“Dự án nào cũng bị “dính” vì chưa hoàn chỉnh quy hoạch!
Ngày 6/11, Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Chương trình “HĐND với cử tri” lần thứ 4 để giám sát, chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm 2018 của HĐND thành phố. Tại đây, đại diện Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng đã nêu nhiều kiến nghị về thực hiện “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018”.
Theo đó, “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” mà Đà Nẵng chủ trương chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư như kỳ vọng. Nguyên do là môi trường đầu tư vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, sự minh bạch thông tin về quy hoạch, đất đai… vẫn còn là những rào cản nhất định.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, một trong những trở ngại lớn hiện nay đối với thành phố này trong việc thu hút đầu tư là thành phố vẫn chưa hoàn chỉnh về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Cho nên dự án nào, nếu không đầu tư vào trong KCN mà đầu tư ở ngoài thì cũng đều bị “dính”.
Chuyện bị “dính” của các dự án đầu tư ngoài KCN được ông Huỳnh Đức Thơ giải thích thêm: “Dính vào việc chỗ này chưa có quy hoạch chung, chỗ kia chưa có quy hoạch phân khu, chỗ kia nữa chưa có quy hoạch chi tiết. Rồi chỗ này là đất ở, chỗ kia là đất thương mại, đất kinh doanh… Cho nên rất ảnh hưởng tới thủ tục và sự minh bạch trong vấn đề đầu tư!”.
Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay đã yêu cầu Sở Xây dựng tập trung triển khai điều chỉnh quy hoạch chung theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Hiện nay Đà Nẵng đang xúc tiến hợp tác với một đơn vị tư vấn nước ngoài để giúp TP làm điều chỉnh quy hoạch chung.
“Hiện đang trong giai đoạn xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề chỉ định nhà đầu tư để lập dự án điều chỉnh quy hoạch chung. Sở Xây dựng cần dành thời gian bám để lấy được quyết định của Thủ tướng Chính phủ để triển khai. Cái này rất quan trọng!”
Nhiệm vụ lớn: Bám Thanh tra Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc!
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay đang tập trung xử lý rốt ráo vướng mắc của các doanh nghiệp, các dự án liên quan đến Kết luận 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm đất đai trước đây trên địa bàn. Hiện hàng ngàn lô đất đang chờ việc giải quyết của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đối với các sai phạm nêu trong kết luận này.
“Không chỉ có chuyện giảm tiền sử dụng đất 5 – 10% hay vấn đề đất ở dài hạn, đất 50 năm đâu. Cái đó chỉ một phần thôi, còn rất nhiều hệ quả từ những vấn đề khác như giao đất, giao dự án thực hiện qua những quy trình không đúng và thiếu hoàn toàn. Giao đất không lập dự án, rồi vấn đề tính giá đất… Đụng đến dự án nào, khu đất nào cũng có vấn đề hết, mà các sở, ban, ngành gần như lúng túng, không đưa ra được phương án giải quyết nào. Có những buổi họp chỉ giải quyết 2 – 3 dự án mà cũng không tìm được lối thoát. Các sở, ban, ngành thì rất sợ và rất giữ nguyên tắc, cần phải làm đúng nguyên tắc, mà đúng nguyên tắc thì không chạy việc được” – Ông Huỳnh Đức Thơ thông tin.
Trong bối cảnh đầy lúng túng đó, khi chính quyền TP Đà Nẵng hỏi về hướng giải quyết thì không có cơ quan Trung ương nào trả lời. Thành phố đã kiến nghị lên tới Thủ tướng Chính phủ, và bây giờ đang kiến nghị lên tới Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết và cũng đã giao nhiệm vụ cho Thanh tra Chính phủ trả lời toàn bộ những vấn đề nêu trên của Đà Nẵng trong tháng 9/2018, nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh thêm một trong những nhiệm vụ lớn nữa của 3 Sở chủ chốt TN-MT, Xây dựng và KH-ĐT là phải ra bám các Bộ, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ để soạn ra hướng giải quyết cho tất cả các vấn đề trước khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận chính thức!
“Chúng ta xúc tiến đầu tư các dự án mới nhưng còn cả năm, bảy trăm dự án cũ, cái lớn thì cả hàng chục, hàng trăm hecta, cái nhỏ vài ba trăm m2, bây giờ bị vướng hết. Một nguồn của cải, tài nguyên đất đai rất lớn và doanh nghiệp cũng vay vốn ngân hàng để đầu tư, nhưng bây giờ vướng cái này nên không triển khai được, không mua bán, không chuyển nhượng được…
Một loạt dự án như 181ha, 29ha ở dưới biển giờ để hoang hóa như thế. Rồi dự án Cocobay của Tập đoàn Thành Đô đã đầu tư cả hàng ngàn tỉ đồng mà bây giờ vẫn chưa phân biệt được đất ở hay là đất thương mại dịch vụ, cho nên làm ra mà đâu có bán được. Không bán được thì lấy tiền đâu mà trả cho ngân hàng? Một loạt dự án ven biển khác cũng rất phức tạp.
Tôi cho rằng tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này là việc rất trọng tâm, cũng như hoạt động xúc tiến đầu tư. Con cá ở ngoài tất nhiên mình cũng quan tâm, nhưng trước hết chúng ta lo nuôi con cá trong chậu của mình cái đã. Giải quyết chưa xong hàng trăm dự án đang vướng mắc thì nói gì đến những việc lớn lao khác!” – Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Thiết lập lại cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư
Trong bối cảnh đầu tư ngoài KCN gặp nhiều khó khăn, thủ tục lằng nhằng, quy hoạch chưa có, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN, hiện vướng mắc lớn nhất là mặt bằng, để tăng cường khả năng thu hút đầu tư. Cụ thể là đầu tư Khu công nghệ cao, Khu CNTT, 3 KCN, 2 cụm công nghiệp. Đây là nhiệm vụ rất lớn mà BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng phải tập trung triển khai trong thời gian tới.
Và để đạt được “tốc độ triển khai thật tốt”, ông Thơ yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục, minh bạch thông tin về đất đai. Ông chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TN-MT tập hợp tất cả các khu đất có khả năng đưa ra đấu giá, thu hút dự án đầu tư; sau khi có quy hoạch chi tiết cụ thể từng khu vực thì tiến hành công bố công khai lên website để nhà đầu tư lựa chọn, đăng ký, chớ không nên để nhà đầu tư không có thông tin chính thống, phải đi hỏi chỗ này, chỗ khác.
Về thực trạng vướng mắc thủ tục hành chính mà nhiều doanh nghiệp phản ánh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận, Đúng là có tình trạng rất nhiêu khê, vì vậy cần thiết lập lại cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Phải chỉ đạo rốt ráo cái này chứ không thể để tình trạng Sở TN-MT yêu cầu xác nhận quy hoạch, đưa qua Sở Xây dựng; Sở Xây dựng đưa về quận; quận xác nhận, đưa lên Sở TN-MT thì Sở TN-MT không chấp nhận cái xác nhận đó. Như thế nghĩa là sao? Không thể để tình trạng như vậy được.