Từ công viên đến vỉa hè: Triết lý “lấy con người làm trung tâm“ cần được hiện hữu trong từng tầng kiến trúc đô thị

Từ công viên đến vỉa hè: Triết lý “lấy con người làm trung tâm“ cần được hiện hữu trong từng tầng kiến trúc đô thị

Thúy Quỳnh (thực hiện)
Thúy Quỳnh (thực hiện) buithuyquynh2312@gmail.com
Thứ Ba, 21/03/2023 - 06:15

Tháng 3/2023, Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị ra quân tổng kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định. Với mục tiêu "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", lực lượng chức năng thành phố đang thể hiện quyết tâm đưa vỉa hè, không gian công cộng trở về đúng vai trò vốn có của nó.

Vấn đề đặt ra là trước đây, khi người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ bị "gạt" xuống lòng đường. Giờ đây, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ, những người vốn quen làm ăn, buôn bán trên vỉa hè sẽ đi đâu? 

lấn chiếm vỉa hè
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, đỗ xe đã diễn ra từ nhiều năm nay tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) 

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, có sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đêm với đảm bảo trật tự đô thị. Các cơ quan chức năng cần tham mưu báo cáo thành phố chính sách làm sao vừa đảm bảo mỹ quan, trật tự đô thị, nhưng cũng đảm bảo quyền kinh doanh, mưu sinh của người dân. 

Như vậy, vỉa hè sẽ cần được quản lý một cách thực sự hài hòa, sao cho vẫn giữ được vai trò, chức năng truyền thống là không gian dành cho người đi bộ, đồng thời cũng là nơi người dân có thể kinh doanh, buôn bán trong một phạm vi phù hợp; để mọi đối tượng đều có thể sử dụng và hưởng lợi từ không gian công cộng - thể hiện tinh thần "lấy con người làm trung tâm". 

Trước đó, tháng 1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Nghị quyết 06). Trong đó quan điểm chỉ đạo nêu rõ: "Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm". 

Triết lý "lấy con người làm trung tâm" đã được giới kiến trúc sư, nhà nghiên cứu quy hoạch khẳng định nên là định hướng trọng tâm trong phát triển đô thị Việt Nam bền vững, hiện đại, thông minh.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, đô thị nước ta đã có nhiều bước tiến đáng kể trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa đạt 40,4% vào năm 2020, đóng góp quan trọng cho GDP và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị còn thiếu yếu tố bền vững, thiếu nguồn lực xã hội hóa và kế hoạch tổng thể. 

"Do đó, thời gian tới, chúng ta cần phải đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm. Trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển", KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Vậy như thế nào là đặt con người vào vị trí trung tâm? Ở vị trí trung tâm ấy, bản thể con người được thể hiện và phản ánh như thế nào? Làm sao để một con đường, một khu phố, một cây cầu, công viên, vỉa hè, nhà cửa của một thành phố có thể khiến cư dân sinh sống ở đó hạnh phúc khi nhận ra rằng, họ đang được quan tâm hết mực thông qua sự sắp đặt từng tầng kiến trúc đô thị? Hơn hết, đó không chỉ là sứ mệnh của kiến trúc và quy hoạch, mà còn là cách con người quản trị những gì đã, đang và sẽ diễn ra trong không gian của thành phố.

Với Hà Nội nói riêng, không chỉ là câu chuyện vỉa hè, vẫn còn nhiều thách thức, cần nhiều sự thay đổi từ tư duy đến phương thức thực hiện, nhiều chương trình và kế hoạch hành động để nơi đây thực sự trở thành một đô thị đáng sống, một thành phố đặt con người vào vị trí trung tâm.

Bàn về triết lý "lấy con người làm trung tâm" xoay quanh câu chuyện của Hà Nội, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. 

ĐÔ THỊ VỊ NHÂN SINH

PV: Thưa chuyên gia, triết lý "lấy con người làm trung tâm" trong kiến trúc và quy hoạch đô thị có thể được hiểu như thế nào?

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi: Khẩu hiệu "lấy con người làm trung tâm" không phải là một nội dung mới và cũng đã được quan tâm, chú trọng từ lâu. Trong khoa học quy hoạch và kiến trúc đô thị, có cả một hệ thống lý thuyết về đô thị vị nhân sinh, tức là đô thị vì con người, lấy con người làm nền tảng của sự phát triển. Đây cũng là hướng đi của nhiều đô thị hiện đại trên thế giới.

Trước hết, phải hiểu rõ "con người" trong triết lý "lấy con người làm trung tâm" là chỉ một cộng đồng lớn, khác với cộng đồng nhỏ, cộng đồng nội bộ, ví dụ như nhóm dân cư trong một dự án đô thị của doanh nghiệp nào đó. Một thành phố "lấy con người làm trung tâm", là thành phố mà tất cả mọi người, bất kể ở tầng lớp nào, ở khu vực nào cũng phải nhận được sự quan tâm và được sử dụng không gian đô thị phục vụ nhu cầu của mình. Vấn đề này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, khi mật độ dân số đô thị tăng lên, giá trị đất đai cũng tăng cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi không gian công cộng lại ngày càng bị thu hẹp.

Cụ thể hơn, đô thị phải làm sao để ngay cả những người không có điều kiện kinh tế cũng có thể sinh hoạt trong không gian đô thị với quyền lợi bình đẳng của một công dân, được tham gia sử dụng không gian công cộng mà không phải trả phí. Tất cả các đối tượng đều phải được quan tâm, bất kể thu nhập, tuổi tác, giới tính. Ví dụ, đã có nhà văn hóa thanh niên thì phải có nhà văn hóa thiếu nhi, có bảo tàng quân đội thì phải có bảo tàng phụ nữ. Tất cả mọi người đều cần được đặt ở vị trí trung tâm và nhận được sự chăm sóc của xã hội thông qua không gian kiến trúc đô thị.

Nhìn chung, triết lý "lấy con người làm trung tâm" là một tư tưởng tiến bộ và nhân văn, tiến đến một thành phố bình đẳng và văn minh, nơi tất cả mọi người đều nhận được sự quan tâm đúng mực. 

PV: Theo ông, nếu kiến trúc đô thị thể hiện sự quan tâm đến mọi đối tượng bằng việc đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như đi lại, ăn, ở thì đã đủ để đáp ứng tiêu chí “lấy con người làm trung tâm" hay chưa? 

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi: Về cơ bản, nhiệm vụ trước mắt của chính quyền đô thị là cần đáp ứng được các tiện nghi vật chất, làm sao để mọi người dân đều có nhà ở với diện tích tối thiểu, xây dựng chợ dân sinh, kết nối giao thông để thuận tiện đi lại. Sau đó là phải đem đến những tiện nghi tinh thần, những giá trị cao hơn cả tiện nghi vật chất, đó là những nhu cầu về văn hóa, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. 

Khi con người được thỏa mãn về cảm xúc và tinh thần, được kết nối với cộng đồng và xã hội thì lúc ấy con người mới thực sự là con người. Vai trò của chính quyền đô thị vì con người, là phải có chương trình, kế hoạch sắp đặt, thiết kế, quản trị đô thị làm sao để mọi cư dân sống trong đó đều được vui vẻ và hạnh phúc. Đơn cử như với những người lao động thu nhập thấp, phải tìm cách để họ cũng được tận hưởng không khí của rạp chiếu phim hay nhà hát. Đôi khi đối với họ những điều này chỉ là giấc mơ thôi, nhưng trách nhiệm của một đô thị hạnh phúc là phải biến giấc mơ đó thành sự thật. 

PV: Trong quản lý đô thị, nên tiếp cận triết lý "lấy con người làm trung tâm" như thế nào, thưa ông?

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi: Đối với quản lý đô thị thì cần phải tiếp cận triết lý "lấy con người làm trung tâm" theo một góc độ khác. Theo đó, với mục tiêu đặt con người làm trung tâm, thì chính quyền phải là người hướng dẫn, giám sát cá nhân thực hiện hành vi theo đúng pháp luật và không xâm phạm lợi ích của cộng đồng. Người quản lý đô thị sẽ là người hỗ trợ các nhóm cộng đồng nhỏ tuân thủ các nguyên tắc của cộng đồng lớn, đặc biệt ở vị trí trung tâm, phát triển theo hướng đi lên, có kỷ luật và có sự tương trợ lẫn nhau. 

Nói tóm lại, "lấy con người làm trung tâm" được thể hiện trong công tác quản lý đô thị thông qua sự tương tác dân chủ, hài hòa và tích cực giữa chính quyền và người dân, tạo cho họ cơ sở pháp lý tốt nhất, hướng dẫn cho họ hành động hiệu quả nhất vì lợi ích chung của cộng đồng. 

TỪ CÔNG VIÊN ĐẾN VỈA HÈ: LÀM SAO ĐỂ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ THỰC SỰ THẤU HIỂU CON NGƯỜI?

PV: Nhìn từ góc độ văn hóa, có thể nhận định rằng người Việt Nam thích sinh hoạt trên vỉa hè. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu đó, vỉa hè lại trở nên quá tải và lộn xộn. Theo chuyên gia, tiếp cận từ triết lý "lấy con người làm trung tâm", đâu là nút thắt của vấn đề này và giải pháp là gì? 

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi: Theo chiều ngang, vỉa hè là không gian đệm giữa ngôi nhà và lòng đường. Theo chiều dọc, vỉa hè là không gian chạy song song giữa các mặt nhà. Trên thế giới, vỉa hè không chỉ là không gian giao thông phục vụ người đi bộ mà còn là không gian công cộng để khách tham quan ngắm cảnh, gặp gỡ giao lưu và chiêm ngưỡng thành phố. 

Lý thuyết là vậy nhưng vỉa hè ở Việt Nam lại có ý nghĩa đặc biệt hơn. Nói chung tại những quốc gia châu Á có khí hậu nóng, vỉa hè là không gian mở, là chỗ cơi nới cho những ngôi nhà chật chội bức bối trong thành phố. Nó cũng có thể là nơi để họ kiếm sống. Chúng ta đều biết là có những người sống cả đời với 0,5m2 vỉa hè, với một ấm trà, vài cái ghế và chén nước. Cho nên vỉa hè ở Việt Nam còn mang ý nghĩa là không gian sinh kế, vỉa hè là một chủ đề rất hay nhưng cũng rất phức tạp.

Nhưng chính sự phức tạp như thế lại là câu chuyện, là hình ảnh văn hóa của đô thị. Ta thường thấy, khách du lịch sang Hà Nội rất thích uống bia vỉa hè trên phố Tạ Hiện, dù rất bất tiện nhưng với họ, lại rất lãng mạn. Ở một khía cạnh khác, sinh hoạt trên vỉa hè là nét đặc sắc riêng về lối sống, là thứ gia vị thêm vào cho sự hấp dẫn của thành phố. Một đô thị có thể không chỉ hấp dẫn bằng văn minh, mà còn bằng văn hóa.

"Phố Tây" Tạ Hiện, nơi hàng quán được bày bán chủ yếu trên vỉa hè, là địa điểm du lịch đêm nổi tiếng, được nhiều du khách ưa thích của Hà Nội. (Ảnh: Balo trải nghiệm) 

Vậy chúng ta nên ứng xử như thế nào? Để dung hòa giữa lối sống của người dân và diện mạo đô thị, chúng ta cần nhận diện được các loại vỉa hè, đánh giá về độ rộng hẹp, vai trò, mục đích sử dụng, sau đó đưa ra quy chế quản lý rõ ràng. Đối với các vỉa hè rộng, có thể cho phép hộ dân kinh doanh trong một khung giờ quy định, sau đó phải trả mặt bằng và thu phí quản lý. Ở thành phố Paris của Pháp, tại những vỉa hè rộng, chính quyền cho phép chủ cửa hàng được đặt bục gỗ ra vào, bàn ghế để mời khách uống cà phê trong khung giờ nhất định. Như vậy, sự linh hoạt trong thiết kế và cơ chế quản lý sẽ vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ vừa tạo điều kiện cho đô thị kể câu chuyện văn hóa sinh động của nó. 

Khi tiến hành chỉnh trang, cải tạo đô thị, nhất là ở những quận trung tâm, những không gian văn hóa, chúng ta phải hết sức cẩn trọng, kết hợp giữa sự nghiên cứu chỉn chu về con người và linh hoạt trong cách thức. Nếu chỉ nương theo câu chuyện văn hóa, nếp sống mà phá vỡ kiến trúc đô thị thì diện mạo chung sẽ không được thống nhất. Ngược lại, nếu chỉ tiếp cận ở lớp vỏ mà bỏ qua tầng lớp sâu xa về bản chất, đặc trưng của con người thì chúng ta có thể làm đô thị mất đi vẻ đẹp riêng. 

Để "lấy con người làm trung tâm", nhiệm vụ của kiến trúc sư không chỉ là tổ chức không gian mà còn là tổ chức quản lý không gian. Do đó, phải kết hợp giữa thiết kế thông minh và cơ chế mềm dẻo linh hoạt để tối ưu lợi ích cho cộng đồng. 

PV: Gần đây, Hà Nội đã tiến hành mở rào, dừng thu phí vào cửa và cải tạo nhiều công viên trên địa bàn. Chuyên gia nhận định như thế nào về hướng đi này và như vậy đã đủ để kết nối người dân với không gian xanh hay chưa?

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi: Chủ trương bỏ hàng rào công viên của TP. Hà Nội là một cái nhìn cấp tiến, vì con người. Tư tưởng hàng rào hóa đã có ở nước ta từ thời xa xưa theo kiểu chia lô, cát cứ. Khi người ta có một mảnh đất, một khu vườn, thì ngay lập tức nó được bọc xung quanh ngay bởi hàng rào để khẳng định tính sở hữu. Khi mở rào, không gian đó mới thực sự là của cộng đồng. Để tăng cường không gian xanh, bài toán của TP. Hà Nội là cần phải tăng cường diện tích công viên và quản lý sử dụng không gian xanh như là không gian mở, để mọi người dân đều có thể tiếp cận được dễ dàng. 

Trong tương lai, bên cạnh không gian xanh, thành phố nên nghiên cứu hướng tới quy hoạch mở những không gian di sản và chính trị để tăng cường sự kết nối với cư dân. Tôi đã từng ghé qua TP. Lyon của Pháp, ở đó tòa thị chính của họ được sơn trắng tinh, ban ngày đóng cửa để nhân viên làm việc. Nhưng đến buổi tối, họ sẽ bật đèn màu để người dân vào quảng trường tham quan, vui chơi. Đó là một cách tiếp cận đa mục đích, đa chức năng với kiến trúc đô thị: Ban ngày là quảng trường chính trị, buổi tối là quảng trường văn hóa. Chúng ta cũng có thể học tập cách làm này để kết nối gần hơn giữa chính quyền và người dân, giữa con người và công trình kiến trúc. Điều đó thể hiện sự tôn trọng con người và thể hiện một cái nhìn rất nhân văn. 

Kết lại, triết lý "lấy con người làm trung tâm" cần được biểu hiện ở hai mặt: Quy hoạch không gian và kiến trúc đô thị; quản lý sử dụng không gian và hướng dẫn cộng đồng. Với mục tiêu tất cả cư dân đô thị đều được quan tâm về cả vật chất lẫn tinh thần, nhiệm vụ của kiến trúc sư và nhà quản lý là cần phải nghiên cứu con người từ đa phương diện, bao gồm lịch sử, văn hóa, lối sống, thói quen, nhu cầu… Từ đó, xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, tạo tiền đề pháp lý để hướng dẫn cộng đồng thực hiện hành vi chuẩn mực; tăng cường kết nối con người với con người, con người với không gian và kiến tạo thành phố văn hóa đậm đà bản sắc.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Thủ đô Hà Nội, nơi không chỉ có bề dày của những lớp gạch vữa bê tông đã được hình thành trong hàng thế kỷ chiều dài lịch sử, mà còn chất chứa bề dày văn hóa của hàng triệu thế hệ người Việt. Hà Nội là cực trung tâm phát triển phía Bắc nước ta với dân số hơn 8,3 triệu người, cùng chung sống trong diện tích 3.358,6km2. Làm thế nào để kiến trúc đô thị của Hà Nội có thể đặt 8,3 triệu người vào vị trí trung tâm? 

Tín hiệu khả quan gần đây, cho thấy đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hà Nội đang được quan tâm và chăm sóc nhiều hơn, đó là việc Hà Nội đang tiến hành cải tạo nhiều công viên trên địa bàn. Với 8,3 triệu dân, Hà Nội chỉ có hơn 60 công viên - một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu sử dụng không gian xanh của con người. Trong khi đó, nhiều công viên còn xuống cấp, hoang hóa, chưa hoàn thành tiến độ theo kế hoạch, khiến "cơn khát" không gian xanh công cộng ở Hà Nội ngày càng trầm trọng. 

Hồi tháng 10/2022, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã cam kết năm 2023 sẽ "làm sống lại" công viên trên địa bàn, trả cho người dân không gian công cộng đúng nghĩa. Những hành động cụ thể bắt đầu từ việc mở rào, ngừng thu phí tham quan công viên Thống Nhất. Thành phố cũng đã lên kế hoạch cải tạo 45 công viên, vườn hoa và dự kiến mở mới 6 công viên từ nay đến năm 2025.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top