Bất động sản ven Sài Gòn đầy sức hấp dẫn

Từ giữa năm 2019 đến nay, nhịp độ thị trường bất động sản TP.HCM nhìn chung được đánh giá có phần chậm hơn. Trong khi đó, thị trường nhà đất tại vùng ven và các tỉnh lân cận tiếp sôi động.

23:30 14/07/2019

Báo cáo đánh giá phân tích từ các đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy thị trường bất động sản TP.HCM giảm nhiệt liên tục từ giữa năm 2018 về cả nguồn cung mới và lượng tiêu thụ. Tại thời điểm cuối quý II/2019, tình hình thị trường thành phố này có nhiều diễn biến phức tạp bao gồm điểm tích cực lẫn chưa tích cực, gây nên những lo ngại, cũng như trông đợi thay đổi lạc quan hơn.

Hơn nữa, theo quy luật nước chảy về chỗ trũng, nguồn cung bất động sản tại TP.HCM khan hiếm tạo cơ hội để vùng ven thu hút dòng tiền đầu tư mạnh mẽ hơn. Với mức giá mềm hơn so với trung tâm, các sản phẩm ở vùng ven sẽ hấp dẫn nhờ giá trị tài sản phù hợp với mọi dòng vốn từ nhỏ, trung bình đến lớn gia nhập thị trường.

Do đó, sức nóng của thị trường lại diễn ra tại các khu vực cách xa TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An...

Từ đầu năm 2019 đến nay, Bình Phước, đặc biệt là tại TP. Đồng Xoài (mới lên thành phố từ tháng 12/2018) cũng chứng kiến cơn sốt đất lạ thường. Sự có mặt của nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, FLC, Cát Tường… đã biến Bình Phước từ một tỉnh miền núi thành một tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư với nhiều dự án bất động sản mọc lên.

Tương tự, từ đầu tháng 6/2019 đến nay, kể từ sau cột mốc thị xã Long Khánh (Đồng Nai) chính thức lên hạng thành phố, mặc dù về cơ bản, hạ tầng đường sá, hay các vấn đề khác vẫn không có gì thay đổi, nhưng thị trường bất động sản Long Khánh lại chứng kiến cơn sốt đất một cách lạ thường. Được biết, giá đất tại nhiều khu vực ở Long Khánh tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với đầu năm nay.

Đồng Nai là một trong những thị trường vùng ven sôi động

Đồng Nai là một trong những thị trường vùng ven sôi động

Bà Lê Hoàng Lan, một nhà đầu tư ở TP. Cần Thơ cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, đất nền đô thị ở Cần Thơ tăng mạnh nên người lao động, người mới đi làm vài năm rất khó mua.

Các vùng này ngày trước giá đất chỉ vài trăm ngàn đồng tới 1 triệu đồng/m2 là cao rồi nhưng nay do nhu cầu tăng nên giá đất cũng nhảy lên 2 - 3 triệu đồng/m2.

Tại các khu đô thị thuộc phường An Khánh, An Bình (quận Ninh Kiều), những năm trước giá đất chỉ từ vài trăm triệu đồng thì nay đã vọt lên mức 2 - 4 tỷ đồng/nền. Đất nền ở khu vực Nam Cần Thơ trước đây khá ế ẩm, nhưng giờ mỗi nền cũng có giá từ 1,5 - 3 tỷ đồng”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tại TP.HCM, cho rằng: “Các tỉnh, thành vùng ven đang trở thành lợi thế của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành đang ráo riết thu hút nguồn vốn đầu tư một cách cởi mở hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp nhiều hơn nên sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thị trường phát triển trong giai đoạn tới”.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc CTCP DKRA cho hay, thị trường các tỉnh vùng ven đang rất tiềm năng và hấp dẫn trong 3 - 5 năm hoặc dài hơn nữa.

Ngày nay người ta thường nhận định chung toàn Vùng TP.HCM gồm TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… nhờ hệ thống giao thông kết nối ngày càng phát triển. Điển hình như Bình Dương, thời điểm nhiều năm trước loại sản phẩm nhà ở dành cho chuyên gia, công nhân chưa phát triển nhưng nay tỉ lệ lấp đầy của loại hình này rất tích cực.

Ông Lâm cho hay: “Trước đây, chúng tôi từng sản phẩm bất động sản tại khu này với giá chỉ khoảng 850 triệu đồng một nhà liền thổ 75 m2, diện tích sử dụng khoảng 120 m2. Đến nay giá một căn nhà như vậy đã lên đến khoảng 3 tỉ đồng rồi (tăng gấp 3,5 lần). Điều đó cho thấy tỉ lệ tăng giá Bình Dương trong 3 năm qua rất tốt”.

Trước câu chuyện nở rộ các dự án “ma”ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, ông Lâm cho hay, thị trường nóng sốt khiến nhiều người mong đợi và tranh thủ cơ hội, triển khai kinh doanh. Thậm chí có người lợi dụng cơ hội thị trường đang sôi động để rao bán (thông qua hình thức huy động vốn, đặt tiền thiện chí…) các dự án bất động sản cả khi chưa đủ điều kiện để kinh doanh, dự án chưa đủ trình tự pháp lý…

Năm 2010 có quy định các dự án đều phải bán qua sàn giao dịch, khi đó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cử người đi khắp nơi thanh tra, kiểm tra, nhờ vậy thị trường đi vào lề lối an toàn hơn.

Hiện nay, việc mua bán bất động sản không còn bắt buộc phải giao dịch qua sàn nữa nên xuất hiện việc nhiều chủ đất “chạy quá nhanh”. Việc bán các dự án “ma” gần đây chỉ là một phần hiện tượng của việc một bộ phận doanh nghiệp tranh thủ sự sôi động của thị trường. Còn dự án ma vẫn tồn tại từ lâu như nhiều dự án ở khu Đông TP.HCM tới nay vẫn chưa cấp được sổ cho khách hàng dù thời gian đã hơn 10 năm./.

An Yên

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản ven Sài Gòn đầy sức hấp dẫn tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận