Ồ ạt lấn chiếm, xây dựng trái phép
Khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều người dân ở xã Cát Chánh và Phước Hòa đua nhau lấn chiếm hàng ngàn mét vuông đất ven hành lang tỉnh lộ 639. Những người này ngang nhiên chặt hạ dương, san phẳng các đồi cát để tạo mặt bằng; sau đó trồng trụ bê tông xi măng, kéo thép gai xung quanh các thửa đất để “xí phần”. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp sau khi “xí phần” thành công đã thực hiện việc tặng cho, mua bán đất.
Những ngày đầu tháng 12.2018, chúng tôi tìm về thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh) và Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa) để “mục sở thị” tình hình lấn chiếm đất đang diễn ra tại đây. Chạy dọc theo tỉnh lộ 639 một đoạn dài khoảng 3km, chúng tôi nhận thấy hoạt động xây dựng nhà ở; san lấp tạo mặt bằng, dựng trụ bê tông “xí phần” đất diễn ra nhộn nhịp.
Những thửa đất rộng hàng ngàn mét vuông được phân định ranh giới, rào chắn vuông vức; nhiều nhóm thợ hối hả xây dựng nhà, các căn nhà kiên cố đua nhau “mọc” trên đất thuộc phạm vi Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội. Đáng nói, qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi không thấy chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.
Thấy chúng tôi ngắm nghía khu đất được rào chắn bằng trụ bê tông và thép gai, người đàn ông tên Vinh (trú xã Phước Hòa), tiết lộ: “Các thửa đất này đều đã có chủ, các anh muốn mua tôi sẽ giới thiệu”. Chúng tôi e ngại vì đất nằm trong hành lang tỉnh lộ, thuộc phạm vi KKT Nhơn Hội, ông Vinh trấn an: “Các anh yên tâm, nhiều người đã mua đất tại đây; đất bán rẻ thì mình mua, khi nào bị xử lý mới hay. Từ trước đến giờ tôi chưa thấy trường hợp nào bị cưỡng chế tháo dỡ nhà; như hiện nay, có hàng chục người rào chắn nhiều thửa đất, xây dựng nhà ở nhưng có ai kiểm tra, xử lý gì đâu”.
Loay hoay xử lý
Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, thừa nhận: Từ sau năm 2005, khi KKT Nhơn Hội được triển khai xây dựng, tình hình lấn chiếm đất ven hành lang tỉnh lộ 639 diễn ra phức tạp. Đặc biệt, khoảng 5 năm gần đây, không chỉ người dân ở xã Cát Chánh và Phước Hòa, nhiều người ở các địa phương khác cũng thực hiện việc lấn chiếm, mua bán đất. Các trường hợp thường thực hiện việc bao chiếm đất, xây móng nhà vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hoặc ngày lễ nên địa phương khó phát hiện. Ngoài ra, ranh giới hành chính giữa xã Cát Chánh và Phước Hòa chưa được cơ quan thẩm quyền phân định, cắm mốc rõ ràng, cụ thể nên xã gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý.
“UBND xã không đủ thẩm quyền, lực lượng, phương tiện để tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước và Ban Quản lý KKT tỉnh”, ông Võ Thành Hải, kiến nghị.
Theo ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, thì: Huyện đã có văn bản yêu cầu UBND xã Cát Chánh tập trung kiểm tra, xác minh, làm rõ diện tích, vị trí đất; người sử dụng từng thửa đất, loại đất bị lấn chiếm để có căn cứ chỉ đạo giải quyết. Chung ý kiến, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phước Hòa tổng hợp, báo cáo các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình nhà ở trái phép ven hành lang tỉnh lộ 639. Tới đây, huyện thành lập tổ công tác về địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm”.
Trong khi đó, ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, cho rằng: “Nhiệm vụ chính của Ban Quản lý KKT tỉnh là thu hút đầu tư vào KKT Nhơn Hội; cũng như giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Việc quản lý địa giới hành chính, dân cư, xây dựng thuộc trách nhiệm của UBND xã Cát Chánh và Phước Hòa. Tới đây, Ban Quản lý KKT tỉnh báo cáo, đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép dọc tuyến tỉnh lộ 639 thuộc phạm vi đất KKT Nhơn Hội”.
Trước tình trạng nhiều người ồ ạt bao chiếm đất, xây dựng công trình trái phép như hiện nay, việc xử lý không còn là trách nhiệm của một xã, một huyện mà cần sự phối hợp đồng bộ của các địa phương, ban, ngành liên quan. Như vậy mới mong xử lý triệt để; tránh tình trạng các trường hợp vi phạm tiếp tục tăng, gây khó khăn trong việc xử lý về sau.