Tiềm năng đô thị hạt nhân
Đắk Lắk hội tụ đầy đủ các ưu thế về kinh tế, văn hóa, du lịch của khu vực Tây Nguyên. Đây là đô thị hạt nhân, nằm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Địa phương này có nhiều ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản, sinh thái.
Đắk Lắk có cấu tạo địa hình như một mái nhà phòng hộ, góp phần bảo vệ sinh thái cho vùng duyên hải phía Đông và vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam. Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho ĐăkLăk có được một tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác hùng vĩ như thác Gia Long (thác Dray Sáp thượng), thác Krông Kmar, thác Thủy Tiên, thác Bảy Nhánh, thác Dray Nur, thác Dray Nao, thác Suối mơ... nhiều hồ lớn thơ mộng như hồ Lăk, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Đăk Minh, hồ Ea Nhái..., các khu rừng nguyên sinh : vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Chư Yang Sin, khu lâm viên Ea Kao...
Thêm vào đó, Đắk Lắk còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 44 dân tộc anh em cùng chung sống, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử và phong trào hoạt động cách mạng của thế hệ cha anh. Với đàn voi rừng trên 50 con đã được thuần dưỡng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc và phục vụ khách du lịch. Đắk Lắk nói chung và Buôn Đôn nói riêng nhờ thế mà trở thành một địa danh hấp dẫn, nổi tiếng trên thế giới về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Hiện nay, Đắk Lắk đã có 10 di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa được công nhận là di tích Quốc gia, trên 70 di tích phân bổ đều khắp địa bàn toàn tỉnh. Các di tích này được khách du lịch thường xuyên đến tham quan nhằm mục đích thưởng ngoạn và tìm hiểu về truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc và nhân dân trong tỉnh.
Với hệ thống gồm 32 khách sạn và 17 nhà khách, nhà nghỉ như hiện nay, Đắk Lắk đủ khả năng đón tiếp 500 - 600 nghìn lượt khách trong năm và có thể tổ chức những hội nghị, hội thảo lớn. Trong thời gian đến sẽ xây dựng mới nhiều khách sạn để đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng trưởng về lượt khách dự kiến sẽ tăng bình quân 15 - 20% mỗi năm.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk có hệ thống giao thông hoàn thiện, đường hàng không, đường bộ đến các điểm du lịch trọng điểm đều được trải nhựa. Việc di chuyển đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM trở nên dễ dàng hơn nhờ quốc lộ 14 và 26. Tỉnh còn có cảng biển giao thương hàng hóa với nước ngoài.
Ngoài những ưu thế tự nhiên mang lại, bất động sản Đắk Lắk ít chịu tác động từ các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Hơn nữa, tại đây, lượng tiền trong dân lớn bởi nhiều gia đình có thu nhập khá giả từ trồng vườn, trung bình từ 2 - 5 tỷ đồng/năm. Người dân do chưa có tư duy về đầu tư bất động sản nên thị trường có phần trầm lắng. Nếu đánh thức được tiềm lực này, thị trường bất động sản Đắk Lắk sẽ huy động được nguồn vốn lớn.
Thời điểm từ nửa đầu năm 2017 trở về trước, Đắk Lắk gần như chưa có một thị trường bất động sản đúng nghĩa. TP. Buôn Ma Thuột chỉ có chưa tới 30 phòng môi giới, chủ yếu là làm trung gian mua bán nhà đất trong dân.
Bắt đầu tỉnh giấc
Tuy nhiên, nhiều chuyển biến rõ rệt đã đến với Đắk Lắk từ sau khoảng thời gian đó. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm 2017, đã có gần 100 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với số vốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, UBND tỉnh mới phê duyệt 15 dự án trọng điểm với tổng nguồn vốn dự kiến trên 1.370 tỷ đồng. Trong đó có nhà máy cấp nước sạch tại huyện Krông Ana; khu đô thị dân cư km7; đô thị sinh thái, văn hóa cà phê Suối Xanh; nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Long Thành…
Ngoài ra, còn có 3 dự án lớn gồm: Khu du lịch sinh thái, sân golf hồ Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột của Tập đoàn Vingroup với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; dự án khu công nghiệp Phú Xuân tại huyện Cư M’gar của Công ty cổ phần phát triển bất động sản DPV và nhà máy điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn AES (Mỹ). Dự án đã được quy hoạch như Metro, Làng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Khu tái đinh cư (đường Mai Xuân Thưởng, TP. Buôn Ma Thuột)…
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại VN Đà Thành (VN Đà Thành) cũng ra mắt khu đô thị Buôn Hồ Palama với tiêu chuẩn sống cao cấp cùng hệ thống tiện ích nội, ngoại khu đẳng cấp với quy mô gần 20ha, tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Tọa lạc trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk), Buôn Hồ Palama sở hữu quần thể tiện ích đồng bộ khi nằm ngay khu trung tâm hành chính, bệnh viện, trường học, bến xe, các công trình công cộng…
Dự án sở hữu hồ điều hòa rộng 1,6ha và nằm cạnh Hoa viên Buôn Hồ, mang lại bầu không khí trong lành, thư thái cho cư dân tương lai. Chủ đầu tư cũng xây dựng tiện ích nội khu như công viên, lối tản bộ, nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, rạp chiếu phim, Coffe Highland, sân tennis… ngay trong lòng dự án. Buôn Hồ Palama có gần 400 sản phẩm với 2 dòng chủ đạo là biệt thự và liền kề. Dự án đang trong quá trình thi công và hoàn thiện.
Theo phân tích của một số người trong giới kinh doanh bất động sản, hai khu vực hiện có biến động nhiều về giá hiện nay tại TP. Buôn Ma Thuột là khu vực xã Ea Tu và xã Cư Êbur. Giá đất khu vực Cư Êbur, nhất là ở các trục đường A tăng khá cao do gần vị trí Khu đô thị Cà phê Buôn Ma Thuột đang được Tập đoàn Trung Nguyên đầu tư xây dựng. Còn tại xã Ea Tu, giá đất tăng cao là do tin đồn về một số dự án bệnh viện, trường đại học trong tương lai và tuyến đường tránh Quốc lộ 26 – Quốc lộ 14 sắp được khởi công nâng cấp mở rộng. Ngoài hai khu vực kể trên, các vùng “sốt đất” những năm trước như khu vực đường Y Moan, 19-5, Trần Quý Cáp... biến động không lớn.
Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản Đắk Lắk mới tiệm cận chuyên nghiệp, bởi các phân khúc thị trường chưa hình thành rõ nét. Khách hàng khu vực này hầu như chỉ quan tâm đến phân khúc đất nền. Vì thế, các doanh nghiệp chủ yếu môi giới, hoặc mua đất nông nghiệp, hoàn thiện hồ sơ, chuyển đổi mục đích hoặc mua các khu đất có pháp lý rồi chia lô để bán.
Mặc dù lượng giao dịch còn ở mức thấp, tuy nhiên khách hàng mua chủ yếu là nhu cầu thực, số đầu cơ ít, nên lượng giao dịch trung bình từ 3 - 4 giao dịch/tháng với mỗi công ty bất động sản. Điều này giúp bất động sản Đắk Lắk không sốt ảo, nhiễu loạn, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để phát triển.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc An Cư cho hay: “Cô gái đẹp đã thức giấc, nhưng vẫn còn chưa tỉnh ngủ hoàn toàn. Nên thị trường nơi đây vẫn trông chờ vào các dự án lớn được ấn nút khởi công. Đây được ví như là “tiếng sáo” đánh thức hoàn toàn thị trường bất động sản Đắk Lắk thời gian tới”./.
Trong giai đoạn 2012 – 2017 có 11 dự án được đầu tư và đi vào hoạt động như: Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê; Khu du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng Ko Tam; Khu Du lịch Đồi Thông Mêhycô; Khách sạn Hai Bà Trưng; Dự án Mường Thanh Buôn Ma Thuột; Trung tâm đào tạo nghề Du lịch và Khách sạn Đam San (TP. Buôn Ma Thuột); Thác Dray K’Nao (M’Đrắk); Điểm du lịch sinh thái Hồ Lắk (Lắk); Điểm du lịch thác Thủy Tiên (Krông Năng); Trang trại du lịch Vườn Troh Bư (Buôn Đôn); Dự án tu bổ di tích Tháp Yang Prông (Ea Súp). Bên cạnh đó, có một số dự án vẫn đang tiến hành triển khai lập dự án đầu tư: Dự án đầu tư mở rộng Trung tâm Du lịch Buôn Trí A (Buôn Đôn); Dự án đầu tư Khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur (Krông Ana); Dự án du lịch Đồi Cư H’Lâm (Cư M’gar); Mô hình du lịch cộng đồng sinh thái cà phê buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột; Dự án đầu tư khu căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy tại Dlei Ya (Krông Năng); Dự án tôn tạo khu di tích hang đá Đắk Tuar (Krông Bông)… |