Mới đây, dư luận xôn xao trước việc một công văn giả mạo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng về việc đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).
Theo các chuyên gia bất động sản, đây là một chiêu trò trong kinh doanh và được toan tính từ trước nhằm thổi giá bất động sản vùng hưởng lợi từ cây cầu. Sự việc đang được UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan công an điều tra.
Trước vụ việc này, cò bất động sản làm mưa làm gió khi tạo nên cơn sốt ở Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Khi đó, mỗi lô đất có giá từ 600-800 triệu đồng được "thổi" lên đến hàng tỷ đồng chỉ trong vài giờ giao dịch.
Cũng chính vì nhu cầu mua, đầu tư, đầu cơ bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam.. rất cao mà nhiều dự án đã làm ẩu, bán đất khi chưa hoàn tất mọi thủ tục pháp lý. Đặc biệt là tình trạng bán đất khi chưa được định giá tiền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến tình trạng chủ đầu tư và sàn giao dịch "bẻ kèo", trở mặt với nhau. Nhiều hệ lụy xảy ra, nhiều tranh chấp dai dẳng ảnh hưởng đến môi trường kinh tế chung. Mà vùng Nam Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn thuộc TP.Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam) là một minh chứng rõ nét.
Ông Đinh Phúc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn lắc đầu cho biết, chỉ riêng trên địa bàn xã có hàng chục dự án bất động sản. Nhưng quá nửa trong số này là dự án treo, dự án chậm triển khai.
“Người dân khổ, nhà cửa hư hỏng nhưng không thể sửa chữa; còn chính quyền cũng rất khó khăn quản lý”, ông Nam nói.
Cũng theo vị này, nhiều dự bất động sản dạng bán đất nền làm rất ẩu. Thông thường đền bù, giải tỏa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, đầu tư hạ tầng toàn diện xong mới được bán dự án, nhưng các chủ đầu chỉ vừa nhận chủ trương giao đất của UBND tỉnh Quảng Nam đã ồ ạt bán đất trên giấy.
Hệ lụy tạo ra không chỉ là làm phức tạp thêm công tác quản lý của các cơ quan chức năng mà còn khiến thị trường bất động sản hỗn loạn.
Theo các nhà nghiên cứu bất động sản, chính việc bán đất trên giấy, bán đất khi chưa có quy định về giá của cơ quan thẩm quyền đã xảy ra tình trạng chủ dự án bẻ kèo với các sàn giao dịch bất động sản. Cụ thể, chủ đầu tư bán đất khi chưa có giá của cơ quan chức năng. Ví dụ như họ bán ra cho sàn giao dịch 4 triệu đồng/ 1 m2. Sàn giao dịch bán ra 8-10 triệu đồng/m2… Khi đến tay người sử dụng thực sự có thể lên đến 12-14 triệu đồng/m2.
Tất nhiên, những giao dịch là trên giấy vì đất thực sự chưa được cho phép bán. Sau khi bán sạch đất, thu tiền thì chủ đầu tư nhận giá đất của cơ quan chức năng ban hành, nhưng mức giá này cao quá, gần mức giá mà chủ đầu tư bán ra nên họ biết sẽ lỗ nặng. Từ đó, họ bẻ kèo sàn giao dịch. Người thiệt cuối cùng là người mua.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây nhất là chủ đầu tư dự án phân khu 1 xã Điện Dương công ty TNHH Hoàng Tiên đã bẻ kèo công ty Bất động sản First Real vì việc này. Dự án này vốn được chào bán từ năm 2016 khi chưa đủ các thủ tục pháp lý.
Ông Trần Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc VN Đà Thành (chủ đầu nhiều dự án bất động sản Nam Đà Nẵng) cho biết, lâu nay có tình trạng nhiều chủ đầu tư ôm đồm loạt dự án. “Việc chưa có giá đất cuối cùng của cơ quan chức năng, chưa thực hiện pháp lý mà bán đất sẽ tạo ra hệ lụy xấu cho nền bất động sản”, ông Cường nói.
Bên cạnh những dự án làm ẩu, nhiều dự án bất động sản Quảng Nam, Đà Nẵng thực hiện rất tốt các chủ trương. Phải kể đến như công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Dịch vụ An Dương, chủ đầu tư các dự án khu đô thị Đại Dương Xanh; khu đô thị Coco Riverside; khu dân cư Đô thị điện thắng trung; khu đô thị Phú Thịnh.