"Cát tặc" ngày càng có quy mô và thủ đoạn tinh vi
Ngày 23/4 vừa qua, tại huyện Cần Giờ, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP với các tỉnh.
Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2015-2018 đã ở mức báo động, các đối tượng liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô, thường diễn ra rầm rộ, nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
"Tình trạng này không chỉ gây mất an ninh - trật tự tại địa phương, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún đất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và tính mạng của người dân", ông Dũng cho hay.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép hiện còn gặp một số khó khăn như: Quy định tịch thu tang vật đối với hành vi khai thác cát trái phép phải từ 50m3 trở lên nên các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện thường không chấp hành ngay việc đình chỉ hành vi vi phạm mà điều khiển phương tiện bỏ chạy, xả cát xuống biển nhằm tẩu tán tang vật vi phạm để tránh bị tịch thu phương tiện.
Đồng thời, theo Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, để tịch thu phương tiện vi phạm trực tiếp đến vi phạm hành chính, áp dụng đối với vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân tổ chức gây ra.
Vì vậy, để tránh bị tịch thu phương tiện do khai thác cát trái phép, các đối tượng thường thuê phương tiện từ chủ sở hữu khác dưới danh nghĩa hợp pháp là chở hàng hoặc thực hiện dự án. Trong quá trình điều tra, xác minh, chủ phương tiện thường không thừa nhận việc chỉ đạo các thuyền viên thực hiện hành vi khai thác cát trái phép nên khó khăn trong việc xác định lỗi làm cơ sở tịch thu phương tiện vi phạm.
"Mặt khác, khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát là nơi giáp ranh với vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Do đó, đối tượng thường lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu để qua biển Cần Giờ khai thác cát, có bố trí lực lượng cảnh giới, khi gặp lực lượng tuần tra hầu như không chấp hành yêu cầu kiểm tra kiểm soát mà nhanh chóng chạy qua địa bàn giáp ranh và thông báo cho các phương tiện xung quanh bỏ chạy", ông Lê Minh Dũng cho hay.
"Cần xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm cắp"
Trước hiện trạng này, Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP.HCM kiến nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục tái phạm nhằm gắn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cho thuê phương tiện, hạn chế việc cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật “bắt tay” làm hợp đồng giả để hợp thức hóa hồ sơ khi bị bắt giữ phương tiện.
Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau (không chỉ quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50m3 trở lên).
Cùng với đó, theo Đại tá Út, cần bổ sung hình thức phạt bổ sung khắc phục hậu quả vi phạm không tịch thu phát mại mà yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải vận chuyển số cát, sỏi đã khai thác trái phép để lấp trả lại nguyên trạng tại vị trí đã khai thác. Mặt khác, cần xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm, cắp tài sản để dễ xử lý về hình sự, tăng tính răn đe.
Trong khi ấy, Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh đề nghị TP thành lập tổ công tác liên ngành ở cấp TP và quận, huyện để xử phạt các đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép.
"TP cần xem xét lại quy hoạch các công trình sử dụng nhiều cát san lấp mà không tính đến nguồn cung, vì hiện nay trữ lượng cát cung cấp cho xây dựng của TP.HCM là hạn chế", ông Minh cho hay.
Đồng tình với ý kiến từ các đơn vị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Việc quản lý tình trạng khai thác cát trái phép là hết sức cấp bách, vì nó ảnh hưởng đến đời sống người dân".
Qua đó, Bí thư Thành ủy TP đề nghị các sở, ngành TP.HCM phối hợp với các địa phương giám sát các phương tiện hút cát, người điều khiển các phương tiện khai thác cát.
"Lực lượng chức năng cần sử dụng hệ thống camera giám sát các phương tiện khai thác cát trái phép để xử lý; bố trí các trạm và lực lượng chốt chặn ở các khu vực thường xuyên xảy ra khai thác cát trái phép; phối hợp với các địa phương tập trung xử lý các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi không phép; giám sát việc vận chuyển cát trên các tuyến sông, rạch…", Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.