Dù chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chưa được một số cơ quan chức năng đồng ý bằng bản nhưng dự án đường Bạch Đằng (Bình Dương) nối dài tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã khởi công rầm rộ, lấn hàng ngàn mét sông Sài Gòn để làm đường.
Dự án nằm ven sông Sài Gòn thuộc phường Phú Cường, do UBND TP Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư, giao cho liên danh công ty Sông Lam – Ngọc Bảo – Tây Hồ - Viễn Đông thi công.
Ngày 17/6/2011, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định số 1784/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng công trình đường Bạch Đằng nối dài dựa trên tờ trình của UBND TP Thủ Dầu Một và một số cơ quan chức năng tỉnh này.
Theo đó, đoạn đường bắt đầu từ ngã 3 Bạch Đằng – Ngô Quyền (phường Phú Cường) và kết thúc tại ngã 3 đường Huỳnh Văn Cù – Nguyễn Văn Cừ (phường Chánh Mỹ) với chiều dài khoảng 950m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng rộng 15m, vỉa hè rộng tối thiểu 5m cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
Diện tích sử dụng đất gần 40 ngàn mét vuông, trong số đó diện tích mặt nước chiếm hơn 17 ngàn mét vuông. Kinh phí cho dự án hơn 600 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2020.
Sau khi UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án và ra một số quyết định thu hồi đất, từ giữa năm 2018 dự án này bắt đầu được thi công trên sông Sài Gòn và rạch Ông Kiểm.
Theo quan sát, sau nhiều lần tiến hành khoan thăm dò dưới lòng sông, đơn vị thi công đã cắm nhiều cọc bê tông dài hàng chục mét xuống lòng sông Sài Gòn để thực hiện dự án.
Các cọc bê tông này được cần cẩu hàng trăm tấn đưa xuống đáy sông cách bờ khoảng 20 mét, có nơi khoảng 30 mét, sau khi chờ lún số cọc này được cắt ngắn để làm đường phía trên.
Khu vực dự án là đoạn cong của sông Sài Gòn, nằm sát chân cầu Phú Cường nối Bình Dương và TP.HCM, hàng ngày có rất nhiều tàu thuyền trọng tải lớn qua lại. Tại đoạn cong này có một con rạch dẫn nước đổ ra sông Sài Gòn. Để làm dự án này, đơn vị thi công đã thu hẹp con rạch, gây ngập úng khiến nhiều hộ dân tại khu phố 14, phường Phú Cường bị ảnh hưởng.
Điều đáng nói, dự án này lấn hàng ngàn mét sông Sài Gòn nhưng chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, xâm hại hành lang bảo vệ nguồn nước, đặt ra nhiều nghi ngại về tác động đến môi trường nước của dòng sông.
Trả lời phóng viên, lãnh đạo sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương khẳng định, dự án đường Bạch Đằng nối dài thuộc công trình cấp III theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/ 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nên phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư dự án đường Bạch Đằng nối dài là UBND TP Thủ Dầu Một chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Sở TN&MT thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai dự án.
Bên cạnh đó, công trình này còn ảnh hưởng đến quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước.
Theo Điều 9 Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định về phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch và Quyết định số 3608/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 về việc phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì sông Sài Gòn đoạn qua tỉnh Bình Dương có phạm vi hành lang bảo vệ là 20 mét.
Tuy nhiên, đến nay công trình này có nhiều hạng mục thi công ngay dưới lòng sông, không đảm bảo các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.
Để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án này, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Ban quản lý dự án Thủ Dầu Một. Ông Trung cho rằng dự án này do UBND TP Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư chính thức, Ban QLDA chỉ là đại diện chủ đầu tư nên không có thẩm quyền trả lời.
Phóng viên tiếp tục liên hệ nhiều lần với ông Nguyễn Lộc Hà – Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một nhưng ông này vẫn không trả lời.