Chiều ngày 18/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đi kiểm tra thực tế tình hình triển khai dự án khu công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 1, khu tái định cư Tân Ninh, khu công nghệ cao (CNC) và làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về các dự án nói trên và về mô hình hoạt động của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu CNC. Tại buổi làm việc, còn có sự tham dự của nhiều lãnh đạo thành phố.
Theo đó, Đối với khu CNTT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương hoàn chỉnh hạ tầng, kết nối giao thông, cấp thoát nước, bảo đảm hoàn thiện mạng lưới điện công nghiệp và có cam kết đáp ứng tốt sau khi đưa vào sử dụng; giải quyết tốt vấn đề giữa nhà đầu tư mới - cũ, chuẩn bị tốt công tác kêu gọi đầu tư giai đoạn 2.
Được biết, dự án khu CNTT Đà Nẵng (DITP) được khởi công xây dựng ngày 6/4/2013 trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Đây là mô hình khu CNTT tập trung với cơ sở hạ tầng hiện đại mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên của Đà Nẵng nhằm hiện thực hóa việc lấy công nghệ cao và công nghệ thông tin làm mũi nhọn đột phá.
Dự án do Tập đoàn Rocky Lai & Associates - Đà Nẵng cùng các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ làm chủ đầu tư, dự kiến xây dựng trong thời gian 10 năm với hai giai đoạn: Giai đoạn I sẽ tiến hành xây dựng trên diện tích 131ha trong 4 năm (2013 - 2017) với tổng vốn đầu tư 82 triệu USD, giai đoạn II thực hiện trong 6 năm (2017 - 2023) với tổng mức đầu tư 196 triệu USD trên diện tích 210ha.
Khu CNTT Đà Nẵng khi hoàn thiện sẽ bao gồm các phân khu chức năng: Sản xuất và dịch vụ CNTT, R&D - Vườn ươm - Dịch vụ Tư vấn, Khu Trung tâm, Khu ở chuyên gia và khu Hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, cảnh quan khuôn viên DITP sẽ được thiết kế với không gian xanh, đường đi dạo quanh khu mặt nước cùng các tiện nghi ngoài trời, thể thao và cảnh quan thiên nhiên nhằm mang lại không gian thư giãn cho những người sống và làm việc trong Khu CNTT.
Đối với khu CNC, Bí thư Thành ủy yêu cầu khẩn trương triển khai khởi công trụ sở BQL. Đội ngũ cán bộ BQL tích cực, chuyên nghiệp, nâng cao vị thế hơn nữa trong việc quản lý, điều hành và kêu gọi đầu tư.
Theo đó, Khu CNC Đà Nẵng thành lập vào tháng 10/2010, trên diện tích 1.129,76ha tại hai xã Hòa Liên và Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang với 7 phân khu chức năng. Công trình nằm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, nối liền các khu kinh tế trọng điểm miền Trung như: Khu Kinh tế Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khu Kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là khu CNC đa chức năng thứ ba của cả nước sau khu CNC Hòa Lạc - Hà Nội và khu CNC TP. Hồ Chí Minh.
Khu CNC Đà Nẵng đã xác định 6 nhóm ngành nghề khuyến khích đầu tư, bao gồm: Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế; công nghệ vi điện tử, cơ điện tử và quang điện tử; công nghệ tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; công nghệ thông tin, truyền thông và phần mềm Tin học; công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu và một số công nghệ đặc biệt khác.
Trước mắt, khu CNC Đà Nẵng đã thu hút hai nhà đầu tư đầu tiên với dự án Tokyo Keiki Precision Technology (tổng vốn đầu tư 40 triệu USD) và dự án Niwa Foundry Việt Nam (tổng vốn đầu tư 21,87 triệu USD). Theo dự đoán, khu CNC Đà Nẵng khi đi vào hoạt động sẽ tạo nền tảng cho việc phối hợp sản xuất – nghiên cứu – phát triển nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố và thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư nước ngoài về sản xuất CNC như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ…
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó Trưởng BQL khu CNC Đà Nẵng, cho biết: Tính đến nay, Ban quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 390 triệu USD. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, Ban quản lý đã có thêm 7 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng số vốn hơn 204 triệu USD.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị liên quan sớm kiểm tra độ an toàn đường dây 500KV chạy sát khu tái định cư Tân Ninh, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; triển khai trồng hành lang cây xanh giữa khu tái định cư và đường tránh Nam Hải Vân; sớm thi công tuyến đường khớp nối khu tái định cư Tân Ninh với đường Nguyễn Tất Thành; bảo đảm điện, nước đầy đủ cho người dân trước khi nhận đất tái định cư.
Ngoài ra, cần lưu ý phải cảnh giác khi mùa mưa lũ đang cận kề. Các đơn vị cần phải bố trí lực lượng sẵn sàng để giải cứu công trình xây dựng tại chỗ, tuyệt đối không xảy ra bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ.
Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng dự án, không được để chậm trễ, chuẩn bị đủ ngân sách cho công tác giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư; chủ động làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ như ngân hàng, hải quan, viễn thông để đáp ứng tốt cho nhà đầu tư; chú trọng chọn lựa nhà đầu tư bảo đảm chất lượng.
Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, dự án khu tái định cư Tân Ninh đang được triển khai thi công để phục vụ công tác tái định cư các hộ giải tỏa của dự án khu CNC, khu phụ trợ và các dự án lân cận trên địa bàn xã Hòa Liên hiện có tổng diện tích quy hoạch 12,18ha, tổng số lô đất: 503 lô (101 lô đường 7,5m; 402 lô đường 5,5m). Đến nay đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất 233 lô, đến 30/9/2018 sẽ tiếp tục bàn giao thêm 82 lô.
Về dự án khu CNTT Đà Nẵng giai đoạn 1 đến nay cơ bản đã hoàn thiện công tác san nền, các trục đường chính đã hoàn thành việc rãi cấp phối đá dăm; phần điện, nước đã tiến hành trồng trụ và lắp đặt các vật tư chính; về thoát nước đã thi công được hơn 30% khối lượng.