Tàn tích bão Harvey và bài học nhãn tiền từ quy hoạch của Houston

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia và chính những người làm chính sách, quy hoạch của Hoa Kỳ cũng cho rằng Houston chưa bao giờ được quy hoạch để có thể chống chịu với những hiểm họa tự nhiên bất ngờ, và bão Harvey là một ví dụ điển hình.

06:30 06/09/2017

Bão Harvey, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Hoa Kỳ trong 10 năm qua, đã tàn phá bờ biển của Texas mới đây. Mưa lớn đổ xuống Houston đã khiến thành phố này và khu vực ngoại ô hoàn toàn chìm trong biển nước. Không ai muốn điều này xảy ra và trong tâm bão, tất cả đều hy vọng mọi chuyện sẽ không tiến triển tệ hơn. Nhiều người cho rằng, mức độ ảnh hưởng của cơn bão hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và dường như con người không thể làm được điều gì. Tuy nhiên, điều này có thể đúng với một thành phố nào đó khác của Hoa Kỳ, chứ không phải đối với Houston. 

Houston có diện tích hơn 10 nghìn dặm vuông, dù chỉ là một thành phố nhưng siêu đô thị này còn rộng hơn cả diện tích của bang New Jersey. Đây cũng là một trong những vùng phát triển kinh tế mạnh nhất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Houston cũng nổi tiếng bởi có cơ chế quy hoạch lỏng lẻo. 

Tờ ProPublica viết: Nhiều nhà khoa học và giới chuyên gia, nhân viên văn phòng liên bang cho rằng sự phát triển bùng nổ của Houston là một lỗi lớn trong quy hoạch. Hàng triệu tòa nhà đã được xây dựng tại siêu đô thị này trong vòng 10 năm qua, trong khi đó chính quyền địa phương lại phớt lờ việc thắt chặt các quy định xây dựng và cho phép mọi người xây nhà “tràn ra” cả đất đồng cỏ - nơi giúp thấm hút một lượng lớn nước mưa.

Vùng ngoại ô phía Tây Bắc của Houston đã từng có tới hơn 937 dặm vuông diện tích đồng cỏ để tiêu thoát nước, hiện diện tích này chỉ là 627 dặm vuông. Theo một thống kê của ProPublica, thực tế diện tích đồng cỏ của Houston đã bị giảm đi tới 1/4 diện tích ban đầu vốn có của nó. 

"Biển đảo" Houston trong bão Harvey (Ảnh: NY Daily New)

Mặt khác, việc xây dựng “không lề lối” cũng gây nghẽn các đường nhánh sông khiến cho tình trạng ngập úng nghiêm trọng hơn trong suốt thời gian mưa bão. Hơn nữa, nước mưa không được thẩm thấu vào đất mà được trữ lại trong hai hồ chứa khổng lồ khiến nhiều gia đình gần đó phải nơm nớp sống chung nguy cơ vỡ kè hồ. 

Theo giới chuyên gia, việc xây dựng ở vùng này có vấn đề ở hai điểm: Thứ nhất, nó đặt con người sống trong những ngôi nhà ở vùng nguy hiểm nơi hạ nguồn, mà không có quy hoạch hợp lý. Thứ hai, nó càng nguy hiểm hơn khi bề mặt thoát nước tự nhiên dần bị thu hẹp diện tích.

Theo ước tính, từ năm 2010, hơn 7 nghìn căn nhà được xây dựng trong những vùng lũ 100 năm (ít có lũ). Và những người xây dựng nhà ở đây tự cho rằng họ có thể giải quyết được các hậu quả “nho nhỏ” mà lũ mang lại nhờ hạ tầng nhân tạo, ví dụ như hồ chứa hay các hệ thống bơm. Tuy nhiên, họ có sửa chữa và bảo dưỡng chúng thường xuyên hay không lại là điều mà không ai đề cập đến. 

Tàn tích bão Harvey để lại cho siêu đô thị Houston (Ảnh: BBC)

Tàn tích bão Harvey để lại cho siêu đô thị Houston (Ảnh: BBC)

“Vấn đề của Houston là chính quyền và người dân nơi này cho rằng họ có thể quy hoạch một cách đơn giản để phòng tránh bão”, theo ProPublica.

Dù trên thực tế, Houston không còn quá xa lạ với các cơn bão, chẳng hạn như bão Ike hay Allison. Thế nhưng, tuyệt nhiên siêu đô thị này lại không có đến một con kênh để thoát nước như New Orlean. Nguyên nhân có lẽ là do câu chuyện về vốn đầu tư.

Một vài năm trước Tập đoàn Xây dựng Quân đội – một tổ chức liên bang đã đưa ra những dự án xây dựng để bảo vệ Houston. Thế nhưng, chính quyền bang Texas chỉ đồng ý chi ra một nửa số vốn cho dự án 20 triệu USD, phần vốn còn lại tập đoàn này phải tự lo, ProPublica giải thích.

Khí hậu ngày càng biến đổi thất thường, trong khi đó những thành phố lại không thể kiểm soát được khi nào và ở đâu những cơn bão, lũ xuất hiện. Do đó, điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là giảm ảnh hưởng của bão lũ, muốn làm được điều đó thì có lẽ, bài toán quy hoạch không bao giờ là đơn giản.

Phan Minh (Nguồn: Co.Design)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận