Cuối năm: Hoàn thành quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Mai Như Toàn cho biết: Theo quy định, sau khi Quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, thành phố phải tổ chức lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và các quy hoạch phân khu đô thị. Đối với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật gồm: giao thông đô thị, cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, cấp nước đô thị, thoát nước thải đô thị, thông tin liên lạc, quy hoạch nghĩa trang, xử lý chất thải rắn, cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị… Đến nay, hầu hết các quy hoạch này đã hoàn thành và được phê duyệt, chỉ còn 3 đồ án quy hoạch (cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị) sẽ hoàn thành hệ thống quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với TP Cần Thơ…
Các đồ án quy hoạch cây xanh, chiếu sáng, cao độ nền và thoát nước mặt, đến nay đã cơ bản hoàn thành, sau khi rà soát lại Sở Xây dựng thành phố dự kiến sẽ trình phê duyệt trong tháng 11-2018. Đối với đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt, đơn vị tư vấn đã kết hợp với Viện Thủy lợi miền Nam trong quá trình nghiên cứu, bám vào Quy hoạch chống ngập của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đồ án quy hoạch đơn vị tư vấn cũng đưa ra chỉ tiêu tính toán: thứ nhất là nâng cao độ nền, tập trung vào những khu trung tâm, khu công nghiệp, khu ở, khu cây xanh… phù hợp với từng loại đô thị (từ loại 1 đến loại 5) để phù hợp với tình hình phát triển đô thị TP Cần Thơ đến năm 2050. Cao độ nền cho vùng đô thị chia ra quản lý 17 lưu vực có quy định cao độ nền cụ thể, chủ yếu từ dương 2.5 đến 3.1. Thứ hai, tiêu thoát nước lũ và tiêu thoát nước thủy lợi mặt bám vào quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Thoát nước mặt cũng được chia ra làm 16 lưu vực để quản lý, trong đó gồm lưu vực cần có trạm bơm, lưu vực chứa nước sông ngòi… Đồ án có phân kỳ đầu tư, giai đoạn 2018-2025, 2025-2030 và tầm nhìn 2050; để làm cơ sở quản lý và kêu gọi các dự án đầu tư.
Đồ án quy hoạch cây xanh đô thị, tư vấn căn cứ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của TP Cần Thơ và đặc trưng vùng sông nước để đưa ra những cây trồng phù hợp; có hơn 20 chủng loại cây xanh khuyến cáo trồng ở đô thị thành phố. Trong quá trình lập quy hoạch cây xanh và căn cứ vào hồ sơ đồ án, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Danh mục cây hạn chế trồng, cấm trồng trong khu vực đô thị… Đồ án chiếu sáng đô thị tập trung nghiên cứu vào vùng đô thị trung tâm và đô thị thị trấn của các huyện; các chỉ tiêu đưa ra gồm: nguồn sáng, trụ đèn, dây dẫn, an toàn điện, các chỉ tiêu chiếu sáng… đảm bảo quy chuẩn và sử dụng đèn led tiết kiệm điện. Định hướng quy hoạch chiếu sáng tập trung vào chiếu sáng giao thông đô thị (đường phố chính, quốc lộ, đường liên quận…), chiếu sáng không gian công cộng (công viên, vườn hoa, quảng trường, tượng đài, trục đi bộ cảnh quan thành phố…), chiếu sáng mặt ngoài công trình (nhà cao tầng…)...
Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, việc tổ chức lập đồ án quy hoạch phân khu 5 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và Cái Răng), đến nay đã hoàn thành các bước lập nhiệm vụ quy hoạch, khảo sát địa hình, lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án quy hoạch và đang tích cực triển khai bước lập đồ án quy hoạch. Sở Xây dựng dự kiến đầu tháng 11-2018 báo cáo đầu kỳ, trung tuần tháng 12-2018 báo cáo giữa kỳ và trung tuần tháng 2-2019 báo cáo cuối kỳ; phấn đấu hoàn thành và phê duyệt vào cuối quý I-2019…
Theo Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ninh Kiều đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được UBND thành phố phê duyệt, UBND thành phố yêu cầu phát huy và khai thác hiệu quả các giá trị đặc thù của đô thị Ninh Kiều (vật thể, phi vật thể) đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của quận, thành phố. Xác định cấu trúc tổ chức không gian đô thị; các dự án phát triển đô thị; hệ thống hạ tầng khung để triển khai các dự án đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng và kiểm soát sự phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch trên địa bàn quận. Đô thị quận Ninh Kiều phải liên kết chặt chẽ với quận Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền về mặt không gian và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đối với quận Bình Thủy xác định là đô thị có đặc thù cảnh quan sông nước, văn hóa đặc trưng miệt vườn vùng ĐBSCL gắn với lịch sử hình thành và phát triển; có vùng nông nghiệp đô thị, vùng đệm cảnh quan và môi trường của Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy; phát triển kinh tế gắn với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị đầu mối cấp thành phố, cấp vùng (cảng, sân bay quốc tế, hệ thống giáo dục - đào tạo chất lượng cao)…
Quận Ô Môn là đô thị gắn kết với khu đô thị trung tâm của TP Cần Thơ; trung tâm công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp điện năng cấp vùng. Đây còn là khu đô thị mới của TP Cần Thơ về lâu dài; là đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy - cảng tổng hợp cấp vùng, trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm tài chính, thương mại- dịch vụ cấp quốc gia và cấp thành phố… Thốt Nốt là khu đô thị của TP Cần Thơ; trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và công nghiệp phụ trợ; trung tâm kho vận cấp vùng; trung tâm thương mại-dịch vụ của thành phố và cấp vùng; trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan trên sông Hậu, các khu ở tập trung và ở sinh thái… Quận Cái Răng sẽ dựa trên cơ sở kế thừa đồ án quy hoạch mở rộng khu đô thị Nam Cần Thơ, lập quy hoạch phân khu cho toàn bộ địa giới quận với khoảng 6.833ha…
Tại cuộc họp kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch phân khu, hạ tầng kỹ thuật mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: 3 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý về quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt. Đây là đồ án rất quan trọng. Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mực nước lũ và triều cường diễn biến phức tạp nên cần tính toán để triển khai xây dựng các dự án trọng điểm chống ngập và cao độ nền xây dựng đảm bảo, không chỉ ở khu vực trung tâm thành phố mà còn các khu vực khác... Các đồ án quy hoạch phân khu, xem xét thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện, các thành viên gồm các sở, ngành thành phố có liên quan và chủ tịch UBND các quận và tổ chức cuộc họp triển khai đến các phường để triển khai thực hiện lập đồ án quy hoạch được thuận lợi, hiệu quả.