Trương Đức Lượng và giấc mơ khẳng định tài năng công nghệ Việt

Trương Đức Lượng và giấc mơ khẳng định tài năng công nghệ Việt

Thứ Hai, 02/05/2022 - 06:09

Trong một lần nghịch ngợm tấn công mạng và gặp nhiều rắc rối, Trương Đức Lượng dần hình thành niềm đam mê mãnh liệt với công nghệ rồi dệt nên giấc mơ đầy tự hào với VSEC.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 26: Trương Đức Lượng và giấc mơ khẳng định tài năng công nghệ Việt

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Đam mê mãnh liệt với công nghệ chính là nguồn sức mạnh rất lớn giúp Trương Đức Lượng và các cộng sự sẵn sàng đánh đổi khoảng trời riêng đến nỗi quên ăn quên ngủ bên chiếc máy tính. Lựa chọn một hướng đi khác biệt với ATTT (ngành bảo mật thông tin), chặng đường Trương Đức Lượng chinh phục công nghệ với Startup VSEC (Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam) chứa đựng không ít cam go, thử thách.

Thời điểm cách đây gần 2 thập kỷ, lúc ấy hệ thống pháp lý chưa có cơ chế bảo vệ những hacker thiện chí – bởi bảo mật, doanh nghiệp ATTT là điều gì đó còn quá mới mẻ với người Việt.

Anh Lượng kể rằng, vào những năm 2009, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam không quan tâm nhiều đến vấn đề bảo mật cho hệ thống số hóa của mình. Trong khi đó, các ngành như tài chính – ngân hàng hay các hệ thống có lượng dữ liệu khổng lồ như ngành bán lẻ điện, nước… lại chưa thực sự quan tâm đến việc bị tấn công mạng. Bằng đam mê của một người yêu công nghệ, Trương Đức Lượng nhìn thấy tiềm năng đó và quyết định thiết lập quy trình dịch vụ 4 bước - khảo sát mục tiêu, xác định các lỗ hổng tiềm năng - xác minh lỗ hổng thực sự và báo cáo - rồi giới thiệu nó tới khách hàng của mình.

Rõ ràng, để đi một con đường mới lúc bấy giờ ở Việt Nam, Trương Đức Lượng và các cộng sự phải tự phát quang, rẽ lối, chấp nhận vượt ra khỏi vùng an toàn và mạnh mẽ đương đầu với vô vàn biến số khó lường. 

Gian nan là vậy nhưng chính tâm huyết và đam mê của người dẫn đường đã đưa VSEC từng bước đi đến thành công. Sau hành trình 15 năm, VSEC giờ đây được thị trường nhìn nhận giống như "bác sĩ tại gia" chăm sóc sức khỏe hệ thống dữ liệu của khách hàng trong môi trường internet không biên giới và thiếu an toàn.

Doanh nhân trẻ Trương Đức Lượng – Chủ tịch HĐQT VSEC đã dành cho Reatimes những chia sẻ về hoài bão với tầm nhìn rộng mở, đưa giấc mơ công nghệ ấp ủ vào nguồn sống và một tinh thần rắn rỏi, sẵn sàng chắp cánh cho tài năng công nghệ Việt vươn ra toàn cầu.

ĐAM MÊ GIÚP CHÚNG TA VƯỢT QUA NHỮNG TRỞ NGẠI

PV: Cho đến nay nhiều người Việt vẫn chưa hiểu rõ khái niệm “an ninh mạng” là gì? Anh có thể chia sẻ về điều này?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: An ninh mạng trong ngữ cảnh phổ biến thường dùng chung với các khái niệm “an toàn thông tin mạng”, “an toàn không gian mạng”. Các khái niệm này hướng đến hoạt động về đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin của tổ chức hoặc cá nhân.

Một hệ thống thông tin quen thuộc có thể là chiếc điện thoại của bạn, xa hơn thì là các hệ thống máy chủ đang xử lý hàng tỷ dữ liệu để tạo ra trang web cho bạn sử dụng. Và đây là các đối tượng cho hoạt động đảm bảo an toàn thông tin mạng hay an ninh mạng. Các hoạt động này đảm bảo thông tin được an toàn, chính xác và sẵn sàng khi cần. Trong thời đại này, xu hướng sử dụng internet, số hóa, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ thì ngành công nghiệp an ninh mạng, an toàn thông tin mạng cũng phát triển vượt bậc so với trước đây để theo kịp yêu cầu thực tế.

PV: Chọn một lối đi khác biệt như vậy, anh đã trải nghiệm hành trình đó như thế nào?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Bắt đầu từ khi là sinh viên nghiên cứu về an toàn thông tin, an ninh mạng cho tới khi chính bản thân vướng vào vòng lao lý những năm 2005 vì nghịch ngợm tấn công mạng thì tôi đã thực sự thích và đam mê trong lĩnh vực này. Những lúc thâu đêm tìm hiểu kiến thức và áp dụng thực tế nhìn thấy kết quả thì thực sự rất phấn khích, xen lẫn là cảm giác có chút xíu “quyền lực” khi mình có thể xâm nhập được những hệ thống của người khác. Các hệ thống rất đa dạng và mình cũng phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu mới phát hiện ra những điểm sơ hở.

Tôi tiếp cận cả từ góc nhìn của người bên ngoài và người vận hành trực tiếp hệ thống thì thấy các đam mê đó trở nên rất hữu ích cho một tổ chức. Tổ chức nhận diện được các điểm còn chưa an toàn trong hệ thống của họ thì sẽ có hành động thiết thực để đảm bảo an toàn thay vì trang bị liên tục các giải pháp bảo vệ tốn kém. Và lúc đó, tôi suy nghĩ “nếu cung cấp dịch vụ thì sao nhỉ”? Và, tôi may mắn khi bắt đầu cùng với những người bạn cũng có hiểu biết, yêu thích lĩnh vực này.

PV: Sau chặng đường khởi nghiệp với VSEC, bài học, kinh nghiệm và những giá trị mà anh có được là gì?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Trong vai trò lãnh đạo và khi mà tổ chức còn nhỏ thì điều quan trọng đầu tiên mà tôi nhận ra là học hỏi không ngừng. Đây vẫn là giá trị cốt lõi của công ty chúng tôi.

Xuất phát điểm là "dân" kỹ thuật, tâm thế học hỏi không ngừng, sẵn sàng đón nhận thử thách, cái mới cực kỳ quan trọng. Ví dụ nhỏ là xây dựng bảng giá cũng cần tìm hiểu cẩn thận cơ chế hình thành giá, nhận thức khách hàng về dịch vụ, giá cả trên thị trường,... để có một bảng giá hợp lý. Học hỏi không ngừng để rèn luyện một tư duy cởi mở và kiểm chứng từ chính thực tế.

Thứ hai, đội nhóm đi với mình là những người có chung đam mê để cùng đặt những viên gạch đầu tiên. Giai đoạn đầu, đam mê trong mỗi thành viên giúp bắt đầu và khai phá những hướng đi trong hoàn cảnh nhiều thứ thiếu thốn: thiếu tiền, thiếu kiến thức, thiếu nhân lực.

Ngoài những nhà đồng sáng lập, thời gian đầu công ty chỉ có 4 người tham gia vận hành chính. Vừa đào tạo tuyển dụng, vừa nghiên cứu, vừa triển khai dịch vụ. Sau này, mỗi thành viên phải đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò khác nhau. Chỉ có đam mê mới giúp chúng ta vượt qua những trở ngại xuất hiện liên tục.

Thứ ba đó là sự chính trực (integrity) trong văn hóa và bắt đầu từ người cao nhất. Những ngày đầu, người không có nhiều, tính cách người đứng đầu cũng gần như văn hóa của công ty của đội ngũ, và integrity là chất keo để mọi người cùng nhau vận hành. Có thể có những việc chưa đạt được kết quả như mong muốn và integrity giúp mọi người hiểu nhau trọn vẹn, thẳng thắn và không có rào cản.

PV: Trong gia đình có ai định hướng cho anh khởi nghiệp với công nghệ hay không? Hãy chia sẻ một chút về người có ảnh hưởng đến anh nhất trên hành trình đó?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Từ lúc học cấp 2 tôi đã được sử dụng máy tính vì gia đình bán thiết bị văn phòng. Từ đó đã thích máy tính lắm rồi, mũi ngửi mùi bàn phím là não đã thấy phấn khích rồi. Đến lớp 12 khi lựa chọn trường đại học thì bố tôi động viên theo kỹ thuật và từ đó luôn luôn gắn bó với “bàn phím”. Có thể nói bố tôi đã đặt tôi vào ngành này.

Còn trên hành trình khởi nghiệp, không có ai là người ảnh hưởng nhất, nhưng tôi có may mắn trong mỗi giai đoạn đều gặp được nhiều người giỏi và chân thành. Và có một câu nói ảnh hưởng rất lớn tới tôi trên hành trình khởi nghiệp, đó là “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó” trong cuốn sách Nhà Giả Kim của tác giả Paulo Coenho.

Dưới sự dẫn dắt của Doanh nhân Trương Đức Lượng, VSEC đã tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực công nghệ.

TẠO NÊN DỊCH VỤ TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ DO NGƯỜI VIỆT THỰC HIỆN

PV: Đã bao giờ anh muốn bỏ cuộc trong thời kỳ đầu luôn phải đối diện với vô vàn khó khăn, điều cản trở lúc đó là gì và động lực nào để anh cùng cộng sự vượt qua?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp dịch vụ an toàn thông tin đẳng cấp thế giới tại Việt Nam. Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc trên hành trình hiện thực hóa sứ mệnh này. An toàn thông tin là ngành đòi hỏi yếu tố chuyên nghiệp cao và tôi mong mỏi tất cả tổ chức ở Việt Nam được nhận dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế do chính người Việt Nam thực hiện. Giống như là cung cấp dịch vụ bệnh viện 5 sao cho người dân vậy.

Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc, nhưng mệt mỏi thì đến thường xuyên. Đó là những khi nhận được lá thư xin nghỉ của những người mà mình luôn coi là anh em chân thành có thể chia sẻ mọi điều. Mình còn thiếu điều gì chăng? Hướng đi này của công ty có điều gì chưa phù hợp?... Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Ý chí không bỏ cuộc để thực hiện sứ mệnh khiến mình có thêm động lực bước tiếp. Mình vẫn nhớ như in tuyên bố mình nói với bạn Tuấn - đồng sáng lập: “Khi nào VSEC vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì mình sẽ dừng bước”.

Những tuyên bố, suy nghĩ kiểu như vậy khiến mình nỗ lực tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi như trên để có hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới. Điều mình vui nhất trong trường hợp này là những người anh em đó đều trở thành nhân sự tốt tại môi trường mới, đó cũng là một cách mình đóng góp tích cực cho cộng đồng còn nhỏ của ngành ATTT.

PV: Theo anh để khởi nghiệp với công nghệ thì cần đến những yếu tố nào? Trong đó đam mê đóng vai trò ra sao?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Với sự bùng nổ về nhu cầu chuyển đổi số như hiện nay thì công nghệ trở thành yếu tố không thể thiếu. Tuy vậy, nếu đặt công nghệ như một thành phần độc lập thì trong tổng thể công nghệ vẫn có vai trò hỗ trợ cho một nhu cầu thực tế của con người: ăn uống, đi lại,... Vậy nên khi khởi nghiêp công nghệ thì cần chú ý đến xu hướng và thói quen của con người hoặc của đối tượng mà bạn dự kiến sẽ phục vụ.

Đam mê như ngọn lửa tạo ra sự ấm áp cho căn nhà trước giá lạnh. Đó là điều kiện cần để bạn bắt đầu cho một căn nhà ấm áp chính là công ty bạn xây dựng. Hãy tìm cách để giữ ngọn lửa đó bền bỉ, nếu không nó sẽ sớm nguội lạnh trước phong ba bão táp khó khăn của khởi nghiệp.

PV: Với những thành quả hiện tại thì VSEC đã đạt được bao nhiêu % so với mục tiêu mà và các cộng sự mong muốn?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: VSEC đã chứng kiến tăng trưởng 2 con số trong 2 năm gần đây về doanh số, công ty cũng đã được các tổ chức nước ngoài xác nhận mức độ trưởng thành về dịch vụ thông qua các chứng nhận nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt còn nhiều thách thức. Trong cả chặng đường dài thực hiện sứ mệnh cung cấp dịch vụ đẳng cấp quốc tế thì điều chúng tôi đã làm được vẫn còn nhỏ nhoi.

Thách thức tới đây đến từ chính sự phát triển hiện tại của chúng tôi. Thách thức nhất chính là từng nhân sự phải học hỏi không ngừng, làm mới bản thân để phù hợp với bối cảnh mới thay đổi liên tục và ngày càng đỏi hỏi chất lượng chuyên môn cao hơn, dịch vụ khách hàng tốt hơn. Chúng tôi vẫn tiếp tục mời gọi nhiều cá nhân giỏi tham gia hành trình này.

PV: Khởi nghiệp trong giai đoạn thị trường nhiều biến động như hiện nay, anh nhận thấy cơ hội và thách thức ở đây là gì? Riêng công nghệ thì việc nắm bắt  thời cơ có thuận lợi hơn không?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Thị trường luôn có biến động đi kèm là cơ hội và thác thức. Tôi nhận thấy thách là có quá nhiều điều phải học mỗi ngày, nếu không học chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau nhanh chóng.

Công nghệ đang nổi lên là một nơi trú ẩn của nhiều cơ hội tiềm năng và nếu bạn gắn được công nghệ với một nhu cầu nào đó của tương lai thì đó là lý do để bắt đầu. Các thành phần tham gia hỗ trợ như quỹ đầu tư, vườn ươm khởi nghiệp,... đã có rất nhiều để giúp bạn bắt đầu.

TINH THẦN ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO LÀ GIÁ TRỊ NÒNG CỐT KHI KHỞI NGHIỆP

PV: Trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng vừa qua, công ty đã đối mặt với những thách thức gì, thưa anh?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Thách thức lớn nhất là làm sao duy trì mối quan hệ với khách hàng. Ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch Covid-19, chúng tôi đã sử dụng công nghệ để tổ chức những chương trình chia sẻ, đào tạo từ xa cho khách hàng (webinar) và người dùng quan tâm, cung cấp các phần mềm giúp người dùng làm việc từ xa an toàn và nhiều sáng kiến khác được đưa ra.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh hơn nữa các hiện diện trực tuyến thông qua các công cụ truyền thông mới. Điều đó giúp việc tiếp cận khách hàng bớt khó khăn hơn và mở hướng đi mới cho công ty.

PV: Các chuyên gia nhận định rằng muốn khởi nghiệp thì nên đi làm thuê rồi mới làm chủ? Vậy anh đã trả qua hành trình đó như thế nào và tích lũy kinh nghiệm ra sao cho riêng mình?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Tôi cũng trải qua hành trình đi làm thuê ở một số công ty công nghệ khác nhau. Tôi muốn biết nhiều vai trò khác nhau trong chuyên môn về công nghệ từ phát triển phần mềm, quản trị hệ thống đến tư vấn bán hàng.

Mỗi một vai trò cung cấp cho tôi ngoài trải nghiệm là những kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân trong lĩnh vực công nghệ. Vai trò quản trị hệ thống đó là góc nhìn tổng thể đến chi tiết của một hệ thống, với phát triển phần mềm là tư duy sản phẩm, với tư vấn bán hàng là ngôn ngữ người dùng…

PV: Nhiều người nói rằng làm chủ thì khỏe hơn làm thuê vì có thể “chỉ tay 5 ngón”, quan điểm của anh như thế nào?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Đúng là khỏe hơn thật (cười). Bạn cần sức khỏe tốt vì bạn phải sẵn sàng làm việc bất kỳ lúc nào dù đó là cuối tuần hay ngày lễ. Mình chạy bộ thường xuyên và chưa bao giờ ốm vặt trong 5 năm nay. Bạn cũng cần phương pháp để có sức khỏe tinh thần (mental health) tốt để ra quyết định nhanh và chính xác.

Còn về chỉ tay 5 ngón thì không phải phong cách của tôi. Tôi sẵn sàng tham gia trực tiếp từ tài chính đến nhân sự, tất nhiên là mỗi giai đoạn của doanh nghiệp thì mức độ tham gia cần khác nhau để tạo không gian phát triển cho các bạn khác. Như hiện tại, mình cần suy nghĩ và có hành động sâu hơn để xây dựng các lợi thế dài hạn.

PV: Anh có nhận định gì về những cơ hội và thách thức khi khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Khởi nghiệp tại Việt Nam có nhiều thuận lợi từ vĩ mô đến vi mô. Chính phủ đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới - sáng tạo, trong đó tiêu biểu là sự kiện quốc gia Techfest về đổi mới sáng tạo được tổ chức hàng năm. Tinh thần đổi mới sáng tạo là nòng cốt của khởi nghiệp được lan tỏa đến nhiều ngành nghề thông qua Techfest.

Nhân lực tại các trường đại học cũng thường xuyên được tạo điều kiện tham gia dự thi các cuộc thi khởi nghiệp ngay từ khi còn đang học. Đã có rất nhiều startup ra đời hàng năm và chúng ta cũng đã có công ty đạt được giá trị 1 tỷ USD định giá thị trường (unicorn) là niềm cảm hứng để phong trào khởi nghiệp phát triển vững chắc.

Thách thức lớn nhất theo tôi đó là chúng ta còn thiếu quá nhiều nhân sự có tư duy thị trường để tham gia quá trình khởi nghiệp. Tư duy thị trường giúp tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng kỳ vọng hiện tại của người dùng và hơn thế nữa trong tương lai.

PV: Theo anh thì VSEC có gì khác biệt so với hàng trăm Start-up về công nghệ hiện nay?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Nôm na thì bên mình như một trung tâm an toàn thông tin bên ngoài, cung cấp dịch vụ toàn diện cho các Startup đến các doanh nghiệp lớn. Giá trị tài chính là điểm lớn nhất mà bên mình cung cấp cho các doanh nghiệp khác. Thay vì, các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian cho một phòng ATTT nội bộ thì đã có chúng tôi như một bộ phận hoàn chỉnh, sử dụng được ngay.

PV: Trên chặng đường tới, chắc hẳn anh đã có chiến lược đưa VSEC phát triển lên một tầm cao mới?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Trong tương lai gần 3 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài và song song đó là lộ trình IPO để tạo nền tảng phát triển vững bền.

PV: Anh có lời khuyên gì cho những người đi sau, từ kinh nghiệm đúc rút được trên hành trình đã đi qua?

Doanh nhân Trương Đức Lượng: Cũng không dám có lời khuyên gì vì tôi cảm thấy còn quá trẻ, vẫn hừng hực năng lượng “làm gì đó”. Tôi chỉ có lời chia sẻ là hãy giữ tư duy cởi mở và nếu có may mắn làm thì hãy làm việc trong môi trường startup nơi bạn được trực tiếp trải nghiệm cả thành công và thất bại, nơi bạn thấy mình trưởng thành hàng ngày, hàng giờ và là nơi có thể xây dựng tương lai cho chính mình.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!

02/05/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top