Lợi thế của Bình Dương là các KCN được quy hoạch ngay từ đầu nên kết nối hạ tầng và giao thông rất thuận tiện. Lần lượt các KCN Sóng Thần 1, Việt Nam - Singapore 1, Đồng An 1.... hình thành với quy mô lớn ở khu vực phía nam của tỉnh như TX. Thuận An, TX. Dĩ An, TP. Thủ Dầu Một.
Sau thành công của các KCN phía nam, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc tỉnh nhà, một mặt để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện còn khó khăn, mặt khác để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Trong số các khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh như huyện Bến Cát, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) đã xây dựng xong hạ tầng các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3. Đến nay, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 và 4 đã thu hút hơn 400 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 3 tỷ USD. Ngoài ra còn có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây như Tập đoàn Kumho Asiana chuyên sản xuất vỏ xe ô tô đầu tư 360 triệu USD; Công ty Giấy Graft Vina đầu tư 180 triệu USD; Tập đoàn Maruzen Foods Corporation đầu tư 104 triệu USD; Công ty TNHH Tomoku Việt Nam đầu tư gần 50 triệu USD…
Bên cạnh đó, KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) cũng đã tiếp nhận dự án công nghiệp phụ trợ rộng 400 ha, có vốn đầu tư lên đến 274 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (sẽ nâng lên 1 tỷ USD vốn đầu tư sau khi hoàn thành các giai đoạn).
Tập đoàn DDK (Đài Loan, Trung Quốc) cũng đã đạt được thỏa thuận với Becamex IDC thuê lại 80 ha đất tại KCN này để thành lập một liên doanh đầu tư dự án tại Việt Nam. Dự kiến, dự án này sẽ có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực đến đầu tư.
Nhờ sự hoạt động hiệu quả của KCN Bàu Bàng, năm 2016 huyện Bàu Bàng đã thu hút được 84 dự án, trong đó đầu tư trong nước 73 dự án và 11 dự án FDI. Đến nay, huyện đã thu hút được 455 dự án, trong đó có 382 dự án trong nước với vốn đăng ký hơn 22.689,4 tỷ đồng và 73 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1.290 tỷ USD.
Theo thời gian, thương hiệu công nghiệp Bình Dương ngày càng vươn xa, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Cùng với nhiều nguồn lực lớn khác về hạ tầng, chính sách… khiến cho các khu công nghiệp phía bắc của tỉnh ngày càng phát huy lợi thế. Điều này được thể hiện qua lượng vốn FDI đổ về đây rất lớn trong thời gian qua.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 31 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn 777 triệu USD và 12 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 535,8 triệu USD. Như vậy, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thu hút được hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 97,6% tổng vốn đầu tư vào Bình Dương trong 3 tháng qua. Trong số này, lĩnh vực chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nhất với 36 dự án, chiếm 78,3% tổng vốn đầu tư đợt này.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 28 KCN đi vào hoạt động với diện tích hơn 10.000ha và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707ha. Bình Dương giữ vững lập trường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao, tạo ra giá trị lớn...