Giàu lên nhờ… resort
Khi nhắc tới resort, người ta nghĩ tới những cụm villa bên bờ biển hay trên núi cao, nơi có phong cảnh thiên nhiên trữ tình, dịch vụ lưu trú sang trọng, nhân viên phục vụ tận tình và các nhà hàng, quán bar bờ biển, bể bơi vô cực, bãi biển riêng… Và một lẽ đương nhiên, khách nghỉ ở những nơi như vậy không phải là những người ít tiền.
Resort, bởi thế, trở thành một biểu tượng của sự phong lưu, một ngành kinh doanh… hái ra tiền. Và thực sự, đã có những quốc gia, những điểm đến giàu lên nhờ kinh doanh nghỉ dưỡng. Như Maldives chẳng hạn.
Thập kỷ 70, chế độ quân chủ kéo dài gần một thiên niên kỷ vừa kết thúc ở Maldives và nền dân chủ non trẻ lên nắm quyền. Có rất nhiều việc để làm. Thậm chí là cho đến thời điểm đó, chính phủ Maldives còn không biết quốc gia của mình… có bao nhiêu dân (đến tận năm 1975 cuộc tổng điều tra dân số đầu tiên trong lịch sử mới được thực hiện). Nhưng một trong những việc lớn đầu tiên mà Maldives quyết định làm, là xây một cái resort.
Các nhà đầu tư của quốc đảo hơn 100.000 dân này, rất nhanh chóng, nhận ra lợi thế kinh tế lớn nhất của họ là gì. Những bãi cát trắng. Biển xanh. Nắng. Hơn một nghìn hòn đảo nhiệt đới. Nhưng những thứ đó không thể tự quy đổi ra tiền. Năm 1972, resort đầu tiên của họ, Kurumba Maldives ra đời với 30 phòng, được xây từ các vật liệu tự nhiên như đá san hô hay cây cọ.
Từ đó đến nay, quốc đảo này đã sở hữu tới hơn 130 resort, và vẫn không ngừng xây dựng tiếp nhiều khu nghỉ dưỡng độc đáo khác, kể cả dưới lòng biển. Chỉ tính riêng năm 2017, hơn 1,3 triệu lượt khách quốc tế đến với quốc đảo chỉ hơn 400.000 dân này và đem lại doanh thu hơn 2 tỷ USD cho nền kinh tế Maldives. Maldives được đánh giá là nơi có mức sống cao nhất trong khu vực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người tại Maldives là hơn 10.000 USD. Ngành kinh tế lớn nhất của Maldives là du lịch, chiếm 20% GDP. Cho đến giờ, Maldives đã trở thành điểm đến mà du khách toàn cầu ngưỡng mộ gọi bằng cái tên “thiên đường của những thiên đường”.
Sang hơn hơn cũng bởi... resort
Bài học thành công của Maldives nhìn thì có vẻ đơn giản: anh có biển xanh và cát trắng, anh xây lên một khối kiến trúc đẹp để du khách đến nghỉ ngơi, tận hưởng và mang doanh thu lớn về. Nhưng mọi chuyện không dễ đến thế. Cũng có biển và những bãi biển đẹp nhất hành tinh, thậm chí nhiều hơn thế nữa là có núi, có sông, có mọi thứ như một “quốc gia thu nhỏ”, song Đà Nẵng đã không bứt tốc được như thế.
Năm 2007, cả thành phố Đà Nẵng chỉ có tổng cộng 1.269 phòng khách sạn 3-5 sao. Trong đó, chỉ có một resort 5 sao là Furama đã có từ năm 1997. Năm đó, mỗi khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng chỉ tiêu trung bình 50 USD. Và 1 triệu lượt khách (cả nội địa lẫn quốc tế) đến với thành phố sông Hàn năm 2007 đã là một kỷ lục.
Du khách quốc tế ít ai biết đến Đà Nẵng, họ đơn thuần chỉ coi đó là một trạm trung chuyển trong hành trình khám phá Huế và Hội An, kể cả khi Forbes vinh danh Mỹ Khê là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Cho đến năm 2014. Năm đó, lần đầu tiên Oscar của ngành du lịch thế giới -World Travel Awards (WTA) - xướng tên khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bằng giải thưởng quan trọng nhất trong hệ thống các giải thưởng: Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới, ai cũng ngỡ ngàng, kinh ngạc.
Kinh ngạc bởi Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa bao giờ là điểm đến sang trọng, xa xỉ trong mắt du khách quốc tế. Giờ đây, vị thế ấy đã thay đổi. Và năm 2017, khi lần thứ 4 khu nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà phá kỷ lục WTA giữ vững ngôi vương ấy thì cái tên Đà Nẵng đã không còn là một trạm trung chuyển nữa rồi. Danh sách những tỷ phú, tài phiệt thế giới tìm đến Đà Nẵng để tận hưởng một kỳ nghỉ biệt lập, thưởng thức những món ăn không phải có tiền là mua được hoặc kỷ niệm một sự kiện trọng đại trong đời… đã ngày càng dài hơn. Thậm chí, những sự kiện quan trọng của thế giới, những yếu nhân của các nền kinh tế mạnh nhất thế giới cũng đã đáp phi cơ đến Đà Nẵng, chọn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort như một phần tất yếu trong hành trình đến Việt Nam.
Từ khu nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà, một tuyệt tác của Tập đoàn Sun Group và kiến trúc sư lừng danh Bill Bensley, Đà Nẵng đã có tên trên bản đồ nghỉ dưỡng cao cấp thế giới. Cũng sau khi InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được xây dựng, nhiều resort sang trọng khác đã mọc lên trên các bãi biển đẹp ở Đà Nẵng. Cả một “con đường resort” được dát bởi những khu nghỉ dưỡng nối Đà Nẵng với Quảng Nam. Gọi Đà Nẵng là “thủ phủ resort” của miền Trung cũng không sai.
Du khách quốc tế giờ đây còn biết đến Đà Nẵng với những Khu nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới dành cho gia đình Premier Village Danang Resort, Khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á - Naman Retreat Đà Nẵng hay Vinpearl Danang Resort & Villas - “Khu nghỉ dưỡng biển hàng đầu Việt Nam năm 2017”… Hơn một thập kỷ qua, du lịch Đà Nẵng đã bước từ bình dân đến sang trọng, cũng là nhờ có những khu nghỉ dưỡng như thế.
Hơn một thập kỷ qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước tiến vượt trội, cơ sở hạ tầng đạt đến đẳng cấp quốc tế như thế, cũng bởi có những công trình nghỉ dưỡng đẳng cấp, từ các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup…
Năm 2017, chi tiêu bình quân của khách quốc tế đến Đà Nẵng từ 50 USD năm 2007 đã tăng lên 6,82 triệu đồng/khách (hơn 292 USD), gấp gần 6 lần. 10 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến Đà Nẵng đạt 6,8 triệu lượt, nghĩa là gấp gần 7 lần lượng khách năm 2007. Đặc biệt, khách sạn 4-5 sao, mùa thấp điểm (mùa mưa) mà công suất buồng phòng vẫn đạt 75-85%.
Như thế, chẳng phải Đà Nẵng đang sang hơn, đang đẹp hơn, và cũng giàu hơn nhờ ngành công nghiệp khách sạn nghỉ dưỡng sao, khi chỉ riêng các phòng khách sạn 4-5 sao tại Đà Nẵng đã đem đến doanh thu hơn 10% tổng sản phẩm nội địa của thành phố, tương đương với hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2017?