Khu du lịch “khát nước” và câu chuyện hạ tầng bị bỏ quên

Phát triển du lịch nếu thiếu đi sự đồng bộ về hạ tầng, nhất là hạ tầng kỹ thuật dẫn đến những tình trạng như “đói” điện, “khát” nước… thì liệu có thể giữ chân du khách và phát triển bền vững?

06:00 06/05/2019


Khi hạ tầng kỹ thuật bị bỏ lại phía sau

Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm, khách du lịch kéo về đông nghịt, nhưng cứ đến hẹn lại lên, vào mỗi mùa khô, Sa Pa lại trở thành một khu du lịch “khát” nước.

Nguồn cung cấp nước chính cạn kiệt đã khiến cuộc sống của người dân và các hộ kinh doanh bị đảo lộn khi phải mua nước sạch để dùng với giá dao động từ 300 - 500 nghìn đồng/m3. Khách du lịch cũng vì thế mà không khỏi hoang mang.

Nếu không tận mắt chứng kiến, khó có thể tin một khu du lịch nổi tiếng như Sa Pa lại thường xuyên phải rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười khi thiếu đi thứ tối thiểu nhất cần phải có là nước sạch.

Tuy nhiên, Sa Pa cũng chỉ là một câu chuyện điển hình trong rất nhiều câu chuyện phát triển du lịch khác, khi hạ tầng thiết yếu còn đuối, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhưng số lượng các nhà hàng, khách sạn... vẫn tăng nhanh như vũ bão. 

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị nhận định: Nguyên nhân khiến Sa Pa bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Sa Pa hiện nay chưa đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người dân chứ chưa nói đến việc phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân tác động lớn, nhất là đối với các khu vực vùng cao như Sa Pa, đặc biệt trong mùa khô.

Bà Mai cho biết, Sa Pa hằng năm đều đón lượng khách du lịch lớn nhưng sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự đồng bộ nên ít nhiều dẫn đến sự quá tải. Đó cũng là hệ quả của việc phát triển kinh tế du lịch chưa đi đôi với sự đồng bộ về hạ tầng.

Theo vị chuyên gia này, hạ tầng kỹ thuật của một khu vực bao gồm hệ thống đường sá, mạng lưới điện, hệ thống cấp, thoát nước, thu gom, xử lý rác thải… Đây là những yếu tố thiết yếu, là nền tảng quan trọng đối với sự phát triển của đô thị, nhất là đô thị du lịch: “Nếu như đến một thành phố hay một khu du lịch mà vấn đề đi lại khó khăn, dịch vụ thiếu thốn thì khó có thể giữ chân được du khách, đặc biệt là dòng khách cao cấp. Đồng thời, bản thân những người kinh doanh ở khu du lịch cũng không thể có những chiến lược, định hướng để phát triển lâu dài tại khu du lịch đó khi hạ tầng chưa được đảm bảo”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, câu chuyện mất nước tại Sa Pa đã cho thấy một thực trạng về chất lượng hạ tầng kỹ thuật ở các khu du lịch hiện nay chưa thực sự tốt, không chỉ Sa Pa mà còn nhiều những khu du lịch khác đặc biệt là vùng ven biển như Nha Trang, thành phố Tuy Hòa hay phố cổ Hội An… Sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật hiện nay chưa theo kịp với tốc độ phát triển của du lịch. Hiện đang có sự mất cân đối giữa việc đầu tư các hạ tầng kỹ thuật nói chung tại các khu du lịch, khi chưa có một kế hoạch vốn cho xây dựng. Điều này dẫn đến tình trạng, người dân tại các khu du lịch nổi tiếng vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn, chật vật khi thiếu đi những hạ tầng thiết yếu, khách du lịch cũng chưa được phục vụ một cách tốt nhất.

Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn      

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, quá trình phát triển của khu du lịch sẽ có nhiều thay đổi về mặt kinh tế cũng như sức hút đối với khách du lịch, đó là chưa kể đến tác động của các yếu tố tự nhiên, biến đổi khí hậu. Nhưng tầm nhìn cho quy hoạch hiện nay còn rất ngắn, chỉ 5 năm đến 10 năm, do đó chưa dự báo được chính xác những thay đổi có thể xảy đến trong tương lai để có quy hoạch phù hợp.

“Quy hoạch du lịch phải tính đến những yếu tố bất thường có thể xảy đến, tầm nhìn phải 20 - 30 năm.  Ví dụ như vấn đề thiếu nước tại Sa Pa, công suất của nhà máy nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, như vậy là chưa tính đến lượng khách du lịch gia tăng. Do vậy, để có được một quy hoạch bền vững cho khu du lịch thì không nên tiếp cận theo cách thức thông thường, tức là chỉ dựa vào số lượng và quy mô người dân cũng như khách du lịch sẽ đến tại địa phương mình mà cần có cách nhìn, đánh giá xem môi trường sinh thái, điều kiện có đến đâu để chúng ta có được kế hoạch cũng như quy hoạch du lịch thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương”, bà Mai nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Mai, để bài toán quy hoạch hạ tầng du lịch sớm được giải quyết, cũng cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan như chính quyền địa phương trong việc cân bằng hoạt động phát triển, các nhà đầu tư tư nhân, tập đoàn kinh tế mạnh cũng cần có đóng góp tốt hơn đối sự phát triển của khu du lịch, còn người dân cũng phải có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch.  

Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển các khu du lịch bắt buộc phải đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là sự kết nối về cao độ nền, hệ thống cấp nước, thoát nước… giữa các công trình hạ tầng bên trong và bên ngoài. Nếu không, hạ tầng kỹ thuật sẽ trở nên rời rạc, manh mún, không những không đáp ứng được nhu cầu phát triển mà thậm chí còn kéo theo nhiều rủi ro, hệ lụy khác.

Thiết kế: Đức Anh

Thảo Liên

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận