Đây là vấn đề được nêu ra tại hội thảo quản lý đô thị trên địa bàn TPHCM thực trạng, vấn đề và giải pháp diễn ra chiều 11-10 tại TPHCM.
Tại hội thảo, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất 2 phương án mở rộng TPHCM.
Phương án 1: Chủ yếu mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức, với tổng diện tích khoảng 48.000 -50.000 héc ta, dân số khoảng 37- 42 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 50 km2, từ 2.096 lên 2.146 km2, Long An giảm đi 50 km2.
Phương Án 2: Vẫn mở rộng về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, lấy thêm huyện Cần Đước và một phần huyện Bến Lức với diện tích khoảng 90.000 đến 95.000ha, dân số khoảng 65-70 vạn người. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng thêm khoảng 95 km2, từ 2.096 lên 2.191 km2.
Sau khi mở rộng, TPHCM phát triển theo mô hình tập trung đa cực, khu vực trung tâm là khu nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển. Trong đó, 3 hướng chính là hướng Đông; hướng Nam; hướng Tây - Tây Nam (vùng đất dự kiến mở rộng) và hướng phụ là hướng Tây - Bắc.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cũng cho rằng, cần phải phát triển đô thị TPHCM theo “vết dầu loang” với khả năng tiếp cận được bằng giao thông đường bộ. Khi phát triển theo hướng này ranh giới quản lý hành chính đang bó chặt sẽ bị mờ đi và đô thị vùng sẽ phát triển theo quy luật khách quan.
Ông Hòa khuyến nghị, nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy trong quản lý và quy hoạch phát triển vùng, trong giai đoạn các tỉnh, thành đang cạnh tranh trong quản lý đô thị thì sẽ dẫn tới những bất cập lớn trong tương lai. Khi ấy, việc khắc phục rất tốn kém, thậm chí một số vùng không thể khắc phục được.
Theo ông Hòa, không nên ảo tưởng cứ đổ nhiều tiền vào để phát triển các đô thị thì cả vùng sẽ phát triển vì hiện nay, Việt Nam đang quản lý phát triển vùng đô thị thiếu tính hệ thống và tính kết nối.