần được đưa vào là thành tố cạnh tranh trong thị trường bất động sản Hòa Bình.

    Trước đây chúng ta nhắc nhiều đến phát triển bền vững, đến nay là phát triển xanh nhưng suy cho cùng, môi trường là văn hoá. Tôi đi nhiều nơi của Hòa Bình, những vấn đề ý thức và quy định về bảo vệ môi trường còn nhiều vấn đề.
    Theo đó tôi cho rằng, quy hoạch phát triển Hòa Bình cũng như kêu gọi đầu tư kinh tế, bất động sản thì địa phương sẽ còn phải bàn nhiều đến câu chuyện văn hoá.

    16:30

    PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ quan điểm

    Tôi xin chia sẻ những vấn đề lớn không chỉ riêng đối với Hòa Bình mà với nhiều địa phương khác:

    - Thứ nhất, về vấn đề quy hoạch: Dù nhiều người đã nói nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng vẫn thiếu sót là làm sao liên kết được quy hoạch về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với khu dân cư cũng như về văn hóa dân tộc cũng như đặc trưng của địa phương từng vùng. Điều này chúng ta thua xa nhiều nước phát triển, nhất là nước Pháp. Chúng ta mới quy hoạch chung chung tại những khu du lịch mà chưa có sự liên kết với khu chung quanh. Vì vậy, chúng ta cần cái nhìn tổng thể, toàn diện để các doanh nghiệp có sự liên kết với nhau. Quy hoạch phải tổng thể, phải bền vững và lâu dài.

    PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ tại phiên Thảo luận

    - Thứ hai, quy hoạch phải tính đến sự phát triển của địa phương, cư dân. Nhiều dự án khó giải phóng mặt bằng vì khó giải quyết mâu thuẫn về việc người dân sẽ được gì sau những dự án được xây dựng. Nếu quy hoạch để phát triển văn hóa, phát triển hạ tầng thì cộng đồng dân cư sẽ ủng hộ ngay song vấn đề đặt ra là sau khi xây dựng, quy hoạch thì họ được gì? Vấn đề quan trọng hơn nữa là quy hoạch rồi thì có làm được không? Nếu trong quá trình xây dựng mà xả thải, gây phiền hà, gây mất an ninh trật tự tại địa phương đó thì sẽ không thể được người dân ủng hộ. Các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phải tính đến điều đó để sao cho người dân được hưởng lợi ích thỏa đáng. Hòa Bình nên rút kinh nghiệm về điều này. 

    Đặc biệt, người Mường có những đặc trưng riêng về văn hóa nên cần phải tạo ra sự phát triển cho cộng đồng, địa phương. Phải làm sao để bản làng phát triển bền vững, tạo sự riêng biệt, nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần, tạo ra việc làm cho người dân nơi đây. Từ đó họ thấy được lợi ích và hài lòng với dự án.

    Hy vọng trong tương lai, quy hoạch Hòa Bình có sự phát triển tốt hơn, để từ đó doanh nghiệp phát triển, làm sao đạt được phát triển bất động sản bền vững, xanh và sạch.

    16:20

    TS. Nguyễn Minh Phong phát biểu về một số khuyến nghị cho sự phát triển du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình

    TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi sẽ tập trung đến 2 nhóm khuyến nghị dành cho cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư.

    Như chúng ta đã trao đổi rất nhiều hôm nay, Hòa Bình hội tụ đầy đủ lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên để phát triển bền vững và lâu dài, khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có, tôi xin đưa ra một số đề xuất như sau:

    Cần quan tâm đến quy hoạch. Bài toán quy hoạch luôn là số 1 trong mọi vấn đề phát triển. Vì vậy, Hòa Bình cần quy hoạch ổn định, dài hạn.

    Phải đảm bảo tính kết nối vùng.

    Phải tôn trọng tất cả phát triển các loại hình bất động sản.

    TS. Nguyễn Minh Phong

    Cơ chế pháp lý phải đảm bảo để bảo vệ các bên, đặc biệt các nhà đầu tư. Nổi bật là bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, bảo vệ lợi ích của người dân bản địa, cuối cùng là lợi ích của du khách.

    Hoà Bình cũng cần quan tâm đến môi trường và cần đưa ra bộ tiêu chí về môi trường, nâng cao giá trị bền vững, phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc.

    Cần hình thành các cơ chế khuyến khích và thu hút nhà đầu tư.

    Cần đảm bảo an toàn xây dựng, trật tự an toàn an ninh, đặc biệt là y tế. Cần đa dạng các dịch vụ, không chỉ về nghỉ dưỡng, nhà ở, mà cần cả được đảm bảo về chăm sóc sức khỏe, phát triển các dịch vụ y tế. Có như vậy mới thu hút mọi lứa tuổi du khách đến với Hòa Bình.

    Đảm bảo công khai minh bạch về chính sách, pháp lý.

    Cần đảm bảo phát triển du lịch xanh, môi trường xanh. Hòa Bình nên trở thành một vùng mẫu về Đà Lạt thứ 2 nếu được. “Cốt không” cũng là một giải pháp rất hay phù hợp với Hòa Bình để tránh sạt lở đất.

    Phải đảm bảo đa dạng hóa về phương thức đầu tư, về khuyến mại, đa dạng hóa tính hợp tác.

    16:10

    TS.KTS. Trần Minh Tùng chia sẻ quan điểm

    Sức hấp dẫn của các dự án bất động sản có thể nhìn tới mấy yếu tố trong các tầng sau: 

    Tầng thấp nhất chính là kiến tạo cơ sở vật chất (làm đường, làm quy hoạch) và các tỉnh bắt buộc phải làm để thu hút đầu tư. Thứ hai là xây dựng các dự án bất động sản sẽ thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp.

    Tầng thứ hai là kiến tạo cuộc sống của khách hàng, người dân. Hình ảnh cuộc sống mà dự án hướng đến là gì, là sinh thái, là cuộc sống xanh? Tôi nhận thấy, Hoà Bình có thế mạnh hồ lớn rộng thì hoàn toàn có thể thực hiện các dự án sinh thái nghỉ dưỡng mà khó có địa phương nào có thế mạnh đó.  
    Khai thác địa điểm tiềm năng và nơi chốn đem đến sự khác nhau giữa các địa phương, đem đến màu sắc riêng cho mỗi dự án. Từ đó có thể phân biệt được Hòa Bình với Bắc Giang, Thái Nguyên... hay các địa phương khác.

    TS.KTS Trần Minh Tùng 

    Kiến tạo còn bao gồm cảm nhận của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Nếu người dân, khách hàng phải di chuyển rất xa từ Hà Nội lên Hà Giang, Sa Pa mới có thể cảm nhận về thời tiết, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp thì tại Hòa Bình chỉ mất 2 tiếng đã có thể cảm nhận được.

    Ngoài ra còn có một yếu tố là phong thuỷ, với Hoà Bình, địa thế tựa núi nhìn ra sông giúp các dự án hấp dẫn hơn bao giờ hết.

    Tầng thứ ba, cuối cùng, tâm lý tiêu dùng, cần phải chú trọng đến cách làm truyền thông kết nối để có thể thấy được sự cầu thị của địa phương trong thu hút đầu tư, là sự lan tỏa của các dự án xanh, sinh thái, dự án tốt tới các khách hàng….

    16:02

    PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên chia sẻ quan điểm

    Trước tiên, tôi vẫn xin nhắc lại tiềm năng của Hòa Bình. Địa phương có tiềm năng nổi trội nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác được hết và cũng phát triển chưa xứng tầm địa phương. Cảnh quan thiên nhiên, mặc dù có sự chia cắt nhưng về tổng quan vẫn đem tới thuận lợi. Cùng với đó, văn hoá vùng miền đặc sắc cũng là thế mạnh của Hoà Bình. Có thể khẳng định rằng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ không thể thành công nếu không kết nối được với các yếu tố văn hoá. Bên cạnh đó, các loại cây ăn trái, hoa quả hay cả những văn hoá đặc trưng từ cây thuốc, tâm linh cũng là những yếu tố mà tỉnh hoàn toàn có thể khai thác.

    PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên

    Ngoài ra, Hoà Bình đã có nhiều kết nối tốt nhưng thực chất trong tỉnh vẫn chưa được kết nối đồng bộ. Trong vấn đề quy hoạch, tôi cho rằng quan trọng là quy hoạch bảo tồn, xác định đặc trưng quan trọng của tỉnh để bảo tồn và phát triển là điều cần quan tâm nhiều nhất.

    Tôi cũng thấy rất nhiều khu du lịch, dự án nghỉ dưỡng ở Hoà Bình đã chú trọng đến cảnh quan, công nghệ, nhưng nhiều khi lại quên mất những nét đặc trưng văn hoá, kiến trúc của người Mường, người Thái tại Hoà Bình.
    Tôi xin nhấn mạnh, những giá trị văn hoá của địa phương cần được quan tâm. Ví như khi thực hiện dự án, việc gắn với văn hoá địa phương sẽ không xảy ra các vấn đề kệch cỡm khi đem văn hóa từ nơi khác về Hòa Bình.

    16:00

    TS. Vũ Đình Ánh đặt vấn đề về câu chuyện quy hoạch, kiến trúc 

    Quy hoạch là chuyện chúng ta cũng đang quan tâm nhiều nhất. Hoà Bình cũng cần thực sự quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề quy hoạch của địa phương để phát triển bền vững và phát huy thế mạnh. Tôi muốn hỏi về câu chuyện này với góc nhìn của các chuyên gia quy hoạch PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên và TS.KTS. Trần Minh Tùng.

    15:40

    Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình, phát biểu

    Về câu hỏi liên quan đến khí hậu của Hòa Bình có thuận lợi hay không, tôi xin khẳng định khí hậu Hòa Bình rất thuận lợi, có lợi thế vùng cao. Tương tự như tại tỉnh Lạng Sơn, huyện Mai Châu hay khu Đà Bắc của Hòa Bình có địa hình núi cao, phong cảnh đẹp, khí hậu mát về mùa hè, vì vậy có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển các dự án.

    Với hơn 500.000ha, gần 10.000 tỷ m3 nước làm mát cho khu vực cảnh quan, Hòa Bình có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như chúng ta đã bàn rất nhiều trong Toạ đàm hôm nay. Đặc biệt hồ Hòa Bình với màu xanh quanh năm (ít nhất trong 10 tháng trừ mùa lũ), cảnh quan đẹp. Khí hậu Hòa Bình rất trong lành, mát mẻ, thuận tiện cho phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

    Về câu hỏi rút ra bài học gì từ thực trạng của Sa Pa? Tôi thấy tiếc cho Sa Pa và chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm từ câu chuyện phát triển du lịch tại đây. Cụ thể, chúng tôi áp dụng ở Mai Châu với hình thức du lịch cộng đồng phát triển. Hiện có nhiều khu resort tại Hòa Bình phải dựa vào bản sắc, văn hóa để phát triển bền vững. Trong Nghị quyết của tỉnh Hòa Bình có nêu rõ việc phát triển bền vững, giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên nên các nhà đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng phải tuân thủ quy định chung của tỉnh. Xây dựng môi trường phát triển bền vững cần phải gắn với bảo vệ môi trường. 

    Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình, phát biểu trong phần Thảo luận.

     

    15:20

    Ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình, phát biểu

    Chúng tôi nhất trí với các ý kiến đánh giá tiềm năng phát triển của bất động sản Hoà Bình của các chuyên gia. Phân tích xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, về tiềm năng thì chúng tôi không bàn thêm vì đã có nhiều ý kiến đề cập, chúng tôi xin đề cập tới mặt hạn chế để tìm giải pháp tháo gỡ.

    Mặt hạn chế của Hoà Bình, đó là diện tích nhỏ và bị chia cắt bởi nhiều đồi núi sông xuối, giao thông chưa kết nối thuận lợi được với nhau. Về thuỷ lợi, về sông chỉ có sông Đà kết nối được giao thông còn các con sông khác chỉ có đá và núi nên lưu thông đường thuỷ hạn chế. Cái quan trọng nhất là đường bảo vệ hành lang các công trình trọng điểm như nhà máy nước Vinaconex.

    Ở đây tôi cũng chia sẻ câu chuyện là sau khi phát hiện có người đổ trộm dầu thì chúng tôi đã điều chỉnh và yêu cầu lấy nước đúng nguồn, đồng thời phát huy được hơn 1.000ha khu vực xung quanh hồ Đồng Bài bởi không chỉ có nước ở sông mà còn nước ở các lưu vực xung quanh. Từ đây cho thấy bài toán về môi trường còn chưa thực sự được giải quyết.

    Một vấn đề khác là vướng mắc đền bù. Hiện, Sở Xây dựng thay mặt UBND tỉnh ký được 33 dự án nhà ở với tổng diện tích 849ha, số vốn đầu tư lên tới hơn 11.000 tỷ đồng. Những dự án này đang triển khai nhưng có vướng mắc về đền bù, người dân so sánh về đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng nên yêu cầu cao và khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

    Nhiều người dân thắc mắc mức đền bù cao nhất hiện nay là 285.000 đồng/m2 (đất lúa), đất lâm nghiệp khoảng hơn 200.000 đồng/m2 nhưng các nhà đầu tư bán mười mấy triệu/m2. Tuy nhiên, người dân họ không tính đến chi phí nộp cho nhà nước, chi phí đầu tư nên vẫn không chấp nhận đền bù.

    Ông Đoàn Tiến Lập Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình, phát biểu trong phần thảo luận

    Cái thứ hai là bất động sản nghỉ dưỡng không như dự án nhà ở được các cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là huyện trực tiếp đứng ra giải phóng mặt bằng rồi bàn giao cho nhà đầu tư, dự án nghỉ dưỡng là chủ đầu tư phải tự đi thoả thuận, chưa kể đất này không thể quy chủ được.

    Cụ thể, chủ của mảnh đất họ bán 1ha nhưng thực tế quy vào có 5.000m2 thì người ta sẽ nói là tại sao mảnh đất của tôi trên bìa 1ha mà giờ đo lại có 5.000m2?

    Đây là những vướng mắc hiện nay, vướng mắc về quy chủ, vướng mắc về diện tích, về giải phóng mặt bằng, về chính sách. Ở đây chúng tôi trực tiếp đi hỗ trợ các nhà đầu tư, thì mảnh đất này là mảnh đất “hai lúa” nhưng họ không trồng lúa nữa mà trồng cây lâu năm thì đền bù thế nào? Nếu đền bù đất lúa là đúng nhưng giờ trồng cây lâu năm thì đền bù theo hình thức nào? 

    Vướng mắc nữa là nhà đầu tư làm thật rất ít, năm 2017, chúng tôi đã kêu gọi nhà đầu tư lớn đầu tư vào Hoà Bình nhưng họ đều lắc đầu, sau chúng tôi phải thu hút cả nhà đầu tư nhỏ, dự án 5ha cũng tổ chức đấu thầu, 4.000 - 5.000m2 vị trí đẹp chúng tôi cũng đấu thầu. 

    Một cái may của Hòa Bình là chúng tôi có cơ quan tham mưu rất tốt, chúng tôi kiên quyết thực hiện Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu là phải tổ chức đấu thầu. Đến nay, 33 dự án chúng tôi đã ký đều tổ chức đấu thầu hoàn toàn đảm bảo về quy trình pháp lý. Chúng tôi xác định Hoà Bình là địa phương tuy nhỏ nhưng phát triển rất mạnh so với vùng xung quanh và rất bài bản về thủ tục, tạo mọi thuận lợi kêu gọi nhà đầu tư đến với Hòa Bình.

    Về hành lang pháp lý, chúng tôi vẫn theo đến cùng với kế hoạch đầu tư, xây dựng, ban hành các quyết định nội dung lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí của Nghị định 25 và Thông tư 06, các tiêu chí về kinh nghiệm và tài chính. Hiện nay, các thủ tục pháp lý tỉnh Hòa Bình chúng tôi rất nhanh chóng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến chính sách, chúng tôi cũng đang cố gắng khắc phục để hành lang pháp lý chặt chẽ và đầy đủ. 

    Tuy nhiên, vẫn còn vướng những vấn đề liên quan đến chính sách. Hằng năm chúng tôi kết hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi các dự án của nhà đầu tư không có tiềm năng. Do đó về hành lang pháp lý là chúng tôi ban hành rất chặt chẽ và đầy đủ. 

    Về giá bất động sản, do trong năm vừa qua Hòa Bình nổi lên với lan đột biến nên thu hút rất nhiều người vào chơi lan. Điều này đã khiến nhiều người dân đổ xô đi mua đất trồng lan. Ngoài ra, theo các báo cáo, giao dịch bất động sản tại Hòa Bình đang không nhiều, nên nếu giá có bị đẩy lên cao thì cũng sẽ không ai mua. Do người dân, nhà đầu tư ngày nay dân trí đã cao, am hiểu về thị trường bất động sản. 

    Về câu chuyện bài học từ sự phát triển của Sa Pa, hiện nay Hòa Bình được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phân khu rất rõ ràng. Ngoài ra, cơ cấu sử dụng đất tại Hòa Bình còn rất ít, mật độ chỉ 16 - 18% nên việc phá vỡ cảnh quan như Sa Pa sẽ khó xảy ra. Sáng kiến của Sở Xây dựng thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng hỗ trợ công tác này cũng đã đạt hiệu quả. Kể cả hành lang pháp lý, thủ tục đầu tư, thủ tục xây dựng, vướng ở đâu đều được ban chỉ đạo của Hòa Bình xem xét, giải quyết vào ngày 20 hằng tháng, do đó về vấn đề pháp lý các nhà đầu tư không cần phải lo lắng. 

    15:15

    TS. Vũ Đình Ánh điều phối Phiên thảo luận

    Chúng ta đã lắng nghe rất nhiều chuyên gia đề cập đến việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình. Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nêu ra được những vấn đề trong việc phát triển thị trường bất động sản nói chung và Hòa Bình nói riêng. Về phía doanh nghiệp, chúng ta cũng đã nghe được sự thiết tha phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Hòa Bình theo hướng bền vững. Đây là một nội dung rất hay và đáng quan tâm.

    Thực tế, thị trường bất động sản Hòa Bình đã trỗi dậy từ lâu, do sở hữu những lợi thế về văn hóa, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, chúng ta thấy rằng, có nhiều địa phương, các chủ đầu tư thường kêu ca về thủ tục pháp lý, nhưng ở Hòa Bình thì nhiều người nói rằng thủ tục rất suôn sẻ, thuận lợi. Đây là tín hiệu tốt thu hút nhà đầu tư đến với Hoà Bình.

    Vậy liệu có còn những vấn đề gì tồn tại trong việc phát triển bất động sản du lịch tại Hòa Bình hay không? Đặc biệt là việc phát triển bền vững, lâu dài.

    TS. Vũ Đình Ánh điều phối Phiên thảo luận

    Để làm rõ vấn đề này, trước hết, tôi xin mời đại diện của Sở Xây dựng, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình với những nội dung sau:

    - Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã có cách thức nào để thu hút đầu tư? 

    - Giá bất động sản của Hòa Bình hiện nay thế nào, có những thuận lợi gì?

    - Thời gian qua, chúng ta đang nói nhiều về bất động sản cao cấp, vậy bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình liệu có bị sa vào phân khúc cao cấp giống như vậy không? 

    - Nếu so sánh với Sa Pa thì Hoà Bình có gì khác? Câu chuyện bảo vệ môi trường tại Hoà Bình sẽ như thế nào trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng?

    15:00

    Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô, trình bày tham luận

    "Hòa Bình có thể nói là quê hương thứ 2 của tôi, vì tôi từ Hà Nội đến đây từ năm 2007 – 2008, lặn lội vào các bản làng từ rất sớm. Tôi kiên định đầu tư vào hồ Hòa Bình dù thời điểm đó di chuyển rất khó vào lòng hồ và các cảng vẫn còn thô sơ.

    Đến nay, đã có nhiều chính sách được đầu tư cho Hòa Bình, đây là bước tiến quan trọng để lập quy hoạch và hành lang cụ thể về chính sách. Chính sách phát triển, thủ tục rõ ràng khiến doanh nghiệp ngày càng tự tin khi đầu tư vào Hòa Bình.

    Năm 2020, doanh nghiệp chúng tôi nỗ lực kêu gọi đầu tư vào các khu vực ngoại ô dù thời điểm đó nhiều đơn vị, khách hàng thích đầu tư vào các trung tâm resort và ngoại ô không phải là điểm đến của họ nhưng tôi đã thuyết phục thành công. Tôi cho rằng, sau đại dịch Covid-19, làn sóng staycation càng ngày càng mở rộng.

    Doanh nghiệp lớn đầu tư làm việc với chúng tôi vì họ nhìn thấy sự đồng bộ phát triển gắn với thiên nhiên", ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

    Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô

    Theo ông Trung, hiện nay vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp phát triển dự án là làm sao để các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương để phát triển thị trường bền vững. Nếu chúng ta bảo vệ vốn tự nhiên, đó mới là yếu tố cốt lõi, giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Nếu định hướng được điều cốt lõi, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng về phát triển bền vững.

    Hòa Bình hiện đang là một điểm đến thu hút rất nhiều chủ đầu tư với số lượng dự án đăng ký đầu tư lớn.

    Theo quan sát, các dự án nhà ở tập trung dọc trục cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đoạn qua các xã Phúc Tiến kéo dài đến TP. Hòa Bình. Tại đây các dự án nhà ở xen kẽ cùng sân golf, một số khu nghỉ dưỡng cao cấp và một số dự án mang tính tiện ích xã hội như trường học, y tế…

    Khu vực này có lợi thế lớn với mặt bằng ổn định, tiếp giáp với hai trục đường huyết mạch là cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và Quốc lộ 6. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thì đây được ví như TP. Hòa Bình mở rộng với các dự án đồng bộ, quy mô, xen kẽ các tiện ích sống cao cấp.

    Các dự án du lịch nghỉ dưỡng tập trung tại khu vực quanh hồ Hòa Bình. Số dự án được đăng ký đầu tư gia tăng rất nhanh trong thời gian 1 - 2 năm trở lại đây và đa số đều đang trong quá trình nghiên cứu, quy hoạch, một số ít đã hoàn thành công tác quy hoạch và trong giai đoạn thủ tục giao/cho thuê đất. Quy mô cũng rất đa dạng.

    "Thị trường tốt như vậy và lý do để thị trường này đang vươn mình mạnh mẽ cũng đã rõ. Điều mà tham luận muốn đề cập đến đó là làm sao để việc đầu tư các dự án, đặc biệt là dự án nghỉ dưỡng đạt được sự bền vững. Cụ thể, trong khuôn khổ buổi tọa đàm, bài tham luận trình bày về sự bền vững với môi trường, thiên nhiên.

    Doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy “vốn tự nhiên” là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất.

    Vấn đề là, Hòa Bình là một tỉnh trung du, có địa hình phong phú và đa phần là đồi núi. Điều này đem lại lợi thế về cảnh quan, nhưng đem lại những thách thức về quy hoạch. Nếu không có giải pháp tốt, thì tự thân chủ đầu tư làm mất đi giá trị mà đáng ra mình được hưởng. San nền thì dễ, nhưng làm thay đổi kết cấu bề mặt, tăng khả năng sạt lở, chi phí xây bờ kè và tái tạo lớp đất màu để trồng trọt rất tốn kém. Chặt cây thì nhanh và khiến việc thi công công nghiệp được nhanh, nhưng trồng lại một cái cây thì tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, thời gian. Cây trồng lại, luôn không đẹp bằng cây mọc tự nhiên. Cây ngoại lai luôn khó trồng, khó chăm hơn so với cây bản địa", ông Trung nêu vấn đề.

    Trình bày thêm trong phần tham luận, ông Nguyễn Thành Trung nêu một số nhóm giải pháp về phát triển dự án nghỉ dưỡng tại vùng Hòa Bình:

    - Lựa chọn hình thức dự án phù hợp với điều kiện tự nhiên hiện có.

    - Nhóm giải pháp quy hoạch tôn trọng, hài hòa.

    - Nhóm giải pháp thiết kế kiến trúc cộng sinh với thiên nhiên.

    - Nhóm giải pháp thiết kế cảnh quan phát huy tính bản địa.

    - Nhóm giải pháp thi công thân thiện: Áp dụng công nghệ cao.

    - Nhóm giải pháp vận hành bền vững và tương tác, tôn tạo với thiên nhiên.

    "Với nhiều năm gắn bó trên mảnh đất Hòa Bình, mà đến nay, một bộ phận lớn cán bộ của doanh nghiệp chúng tôi thông thạo Hòa Bình còn hơn chính quê của họ, chúng tôi – đại diện cho doanh nghiệp ở đây kỳ vọng Hòa Bình sẽ hài hòa được giữa vấn đề tăng trưởng thần tốc với sự bền vững trong môi trường, tự nhiên và xã hội.

    Qua quá trình tham gia trực tiếp nhiều dự án đầu tư ở các loại hình khác nhau, quá trình từ thiết kế đến triển khai thi công thực tế đến vận hành, hy vọng một số kinh nghiệm rút ra của chúng tôi sẽ góp ích cho những nhà đầu tư đang chuẩn bị đầu tư tại Hòa Bình.

    Và qua đây, bài tham luận của tôi cũng kỳ vọng lan tỏa tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển dự án hài hòa với thiên nhiên. Bởi thực sự, đối với vùng trung du miền núi như Hòa Bình, vấn đề hài hòa với thiên nhiên là yếu tố sống còn của mọi dự án. Chúng tôi hy vọng tất cả các doanh nghiệp cùng chung tay vì sự phát triển bền vững", ông Nguyễn Thành Trung nói. 

    14:40

    TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trình bày tham luận

    Trong năm 2021, thị trường bất động sản cả nước có hiện tượng tăng giá. Đặc biệt, có những địa phương như Hoà Bình cũng nhận định là vùng trũng, có sức hút, giá cả tăng mạnh. Đất đai hiện đang được đầu tư công rất mạnh, làm gia tăng giá trị đất đai của bất động sản, đó là điều tất nhiên, giá trị bất động sản luôn tăng tỷ lệ thuận với việc đầu tư.

    "Tuy  nhiên, thị trường cũng có những nơi sốt ảo và những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không tham gia vào thị trường này. Việc tăng giá bất thường thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có lỗi ở việc thông tin không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản. Và một số người sẽ bị rơi vào vòng xoáy sốt ảo.

    Hoà Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Tôi còn nhớ, năm 2007, nhiều đại gia đã xuất hiện tại Hoà Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa thực sự tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia tại thị trường bất động sản địa phương này", ông Nguyễn Văn Đính nhận định. 

    Theo TS. Nguyễn Văn Đính, với lợi thế, cảnh quan thiên nhiên nơi đây hoang sơ và ấn tượng, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng như những cánh rừng nguyên sinh Phu Canh, hang Lỗ Làn, động Thác Bờ vừa mang nét thơ mộng, bình dị, yên ả như bến nước Hiền Lương, Suối Nánh, Thung Nai, cùng hệ thống hang động phong phú và những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường, Thái.

    Bên cạnh đó, với sự ưu ái từ thiên nhiên, Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng nhờ sở hữu mạch khoáng nóng quý hiếm, mang lại rất nhiều tác dụng vượt bậc cho sức khỏe, tinh thần và sắc đẹp. Nhờ lợi thế khí hậu ôn hòa quanh năm, du khách bốn phương có cơ hội đến đây nghỉ dưỡng cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

    Theo đó, Hoà Bình rất thích hợp cho việc phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, Hòa Bình vẫn còn thiếu các khu du lịch, sân golf có diện tích lớn, do đó tiềm năng phát triển sẽ còn cao.

    TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

    Ngoài ra, hạ tầng giao thông thay đổi nhanh chóng cũng là đòn bẩy khiến bất động sản Hòa Bình bùng nổ. Điển hình phải kể đến đường Hòa Lạc - TP. Hòa Bình giai đoạn 2 với 6 làn xe; cải tạo quốc lộ 70, quốc lộ 15, quốc lộ 21, đường vành đai 5... đoạn qua tỉnh Hòa Bình; phối hợp với tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu…

    Song TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, kết nối hạ tầng của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa, tốt hơn để thu hút đầu tư lớn hơn.

    Một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.

    "Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án, thí dụ như có người dân đòi đền bù đến 1 tỷ đồng cho 1 mảnh đất, cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thật.

    Nêu ví dụ như vậy để thấy rằng, Hòa Bình có lợi thế đặc biệt là phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, tuy nhiên, địa phương cần phải chủ động nghiên cứu, xem xét, đầu tư thêm các cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ hỗ trợ.

    Hòa Bình cũng đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản bất bình thường. Nguyên nhân cũng một phần là do thiếu nguồn cung. Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra hàng. Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Nếu tỉnh Hòa Bình cởi mở, chắc chắn những “con đại bàng lớn” sẽ kéo về đây để phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản và tất yếu giá bất động sản cũng được đẩy lên cao hơn nữa", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.

    14:20

    Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, trình bày tham luận

    Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng (cách trung tâm thủ đô Hà Nội 73km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 93 km và cách cảng biển Hải Phòng 170km), phía Đông giáp Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hoá, phía Đông Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc, Hòa Bình tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội; đặc biệt có tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường QL6 chạy qua địa bàn tỉnh, khiến cho việc kết nối giữa Hòa Bình với các tỉnh trong khu vực khá thuận lợi. 

    Vị trí địa lý của Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, đưa Hòa Bình trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của vùng Tây Bắc hiện nay và trong tương lai. Hơn nữa, Hòa Bình còn có vai trò rất quan trọng đối với vùng Tây Bắc và cả nước trong việc kết nối với các địa phương khác về du lịch, văn hoá, cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương lân cận. 

    Tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 01 thành phố: Thành phố Hòa Bình và 9 huyện, trong đó hơn 63% dân số là người dân tộc Mường, mỗi dân tộc đều có nét độc đáo về bản sắc văn hoá, cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Hoà Bình là nơi có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch đa dạng.

    Hòa Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp. Trên địa bàn tỉnh có hơn 100 di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó 41 di tích cấp quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh và nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình”; có những thắng cảnh đẹp hấp dẫn du khách như Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; quần thể hang động khu di tích Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa và động Nam Sơn huyện Tân Lạc…

    Hòa Bình có 4 Khu bảo tồn thiên nhiên là Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò, vùng tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Ba Vì rất đa dạng về sinh học, hệ động thực vật phong phú,... có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… có tiềm năng phát triển những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh hấp dẫn. 

    Hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước 8.000ha, dung tích 9,5 tỷ mét khối với nhiều đảo lớn nhỏ tạo nên phong cảnh sông nước hữu tình có tiềm năng phát triển du lịch đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia. Mai Châu có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, cùng với bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đây là những lợi thế để phát triển du lịch.

    Hòa Bình đã xây dựng được những khu, điểm du lịch có thương hiệu, được đông đảo du khách biết đến như Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu - khu du lịch cấp tỉnh, nổi tiếng trên toàn thế giới. Các khu nghỉ dưỡng như Serena Resort (Kim Bôi), Hideaway Resort, Mai Chau Ecolodge, Ban Khan village Resort, Avana Retreat (Mai Châu), Sân Golf Phượng Hoàng (Lương Sơn), sân golf Hill top valley đang là những địa chỉ được du khách yêu thích.

    Toàn tỉnh hiện có 434 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 6.000 buồng, hơn 300 tàu vận chuyển khách du lịch trên Hồ Hòa Bình. Giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được trên 40 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 15.237 tỷ đồng. 

    Đến thời điểm hiện tại tỉnh Hòa Bình có trên 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.000 tỷ đồng. Du lịch Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho địa phương. 

    Tới năm 2025, tỉnh Hòa Bình dự kiến đón khoảng 4,9 triệu lượt khách; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt khu du lịch quốc gia; Đến năm 2030 dự báo Hòa Bình đón 7,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng.

    Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình

    Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1795/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

    Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu, định hướng của Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung cụ thể sau:

    1. Xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc để thu hút khách du lịch.

    2. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tập trung  xây dựng và phát triển các sản phẩm như: Du lịch văn hóa; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh.

    3. Huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp các bến cảng du lịch, bến thuyền để đón tiếp khách du lịch. 

    4. Tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến  nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn... Đặc biệt mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập dự án được quy hoạch tại 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035. 

    Với những lợi thế và định hướng phát triển như trên của tỉnh Hòa Bình, có thể nói, Hòa Bình là một vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao và du lịch nghỉ dưỡng. Hòa Bình là lựa chọn hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm, triển khai các dự án quy mô của những doanh nghiệp lớn trên thị trường như: Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Beru Group, Công ty Archi Reenco Hòa Bình,...

    Hiện, Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mang đến những cơ hội gia tăng giá trị cao, hấp dẫn giới đầu tư.

    Trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình cũng công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô 52.200ha. Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các các cơ quan liên quan tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch. Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này. Đây là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

    Năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, Hòa Bình đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách, trong đó bao gồm hơn 400.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng; Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng Hòa Bình vẫn đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 42.000 lượt khách quốc tế (là những người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam), đạt doanh thu trên 1.100 tỷ đồng. Các khu nghỉ dưỡng như Avana Resort, Mai Chau Ecolodge; Ba Khan Village Resort (Mai Châu), Serena Resort (Kim Bôi), Ivory Resort (Lương Sơn), sân Golf Phượng Hoàng, Sân Golf Hill Top Valley... luôn là những điểm đến an toàn, thân thiện và thu hút khách.

    Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là liên kết với Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài để mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, phát huy tối đa các lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến an toàn, điểm đến xanh, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

    Tỉnh Hoà Bình rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm và đến Hòa Bình để khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên, doanh nghiệp và tỉnh Hòa Bình.

    14:00

    PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trình bày tham luận

    Chuyển từ “zero covid-19” sang thích ứng linh hoạt thì chúng ta đã có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức phát triển. Chúng ta đã là một trong số những nước phủ vắc-xin tốt nhất trên thế giới. Vì vậy, kỳ vọng trong thời gian tới khi có thêm mũi vắc-xin thứ 3, chúng ta sẽ có hy vọng sẽ mở cửa kinh tế một cách hoàn toàn, là cơ hội lớn để phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch.

    Trong suốt 20 năm vừa qua, chúng ta chỉ tập trung vào phát triển ở du lịch biển, trong khi  tiềm năng phát triển du lịch miền núi chưa được khai thác nhiều, vì vậy còn rất nhiều tiềm năng.

    Theo PGS. TS Trần Kim Chung, có nhiều lý do để khách hàng chọn lựa sản phẩm bất động sản để đầu tư ở những địa bàn xung quanh Hà Nội trong đó có Hòa Bình.

    PGS.TS. Trần Kim Chung

    Thứ nhất là do Hòa Bình có vị trí gần chỉ mất 1 giờ đồng hồ đi đường.

    Thứ hai là Hòa Bình sở hữu nhiều tuyến đường đồng bộ nối thẳng đến Hà Nội. Đơn cử như Đại lộ Thăng Long, hay đường Hồ Chí Minh.

    Thứ ba, Hòa Bình có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển loại hình nghỉ dưỡng. Đơn cử như nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo, đây là một trong những nguồn nước khoáng tốt nhất Việt Nam, hoàn toàn có thể kết hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

    Ngoài ra, Hòa Bình còn có văn hóa Mường – đây là nền văn hóa đầy tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch.

    Cuối cùng là Hồ Hòa Bình, đây là lợi thế không phải địa phương nào cũng có. Hồ Hòa Bình có tiềm năng đem lại giá trị rất lớn về du lịch.

    Việt Nam là quốc gia hội nhập sau nhưng giờ đây đã đi đầu trong việc ký các hiệp định kinh tế. Đặc biệt, các quốc gia phương Tây đang tìm đến các nền văn hoá châu Á, trong đó Việt Nam là một điểm đến vô cùng hấp dẫn để đầu tư khai thác các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh đó, Hoà Bình là điểm đến của nhà đầu tư vô cùng tiềm năng trong tương lai. Hoà Bình còn được ví như “của để dành” và đã đến lúc được khai thác, phát huy những giá trị, ưu thế sẵn có.

    Cũng theo PGS.TS Trần Kim Chung, Hòa Bình cần lưu ý tập trung vào 5 nhóm giải pháp để phát triển hơn nữa thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng:

    Thứ nhất là đặt trọng tâm phát triển bất động sản du lịch;

    Thứ hai là phát triển khu sinh thái trọng tâm, từ đó lan tỏa thêm nhiều dự án thu hút đầu tư;

    Thứ ba, phát triển khu đô thị sinh thái tầm trung khoảng 50ha tận dụng mọi ưu thế về thiên nhiên và văn hóa;

    Thứ tư, làm mới lại các đô thị cũ, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển;

    Thứ năm, tập trung đầu tư công, cải tạo, đầu tư các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương, thúc đẩy mạnh cho các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. 

    "Hoà Bình đang trỗi dậy trên thị trường bất động sản, do đó các lãnh đạo tỉnh cần chủ động, đưa ra các Nghị quyết phát triển kinh tế địa phương. Cuối cùng là đầu tư tích cực hạ tầng, đầu tư công, thu hút đầu tư theo hướng PPP. Tôi cho rằng, Hoà Bình cần xây dựng chương trình thu hút “đại bàng”, dòng tiền lớn đầu tư vào các dự án tại địa phương", PGS.TS. Trần Kim Chung nhận định.

    13:50

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm

    Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

    Kính thưa quý chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo!

    Trước tiên, thay mặt cho Ban Tổ chức, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, quý chuyên gia, các nhà khoa học, nhà báo lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất!

    Thưa Quý vị,

    Trong bối cảnh thị trường bất động sản khu vực trung tâm dần trở nên bão hòa, làn sóng đầu tư bất động sản có xu hướng dịch chuyển theo những xu hướng mới về những vùng đất tiềm năng và Hoà Bình đang nổi lên là lực hấp dẫn dành cho nhà đầu tư bất động sản tại khu vực phía Bắc, nhất là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

    Với các ưu thế vượt trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và sức hấp dẫn các nguồn lực đầu tư mới, Hòa Bình đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam thông qua quy hoạch bài bản, cơ chế chính sách của chính quyền và sự đồng hành của các doanh nghiệp tiên phong.

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

    Nhiều phân tích, báo cáo ghi nhận trong thời gian qua và giai đoạn tới, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình sẽ là địa chỉ thu hút đầu tư và kênh sinh lời hấp dẫn, bởi những lý do như sau:

    - Thứ nhất, các nhà phát triển bất động sản dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính và nhận được nhiều ưu đãi, cơ hội từ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. 

    - Thứ hai, giá thuê đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng cũng rẻ hơn các thị trường truyền thống; nhà phát triển dễ dàng tiếp cận với những quỹ đất rộng lớn tại những khu vực đắc địa.

    - Thứ ba, Hòa Bình có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 11.000 km đường giao thông các loại, chất lượng mặt đường được nâng lên đáng kể; mặt đường được nhựa hoá, bê tông hoá đạt tỷ lệ cao. Trên địa bàn tỉnh có 02 sông có thể khai thác hoạt động đường thủy nội địa, đó là Sông Đà với chiều dài 151km và Sông Bôi chảy qua huyện Kim Bôi, Lạc Thủy dài khoảng 60km. Hòa Bình trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư, nhất là khu vực phía Đông. Gần đây, khu vực này đang dần "lột xác" nhờ sự xuất hiện của một số dự án đẳng cấp.

    - Thứ tư là, thu nhập dân cư hiện đã tốt hơn rất nhiều, đặc biệt là xu hướng gia tăng tầng lớp trung lưu. Họ có xu hướng thích sống trong các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cách trung tâm một khoảng cách vừa phải, có khí hậu trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Nhờ lợi thế khí hậu ôn hòa quanh năm, du khách có cơ hội nghỉ dưỡng trọn vẹn cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông tại Hòa Bình.

    Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh thị trường trầm lắng bởi dịch Covid-19, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình vẫn là kênh thu hút đầu tư lớn nằm trong nhóm dẫn đầu của miền Bắc. Các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có tính thanh khoản ở mức rất cao và giá vẫn tiếp tục tăng lên. Có thể thấy rằng, những thị trường mới như Hòa Bình đang có khả năng chống chịu tốt với biến động của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng về giá sản phẩm vẫn ở mức ổn định; Tỷ lệ hấp thụ các dự án ở ngưỡng cao và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Có thể khẳng định, Hòa Bình là thị trường đầy triển vọng của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng miền Bắc, hội tụ những yếu tố cần và đủ để toả sáng giữa bão Covid-19.

    Đại biểu tham dự Toạ đàm: TS. KTS. Trần Minh Tùng (bìa phải) và Nhà thơ - Nhà văn hóa Ngô Đức Hành (giữa)

    Theo nhìn nhận của các chuyên gia, trong tương lai, Hoà Bình muốn trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần cho người dân Thủ đô và rộng hơn là du khách quốc tế, thì chắc chắn phải phát triển các quần thể, các khu nghỉ dưỡng sinh thái kiểu mẫu trong một quy hoạch tổng thể, để vừa trở thành địa điểm nghỉ ngơi kết nối trọn vẹn với thiên nhiên, có hệ thống tiện ích cao cấp, chăm sóc sức khoẻ, vừa cân bằng với việc bảo tồn thiên nhiên. Chính quyền Hòa Bình đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt từ 9% trở lên; tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong nước đạt khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là quyết tâm lớn và là cơ sở vững chắc để thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình có cơ hội bứt phá.

    Thưa Quý vị, 

    Để nhận diện những mô hình du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, khác biệt, hướng tới các giá trị bền vững và cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình trong giai đoạn mới; được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hôm nay, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm chuyên đề: Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình. Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện chính quyền tỉnh Hòa Bình, các chuyên gia về kinh tế - bất động sản - quy hoạch - pháp lý, các cơ quan báo chí - truyền thông và sự đồng hành của Công ty Cổ phần phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô.

    Với tinh thần đó, tôi hy vọng và đề nghị các diễn giả tham dự Tọa đàm sẽ tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:

    - Một là, phân tích xu hướng dịch chuyển dòng tiền và sự sẵn sàng của nhà đầu tư cho làn sóng mới vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình. Từ đó, các chuyên gia tập trung giải mã xu hướng đầu tư bùng nổ tại thị trường này trong thời gian qua; Trong đó, tập trung phân tích, bàn luận về những tiềm năng, lợi thế của Hòa Bình để đón đầu cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần của miền Bắc; Xu hướng staycation và sức hấp dẫn của Hòa Bình;

    - Hai là, chia sẻ câu chuyện đầu tư, kinh nghiệm phát triển dự án bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín tại thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình;

    - Ba là, định hướng quy hoạch phát triển về hướng Đông của Hòa Bình, Giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô;

    - Thứ tư là, đưa ra những khuyến nghị, tư vấn thiết thực phục vụ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư trong giai đoạn thích ứng linh hoạt và đặc biệt là trong chu kỳ mới của thị trường bất động sản; Cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình…

    Đại biểu tham dự Toạ đàm

    Thưa Quý vị!

    Nhân dịp này, thay mặt cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Ban Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Hòa Bình, các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tham dự Tọa đàm. Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn Công ty Cổ phần phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô đã tài trợ đồng hành cùng Tọa đàm.

    Kính chúc các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

    Xin chúc chương trình thành công tốt đẹp!

    Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị!

    13:45

    Tọa đàm chính thức bắt đầu

    Toạ đàm "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình" có sự tham dự của:

    Về phía đại diện sở, ban, ngành, đại diện lãnh đạo tỉnh Hoà Bình có ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình; ông Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình; ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình.

    Đại diện các chuyên gia kinh tế, quy hoạch có sự tham dự của: TS. Vũ Đình Ánh (điều phối toạ đàm); PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW; Chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh; Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong; Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên; TS. KTS. Trần Minh Tùng; Nhà thơ - Nhà văn hóa Ngô Đức Hành.

    Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện BTC có sự tham dự của: TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam; Nhà báo Bùi Văn Khương, Phó Tổng Biên Tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.

    Phía đại diện các doanh nghiệp có: Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô; ông Nguyễn Khắc Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tica Land; ông Lê Quốc Huy, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản My Holding; ông Nguyễn Khắc Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tica Land; ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng GĐ Đất Xanh Miền Bắc;  ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land.

    Toàn cảnh Toạ đàm
    PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (phải) và Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong (trái)
    Từ trái qua phải: Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

     

    Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình
    Ông Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình
    PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên (trái) và Chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (phải)

     

    Ông Nguyễn Khắc Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tica Land

     

    Ông Lê Quốc Huy, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản My Holding
    Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land

     

    Lên trên
    Ý kiến của bạn
    Bình luận
    Xem thêm bình luận

    Đọc thêm

    Lên đầu trang
    Top