Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, tính đến cuối năm 2018, dư nợ cho lĩnh vực bất động sản trên địa bàn đạt 6.952 tỉ đồng, chiếm 8,96% tổng dư nợ và tăng 29,92% so với cuối năm 2017. Mức tăng trưởng tín dụng bất động sản này được xem là khá cao nhưng do xuất phát điểm dư nợ bất động sản tại TP Cần Thơ thấp hơn các thành phố lớn và một số địa phương khác nên xét về giá trị thì không tăng đáng kể.
Ông Đỗ Công Quyền, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Mekong Land, chia sẻ: Thị trường bất động sản sau Tết Nguyên đán năm nay giao dịch khá trầm lắng so với mọi năm. Nguyên nhân là sau khoảng thời gian tăng giá đột biến, các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin mới thay vì tham gia mua nền lướt sóng. Hiện nay, giá đất nền ở các khu đô thị Nam Cần Thơ dao động từ 1,6-1,7 tỉ đồng. Một số khu dân cư xa trung tâm như Thiên Lộc, Phú An giá cũng tầm 1,1-1,5 tỉ đồng/nền tùy diện tích. Tuy nhiên hiện nay, giá đất nền không có biến động lớn nên nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi vay vốn. Một số chủ đầu tư cũng không ôm hàng với số lượng nhiều mà chỉ là mua nhỏ lẻ một vài nền nên sẽ không dẫn đến tình trạng nợ xấu trong trường hợp vay ngân hàng để mua bất động sản.
Thực tế cho thấy, thời điểm thị trường tăng trưởng tốt, không ít nhà đầu tư sẵn sàng thế chấp tài sản, vay ngân hàng để mua đất lướt sóng kiếm lời. Một số người có tiền nhàn rỗi cùng tham gia thị trường bằng việc mua lại nhà cũ để nâng cấp, sửa chữa và bán lại kiếm lời song lượng giao dịch hiện nay cũng chậm hơn trước. Nguyên nhân là do khách hàng cân nhắc hơn giữa mua nhà và mua đất nền. Bởi nếu một căn nhà rao bán với giá từ 1,6 -1,7 tỉ đồng (diện tích 4mx16m, 4mx20m) nhưng nếu với thời gian xây dựng trên 10 năm, người mua sẽ phải tốn thêm một khoảng chi phí đầu tư sửa chữa lại để ở. Đối với một bộ phận khách hàng người dân nhận tiền tái định cư ở các dự án thường chọn mua nhà ở các khu dân cư đông đúc để vào ở ngay. Trong khi đó, một số nhà đầu tư thứ cấp không còn mặn mà với hình thức mua nhà sửa chữa để bán lại vì lời ít. Hoặc trong trường hợp sản phẩm không bán nhanh sẽ không có lời.
Lý giải cho câu hỏi liệu ngân hàng sẽ siết vốn cho vay bất động sản trong năm 2019, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, chia sẻ: Đối với những dự án tốt, các ngân hàng thương mại vẫn chấp nhận cho vay, chứ không hạn chế. Thực tế cho thấy, năm 2019 ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi thẩm định cho vay các dự án bất động sản nhằm đảm bảo tính thành công của dự án. Nguồn lực đầu tư bất động sản vừa phải nên thị trường dự kiến sẽ không biến động lớn. Ngành ngân hàng đã chuẩn hóa lại việc cho vay bất động sản, tức là không hạn chế cũng không khuyến khích nhưng đối với những dự án đảm bảo về hồ sơ, thủ tục, tính minh bạch, khả thi, ngân hàng sẽ vẫn giải ngân cho vay, đáp ứng vốn cho doanh nghiệp đầu tư để đưa sản phẩm ra thị trường.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, UBND TP Cần Thơ đã công bố danh mục một số dự án thuộc lĩnh vực bất động sản để mời gọi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó có Dự án Khu đô thị mới và tái định cư Lô số 14B thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ, quận Cái Răng với tổng diện tích khu đất khoảng 33ha; Dự án Khu đô thị mới phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn với tổng diện tích khu đất khoảng 22,6ha (trong đó có phần diện tích khoảng 5,05ha do Nhà nước quản lý). Ngoài ra thành phố cũng bổ sung 2 dự án mời gọi đầu tư xây dựng Khu đô thị mới trên địa bàn giai đoạn năm 2018-2020 gồm: Dự án Khu đô thị mới Ô Môn 1, tại Phường Phước Thới, quận Ô Môn, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 158,57ha và Dự án Khu đô thị mới Ô Môn 2, tại phường Phước Thới với diện tích sử dụng đất khoảng 69,55ha.
Như vậy, thành phố đang mở rộng phạm vi phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới thay vì chỉ tập trung cho khu vực Nam Cần Thơ như trước đây. Theo một số đơn vị kinh doanh bất động sản nhận định, thị trường bất động sản tại Cần Thơ vẫn còn nhiều dư địa phát triển song cũng thẳng thắn nhìn nhận sẽ cần những dự án mới từ các nhà đầu tư lớn.