Điều chỉnh để phù hợp
Chánh Văn phòng Sở TN&MT Trịnh Minh Khôi cho biết, do yêu cầu chung cũng như để đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, việc chuyển các chi nhánh các huyện, thành phố trực thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất về UBND cấp huyện quản lý và tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất là cần thiết.
Đây là hoạt động nhằm xây dựng sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Trước đó, trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thành phố trực thuộc UBND huyện, thành phố. Năm 2016, nhằm tạo sự chuyên nghiệp hóa trong việc giúp tỉnh, các địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ các công trình, dự án đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh được thành lập trên cơ sở tách bộ phận Quản lý phát triển quỹ đất từ Trung tâm Phát triển quỹ nhà, đất tỉnh hợp nhất với trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thành phố. Việc thành lập mới và sáp nhập trung tâm các huyện, thành phố về một đầu mối để thuận lợi việc tham mưu tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, phát triển các khu đô thị, khu dân cư trong toàn tỉnh.
Qua 2 năm sáp nhập kết quả mà các chi nhánh trực thuộc trung tâm thực hiện đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội và đáp ứng các yêu cầu công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… của tỉnh và các huyện, thành phố; giải quyết nhiều tồn tại trong công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; khai thác, quản lý quỹ đất... Mặc dù vậy, thực tế việc thay đổi hiện nay không xáo trộn bộ máy và các hoạt động của chi nhánh. Về biên chế, tài chính, vai trò, chức năng vẫn như trước.
Phó giám đốc Sở TN&MT Trần Quang Minh cho biết, thay vì chi nhánh sẽ tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một số nhiệm vụ liên quan lĩnh vực phụ trách ở cấp huyện thì khi chuyển về huyện việc tham mưu trực tiếp giúp UBND huyện chỉ đạo trực tiếp, tạo thuận lợi và góp phần nâng cao tính kịp thời hơn.
Định hướng hoạt động
Theo đề án chuyển Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất về UBND cấp huyện quản lý và tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc Sở TN&MT, trung tâm phát triển quỹ đất huyện, thành phố thành lập là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản để hoạt động theo quy định pháp luật.
Về nhân sự, trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thành phố có 1 giám đốc, không quá 1 phó giám đốc và 28 viên chức chuyên môn nghiệp vụ. Sau khi tiếp nhận Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND các huyện, thành phố sẽ thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND các huyện, thành phố hoặc sáp nhập với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng của huyện tùy theo quan điểm của địa phương.
Đến thời điểm này, Sở TN&MT đã trao quyết định chuyển chi nhánh về UBND huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú; các huyện còn lại sẽ kết thúc trong tuần cuối tháng 12-2018. Sau khi chuyển nguyên hiện trạng chi nhánh về huyện, thành phố đội ngũ lao động hầu như không có biến động, duy trì 28 nhân sự, gồm biên chế và hợp đồng/chi nhánh. Tùy tình hình thực tế, giám đốc trung tâm được ký kết hợp đồng lao động theo quy định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo Chánh Văn phòng Sở TN&MT, khi chuyển chi nhánh về UBND huyện, thành phố quản lý thì quan hệ phối hợp 2 cấp. Khi đó mọi vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đều được phối hợp giải quyết kịp thời hơn. Mặt khác, khi các chi nhánh chuyển về huyện sẽ chủ động trong việc tìm kiếm việc làm, nhằm tạo việc làm cho viên chức và tăng nguồn thu cho đơn vị.