Với 20 di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, với một hệ thống di sản kiến trúc Pháp, 16 di tích cấp tỉnh, 5 bảo tàng công lập và tư nhân cùng hàng chục nhà sưu tập sở hữu một khối lượng di sản khổng lồ.
Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, hấp dẫn, cần có các giải pháp để khai thác có hiệu quả trên cơ sở đảm bảo được sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản với việc phát triển du lịch bền vững, song hành với việc khai thác du lịch canh nông là một trong những thế mạnh của Đà Lạt đang được chú trọng hiện nay đã và đang thu hút đối với du khách.
Trong thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để khai thác, phát huy giá trị của các di sản này trong du lịch, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế chưa khai thác được hết và đầy đủ được tiềm năng quý giá này xứng tầm đối với một tỉnh mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Trên thực tế, ở Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, số di sản được các du khách trong và ngoài nước quan tâm đưa vào các tour của các công ty du lịch lữ hành chưa được nhiều. Bởi không ít các di sản của chúng ta còn đơn điệu, thiếu các sản phẩm dịch vụ cũng như tôn tạo môi trường cảnh quan, chưa đủ sức hấp dẫn đối với du khách.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và số lượng để khai thác về du lịch di sản. Đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên có khả năng nắm vững kiến thức để giới thiệu về văn hóa, giá trị của di sản cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Nguồn ngân sách đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di sản lịch sử văn hóa vẫn còn quá ít ỏi và khiêm tốn. Đặc biệt là sự đầu tư tại các di sản có thu cho hoạt động bảo tồn chưa thỏa đáng, chưa phát huy được hiệu quả.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên, chúng ta cần phải đầu tư bảo tồn, tôn tạo và nghiên cứu sâu để khai thác các giá trị văn hóa làm tăng tính hấp dẫn của các di sản.
Mỗi di tích đều có thế mạnh riêng, vì vậy cần phải tìm những điểm nhấn đặc sắc nhất để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo đem lại ấn tượng cho du khách.
Cụ thể như: Khu di tích khảo cổ học Cát Tiên, ngoài việc tổ chức tham quan các di sản vật thể (đền tháp và mộ tháp), cần tổ chức các hoạt động văn hóa như: kể chuyện truyền thuyết về các vị thần được thờ trong khu thánh địa, tái hiện lễ hội tôn giáo của chủ nhân khu thánh địa, lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống lâu đời ở nơi đây.
Đối với các di sản kiến trúc Pháp, các dinh thự đơn lẻ của các nguyên thủ, các khu biệt thự của giới quý tộc, trung lưu người Pháp và người Việt đã từng sinh sống và làm việc tại Đà Lạt trước đây, thì ngoài việc giữ nguyên kiến trúc và tôn tạo cảnh quan môi trường cây xanh xung quanh di tích, cần nghiên cứu tái hiện lại không gian sống của các nhân vật lịch sử cũng như chủ nhân trước đây. Từ đó, khai thác sản phẩm du lịch trải nghiệm.
Ví dụ như: một đêm làm quý tộc, một đêm làm hoàng hậu, một ngày làm vua, thưởng thức ẩm thực cung đình, dạ hội quý tộc,...
Đối với di tích cách mạng kháng chiến, cần tái hiện hoạt cảnh câu chuyện trong quá khứ lồng ghép vào thuyết minh để tăng tính hấp dẫn cho di sản. Tái hiện lại không gian sống sinh hoạt của các chiến sĩ trong các chiến khu, bếp Hoàng Cầm, ngủ võng trong rừng, sinh hoạt trong hầm, trong địa đạo để cho du khách được hóa thân trải nghiệm cuộc sống của các chiến sĩ trong thời kháng chiến.
Đối với các bảo tàng và các nhà sưu tập, cần phải thường xuyên đổi mới hoạt động và nội dung cũng như nghệ thuật trưng bày bảo tàng. Chỉnh lý nâng cấp hệ thống trang thiết bị, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Quảng bá bảo tàng tới công chúng. Đẩy mạnh công tác marketing, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho khách sử dụng các dịch vụ du lịch tại bảo tàng.
Cần có một không gian triển lãm để giúp cho các nhà sưu tập luân phiên trưng bày giới thiệu các sưu tập cổ vật, hiện vật văn hóa với công chúng và du khách. Đặc biệt là trong các dịp lễ hội Festival. Khuyến khích, tạo điều kiện cho họ xây dựng bảo tàng tư nhân, trưng bày tại chỗ, tạo điểm đến mới cho khách tham quan.
Trong quá trình khai thác du lịch di sản, cần phải gắn kết với bảo tồn giá trị truyền thống, xây dựng chương trình phù hợp với từng đối tượng khách. Xây dựng mô hình liên kết giữa du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, du lịch về nguồn.
Đồng thời phải biết nắm bắt xu hướng du lịch của cộng đồng. Xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống hối hả, bận rộn với nhiều áp lực, mệt mỏi nên người ta thường muốn tìm đến với không gian xanh, yên tĩnh, tìm về nguồn cội, hồi ức, hoài niệm về quá khứ của một thời đã qua.
Do đó, du lịch nhắm tới hồi ức, ký ức cũng là một hướng gây được sự chú ý tò mò của lớp trẻ thích khám phá, người già, lớn tuổi thích trở lại với thời gian.
Người làm du lịch ngoài việc đầu tư cũng phải có sự gắn kết chặt chẽ, tương tác với cộng đồng địa phương để vừa giúp họ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Có như vậy mới thu hút được sự tham gia của cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Ngành văn hóa và du lịch cần phải vạch ra những định hướng lớn và chiến lược bảo tồn di sản phục vụ phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở nghiên cứu những giá trị văn hóa độc đáo của từng loại di sản để tạo ra những sản phẩm du lịch mà các “thượng đế” du lịch đang cần.
Các công ty du lịch lữ hành và các bảo tàng, di tích và nhà sưu tập cần có sự phối hợp trao đổi thông tin để xây dựng được các tour du lịch di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc, có sức hấp dẫn lôi cuốn du khách trong và ngoài nước.