Cụ thể, danh sách các dự án nhà ở thương mại cho phép và không cho phép tổ chức cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn đợt 1 của Sở Xây dựng Đà Nẵng có 17 dự án nhà ở thương mại cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
Trong 17 dự án, quận Sơn Trà chiếm số lượng lớn nhất với 8 dự án. Sau đó là quận Hải Châu với 6 dự án. Các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu đều có một dự án.
Danh sách các dự án gồm: Blooming Tower Đà Nẵng; Khu phức hợp thương mại dịch vụ, khách sạn và căn hộ Golden Square; Chung cư thương mại Quang Nguyễn; Tổ hợp khách sạn và căn hộ P.A Tower; Chung cư số 38 Nguyễn Chí Thanh - Lapaz Tower; Chung cư số Danang Plaza (6 Nguyễn Du).
Ngoài ra, còn có Chung cư HAGL Lakeview (quận Thanh Khê); Khu đô thị Thủy Tú (quận Liên Chiểu); Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy; Chung cư Harmony Tower; Chung cư The Summit; Khu dân cư An Viên; Khu phức hợp Hòa Bình Xanh Đà Nẵng; Khu căn hộ Tháp Vườn; Khu căn hộ Azura.
Người nước ngoài cũng có thể sở hữu tại dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng và khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn).
Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết hiện tại chưa xem xét việc tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không nằm trong danh sách các dự án cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở nêu trên.
Đà Nẵng cũng công bố 3 dự án nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở trong đợt 1. Các dự án gồm Chung cư F - Home (Công ty cổ phần lương thực Đà Nẵng, tại 16 Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu); dự án Danang Diamond Tower - Tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriott và nhà ở để bán (Công ty cổ phần địa ốc Foodinco, tại số 58 Bạch Đằng, quận Hải Châu); dự án Indochina Riverside Tower (Công ty TNHH Indochina Riverside Tower River Garden Việt Nam, tại số 74 Bạch Đằng).
Được biết, vào thời điểm năm 2015, tình trạng người nước ngoài mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm, tập trung ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, khu vực Sân bay Nước Mặn... đã được báo động. Cụ thể, thống kê cho thấy gần 200 lao động là người Trung Quốc đang sống và làm việc tại TP. Đà Nẵng.
Những người này làm việc chủ yếu ở các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc đóng trên địa bàn thành phố. Trước tình trạng này, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đàu tư Đà Nẵng đã phải siết chặt việc kiểm tra, đánh giá đầy đủ, báo cáo chính xác thực tế chuyển dịch các dự án nhà ở dân sự, lẫn các dự án lớn ven biển để có biện pháp phòng ngừa, đặc biệt với trường hợp người Trung Quốc mua nhà đất tại khu vực nhạy cảm (sân bay Nước Mặn) với số đông nhưng đăng ký dưới tên đại diện Việt Nam.
Theo giới phân tích, từ năm 2015, những sửa đổi trong Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được nhìn nhận là một chuyển biến rất khả quan trong chính sách. Nhìn chung, những yêu cầu dành cho đối tượng này đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng, từ đó đã tạo ra một nguồn cầu mới và hứa hẹn sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường bất động sản nội địa.
Hiện có một số thị trường thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách mua nhà là người nước ngoài gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức “xuất khẩu” bất động sản tại chỗ hiệu quả.