Aa

TP. Hồ Chí Minh ngày càng khan hiếm nguồn cung nhà ở

Thứ Sáu, 01/09/2023 - 16:29

Do gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, nguồn cung nhà ở tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng.

Khan hiếm nguồn cung nhà ở

Theo khảo sát thực tế, tính từ thời điểm đầu năm 2023 đến nay, thị trường nhà ở tại TP Hồ Chí Minh có quá ít dự án được công bố mở bán ra thị trường. Điều này khiến tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở từ bấy lâu nay của thành phố này ngày càng trở nên trầm trọng.

Cho đến thời điểm hiện tại, dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nguồn cung nhà ở mới tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có nhiều tín hiệu lạc quan. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân tại thành phố ngày càng lớn, khiến giá bán nhà đất ở đây tăng cao ngất ngưởng.

Bất động sản ở khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VnExpress

Trong buổi hội thảo mới diễn ra gần đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung nhà ở mới tại TP Hồ Chí Minh đang thiếu hụt trầm trọng. Những nguồn hàng mở bán ở thời điểm hiện tại đều là nguồn hàng “đọng” trước đó. Các dự án này thường thiếu sự đa dạng sản phẩm để người mua lựa chọn, đa số đều có diện tích lớn và giá thành cao. 

Vị chuyên gia này lấy dẫn chứng, các dự án chào bán ra thị trường ở giai đoạn này như Westgate của An Gia, The 9 Stellars của Sơn Kim Land, MT Eastmark City Quận 9 của Rioland, Moolight Avenue, Urban Green Thủ Đức của Tập đoàn Kusto Home,... đều là các dự án cũ mở bán giai đoạn tiếp, đa số còn lại các căn diện tích lớn. Điều này đã cho thấy, nguồn cung nhà ở tại TP Hồ Chí Minh ngày càng thiếu hụt và thiếu đa dạng phân khúc giá cho người mua lựa chọn.

Theo báo cáo thị trường của DKRA Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, thị trường căn hộ tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận có khoảng 5.364 căn hộ mới, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 14.044 căn). Đáng chú ý, trong số 12 dự án mở bán trong 7 tháng đầu năm nay chỉ có 2 dự án mới, còn lại đều là những giai đoạn mở bán tiếp theo.

Tuy nhiên, nguồn cung này chỉ chủ yếu tập trung ở tháng 7/2023, khoảng 3.499 căn chiếm ⅔ tổng nguồn cung mới trong 7 tháng đầu năm. Phần lớn các căn hộ mở bán trong thời gian vừa qua đều đến từ giai đoạn tiếp theo của một dự án đại đô thị quy mô lớn thuộc khu Đông - TP Thủ Đức. Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm thì chỉ có khoảng 2.000 căn hộ được mở bán mới tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Văn Hoàn - Giám đốc kinh doanh một công ty Bất động sản tại TP Hồ Chí Minh cho biết, 7 tháng nay, công ty của ông chưa mở bán được một dự án căn hộ nào. Để có kinh phí duy trì hoạt động, công ty phải ra sức chào bán những sản phẩm tồn đọng từ năm 2022. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công cũng rất hạn chế vì đa số khách mua gặp khó khăn trong quá trình vay vốn ngân hàng.

“Tất cả các dự án có dự định mở bán trong năm nay của công ty chúng tôi đều bị đổ bể vì quá trình phê duyệt, trình ký pháp lý kéo dài. Kế hoạch bán hàng bị lùi lại khiến tình hình tài chính của công ty ngày càng khó khăn”, ông Hoàn nói.

Khơi thông nguồn cung nhà ở

Tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở tại TP Hồ Chí Minh do nhiều nguyên nhân khác nhau như nguồn vốn phát triển dự án bị ách tắc, thiếu quỹ đất sạch phát triển dự án, vướng pháp về pháp lý. Trong đó, vấn đề pháp lý được xem là nguyên nhân then chốt khiến nguồn cung nhà ở rơi vào bế tắc.

Theo GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng nguồn cung nhà ở khan hiếm kéo dài liên tục trong những năm qua bắt nguồn từ những vướng mắc về pháp lý. Những khoảng trống và sự xung đột giữa các bộ luật liên quan đã khiến các cán bộ có thẩm quyền “gặp khó” không dám phê duyệt các dự án bất động sản. Ngoài ta, trong quá trình thanh kiểm tra và rà soát lại thủ tục ở nhiều dự án khiến một số cán bộ trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương đùn đẩy trách nhiệm, chậm giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Cần sớm khơi thông nguồn cung nhà ở để đáp ứng nhu cầu của người dân ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Thanh Niên

Đưa ra giải pháp phát triển thêm nguồn cung nhà ở trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, cần nhanh chóng mở rộng nguồn cung mới, các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ đơn vị phát triển, tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư dự án, không để nhiều hồ sơ bị tồn đọng và kéo dài. Ngoài ra, các dự án được chấp thuận đầu tư, xây dựng cần được công bố thông tin rộng rãi trên thị trường.

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật, rào cản thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Bên cạnh đó cần có một cơ quan chuyên biệt để tiếp nhận, xử lý kịp thời các vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ để hỗ trợ cho các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng”, ông Đính nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia này nhận định, thị trường nhà ở TP Hồ Chí Minh sẽ có sự thay đổi nhờ các chính sách mới được ban hành. Cụ thể, sắp tới đây, Luật Đất đai sửa đổi 2023 được thông qua sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi.

Trong khi đó, giới chuyên gia của Savills Việt Nam đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có thêm 9.000 căn hộ mới, trong đó hạng B sẽ chiếm 71% hạng C sẽ có 23% thị phần và Hạng A sẽ có 6% thị phần. Đến năm 2026, thành phố này sẽ có 137.540 căn từ 186 dự án được mở bán. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top