Cháy nổ ở chung cư: Khi chủ đầu tư vẫn "phớt lờ" xử phạt

Các vụ cháy nổ vẫn diễn ra tại nhiều chung cư, công trình cao tầng, hành lang pháp lý vẫn được thắt chặt nhưng chủ đầu tư cũng vẫn ngang nhiên đưa người dân vào ở khi công trình chưa được nghiệm thu công tác PCCC. Vậy, giải pháp nào để đảm bảo sự an toàn cho cư dân trong chính ngôi nhà của mình?

23:01 07/03/2018

Năm 2017, hàng loạt vụ cháy nổ xảy ra tại các tòa chung cư, từ bình dân đến cao cấp, khiến dư luận không khỏi sợ hãi, hoang mang. Trên địa bàn TP. Hà Nội có thể kể đến vụ cháy chung cư cao cấp Golden Weslake, 162A Hoàng Hoa Thám vào ngày 25/12. Dù may mắn không có thiệt hại nghiêm trọng nào về người xảy ra, nhưng vụ cháy cũng dóng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn phóng cháy chữa cháy ở các công trình cao tầng. 

Trước đó, trong tháng 11 cũng ghi nhận 2 vụ cháy tại chung cư N105 Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và chung cư khu đô thị Văn Quán, Hà Đông.

chay chung cu

Vụ cháy xảy ra tại chung cư tại Golden Weslake, 162A Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: VTV)

Nỗi sợ hãi và ám ảnh là phản ứng đầu tiên nhìn thấy trong dư luận khi các vụ cháy chung cư, công trình cao tầng xảy ra. Bởi không chỉ là địa điểm tập trung rất nhiều người dân, vào bất cứ lúc nào mà đây còn là các công trình thường gặp khó khăn trong việc chữa cháy. Vậy nguyên nhà là do đâu? 

Theo báo cáo tháng 9/2017 của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, chập điện, sự cố máy móc, thiết bị chiếm tới 60 - 65% nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ tại các tòa chung cư. Việc chưa trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng không biết sử dụng hay các phương tiện chữa cháy không còn khả năng sử dụng cũng là lý do khiến tình trạng cháy nổ ở chung cư thêm diễn biến phức tạp. Dù vậy, vẫn còn nhiều công trình cao tầng, nhà chung cư chưa thực sự chú trọng tới công tác PCCC. 

Trên thực tế, rất nhiều chung cư không tuân thủ theo quy định hiện hành, chưa nghiệm thu các hạng mục như hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm nhưng đã đưa vào vận hành, cho người dân vào ở. Thực trạng này càng làm gia tăng nguy cơ và số vụ cháy nổ, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho những cư dân đang sinh sống.

Bên cạnh đó, ở nhiều chung cư, chủ đầu tư bàn giao căn hộ nhưng chưa tổ chức diễn tập PCCC cho cư dân. Nguyên nhân này khiến cho khi vụ cháy xảy ra, nhiều người dân còn lúng túng hoặc sử dụng sai các thiết bị PCCC, thậm chí nghe tiếng báo cháy cũng không hề có ý định phải di chuyển ra ngoài. 

Theo thống kê từ Cảnh sát PCCC Hà Nội, trên địa bàn thủ đô đã phát hiện ra 79 khu chung cư vi phạm về các quy định PCCC (tính đến ngày 31/5/2017). Trong 79 công trình chỉ có một công trình đã thi công nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC. Còn lại có tới 78 chung cư cao tầng đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Tính đến tháng 10 cùng năm, chỉ có 21 trường hợp chung cư vi phạm tự khắc phục còn 68 trường hợp chưa khắc phục. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra và xử lý 4 công trình chung cư cao tầng vi phạm về PCCC, bao gồm: Tòa nhà Capital Garden của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Ngõ 102 Trường Chinh), Tòa C - Chung cư và dịch vụ Star Tower của Công ty cổ phần đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam - VIDEC (Số 283 Khương Trung), Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV- VINAPHARM của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex –PVC (Số 60 Nguyễn Huy Tưởng), Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty Cổ phần bất động sản Hà Nội Sông Hồng ( Số 4 Chính Kinh, P. Thượng Đình, Q. Thanh Xuân).

Việc các chủ đầu tư đã bị Cảnh sát PCCC “tuýt còi” nhưng vẫn “phớt lờ” trước chế tài xử lý vi phạm đã khiến cho cuộc sống của những cư dân tại các căn hộ chung cư tiếp tục phải đối mặt với tình trạng mất an toàn. 

Ngày 15/4 tới đây, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định này, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Việc Nghị định nêu rõ doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp công trình chưa nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy, không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, biên bản kiểm tra đã quá hạn 1 năm,... có thể sẽ thêm phần tác động giúp chấm dứt tình trạng chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở tại nhiều chung cư hiện nay và thắt thêm một vành đai an toàn cho người dân sống tại các tòa chung cư. 

Nhật Minh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận