Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Công Thương tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm 45%, dịch vụ 37%, công nghiệp xây dựng 18%. Hiện nay, nông nghiệp của Lâm Đồng được đánh giá đứng đầu cả nước, đặc biệt địa phương cũng rất phát triển về nông nghiệp công nghệ cao.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh tạo được cung cách, ý thức trong làm nông nghiệp, là điển hình được nhiều địa phương khác học tập.
Qua khảo sát của Bộ Công Thương, từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trong 10 năm qua có nhiều mô hình điển hình canh tác. Với những tiềm năng và thế mạnh trong nông nghiệp như vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đặt vấn đề làm sao để Lâm Đồng trở thành điểm đến trong liên kết hợp tác quốc tế.
Tổng hợp ý kiến từ các Cục, Vụ, đơn vị trong đoàn công tác, Bộ trưởng đưa ra 8 lĩnh vực Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ Lâm Đồng trong thời gian tới:
Một là, quyết liệt trong công tác xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm của Lâm Đồng.
Thứ hai, phát triển thu hút đầu tư nước ngoài, để sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng gắn với chuỗi giá trị.
Thứ ba, tập trung hỗ trợ cho địa phương trong tiếp cận, chuyển giao công nghệ.
Thứ tư, Bộ Công Thương hỗ trợ Lâm Đồng trong phát triển thương mại điện tử gắn với kinh tế số.
Thứ năm, hỗ trợ Lâm Đồng tiếp tục phát triển bền vững các các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó ưu tiên những ngành tơ tằm của địa phương.
Thứ sáu, tiếp tục xem xét phát triển logistics trong vùng và quốc tế.
Thứ bảy, sớm tập trung hoàn thiện rà soát quy hoạch ngành, thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp.
Cuối cùng, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Lâm Đồng.
Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao Cục Công nghiệp triển khai bổ sung chiến lược công nghiệp hỗ trợ, danh mục được ưu tiên để phát triển công nghiệp dệt may, tơ tằm vốn là thế mạnh của Lâm Đồng. Bộ trưởng cũng đề xuất làm rõ trách nhiệm của mỗi bên, doanh nghiệp thụ hưởng. Đồng thời, rà soát lại để hỗ trợ công nghiệp gắn với chế biến nông sản có tiềm năng trên địa bàn.
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong những vấn đề có liên quan tới Luật Quy hoạch để Lâm Đồng dần trở thành Trung tâm Điện lực xanh của khu vực. Bên cạnh đó, Cục phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch thay thế bóng đèn tiết kiệm điện, công nghệ tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng.
Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại xây dựng đề án với sản phẩm, giá trị thương hiệu của Lâm Đồng như cà phê, trái cây, rau, củ… địa phương cần nhanh nhạy trong giao thương, nắm bắt giá cả thị trường thế giới.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, thúc đẩy hợp tác với Bộ Kinh tế Nhật Bản METI trong công nghệ chế biến, sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch tổ chức khảo sát đánh giá lại, giúp Lâm Đồng tiếp cận với đối tác có công nghệ lớn trong việc tiếp cận giống, canh tác, bảo quản, đóng gói… trên cơ sở hợp tác đa phương, song phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề xuất Lâm Đồng chủ động phân công sở, ngành trong công tác phối hợp cơ quan của bộ trong triển khai, thực hiện.
Năm 2018, dù khó khăn nhưng Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu nông sản đạt 44 tỉ USD. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương có thành phần nông sản xuất khẩu đứng đầu cả nước.
Cụ thể, cà phê đạt 530.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 170 triệu USD, tổng kim ngạch xuất khẩu của chè 28 triệu USD, rau 30 triệu USD, hạt điều 26 triệu USD…