Theo đó, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa IX, đại biểu Nguyễn Thanh Trung (tỉnh Bình Dương) đã có những chất vấn về những dự án chậm triển khai, đất bỏ hoang nhiều năm tại tỉnh Bình Dương.
Theo đại biểu Trung, việc chậm triển khai dự án sẽ gây lãng phí tài nguyên đất đai trong các đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực dự án; tình trạng chủ đầu tư khi vừa xin được chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500 đã tự ý đo, vẽ bản đồ rồi phân lô bán nền.
Thậm chí, có một số dự án chưa giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đền bù cho người dân nhưng đã tự ý vẽ bản đồ quy hoạch rồi rao bán trên thị trường bằng hình thức là hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng góp vốn; các khu dân cư tự phát do phân lô bán nền trái phép xuất phát từ tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.
Trả lời những chất vấn trên, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 358 dự án nhà ở với quy mô sử dụng đất khoảng 4.500ha. Đến nay đã triển khai 216 dự án nhà ở với quy mô sử dụng đất trên 2.613ha, diện tích sàn 17,48 triệu m² (trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 10/2018 đã có 53 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với quy mô sử dụng đất 184,28ha, 3,77 triệu m² sàn).
Bên cạnh những dự án được triển khai đúng theo tiến độ, vẫn còn một số dự án chậm triển khai trong thời gian dài, gây bức xúc cho người dân. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng đã báo cáo kiến nghị UBND tỉnh cho 24 dự án tiếp tục thực hiện, thu hồi chủ trương 4 dự án và 37 dự án thuộc diện xem xét cho tiếp tục thực hiện, đề nghị chủ đầu tư có báo cáo, cam kết tiến độ thực hiện để Sở Xây dựng và địa phương theo dõi đôn đốc.
Trong số dự án trên có 7/37 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (đạt trên 90%), nhưng chủ đầu tư chưa có động thái triển khai đầu tư.
07/37 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (đạt trên 90%), chủ đầu tư đã triển khai đầu tư, tuy nhiên vẫn còn một số hạng mục như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đầu tư đồng bộ, kéo dài nhiều năm.
Còn có 10/37 dự án chủ đầu tư đang triển khai dự án như lập thủ tục pháp lý dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án.
Bên cạnh đó, có 13/37 dự án do đang vướng giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính, chủ đầu tư chưa triển khai đầu tư. Nguyên nhân về tiến độ triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị chậm là do khó khăn của thị trường bất động sản và những quy định của Luật nhà ở năm 2014. Còn lại một số chủ đầu tư không có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong quá trình triển khai đầu tư.
Cũng theo ông Võ Hoàng Ngân, dự kiến, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi 6 dự án (do đa phần các dự án này còn vướng giải phóng mặt bằng và chưa đảm bảo năng lực tài chính để triển khai dự án), các dự án còn lại, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện triển khai dự án trong 2019. Trong trường hợp Chủ đầu tư vẫn không có động thái triển khai, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi.
Trước đó, UBND TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã có quyết định thu hồi 7 dự án bất động sản do chậm triển khai, với tổng diện tích hơn 266 héc-ta. Tất cả các dự án này đều nằm trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị này cũng vừa rà soát 8 dự án khác trên địa bàn để theo dõi, thúc đẩy tiến độ.
Cụ thể, các dự án bị thu hồi bao gồm: Khu nhà ở Phú Thọ do CTCP Vật liệu xây dựng làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Goldland do CTCP Đầu tư Bình Dương làm chủ đầu tư; Dự án Khu Trung tâm thương mại và nhà ở UB South Green Town của CTCP Tứ Hải; Khu phức hợp trường học, bệnh viện, biệt thự nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Thành Nguyên - DT Link Việt Nam; Khu đô thị mới Tương Bình Hiệp của CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI); Làng biệt thự sinh thái ven sông Sài Gòn (Ecovilas) của CTCP Indeco và Khu các bệnh viện 53 héc-ta Phú Mỹ.