Cuối tháng 11 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,1 tỷ đồng đối với 2 Nhà máy thép Dana-Ý và Dana - Úc (đóng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 2 Nhà máy thép này tiếp tục bị đình chỉ hoạt động sản xuất thêm 6 tháng để khắc phục các vi phạm. Như vậy đã gần 1 năm trôi qua, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định dứt khoát về “số phận” của 2 nhà máy thép, doanh nghiệp chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng”, đứng trước nguy cơ phá sản.
Anh Nguyễn Phúc, công nhân Nhà máy thép Dana – Ý cũng là người dân ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Từ ngày nhà máy dừng hoạt động, gia đình anh đứng ngồi không yên. Cả 2 vợ chồng anh là công nhân nhà máy, thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng. Bây giờ, nhà máy ngừng sản xuất, cả 2 vợ chồng đều mất việc làm. Tết đã cận kề, nhà máy tiếp tục dừng hoạt động, gia đình anh gặp vô vàn khó khăn.
“Gia đình khó khăn về kinh tế. Thu nhập ở Công ty rất ổn định. Bây giờ thành phố tạm dừng hoạt động 2 nhà máy này thì thu nhập của gia đình không còn nữa. Thành phố quyết định như thế này cũng một phần vì dân, chứ lỗi cũng đâu có phải lỗi của Công ty. Vì thành phố cấp giấy phép cho họ hoạt động”- anh Phúc nói.
Ngày 03/12 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đưa cổ phiếu DNY của Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý vào diện cảnh báo. Ngay sau khi bị TP Đà Nẵng xử phạt 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng, cổ phiếu DNY trên thị trường chứng khoán giảm gần 50%, từ 7.000 đồng/cổ phiếu giữa tháng 10 giảm xuống còn 3.700 đồng/cổ phiếu.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý than thở, Nhà máy ngừng hoạt động, cả ngàn lao động thất nghiệp. Theo ông Tân, vào năm 2006, Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý chuyển Nhà máy từ Khu Công nghiệp Hòa Khánh về Cụm công nghiệp Thanh Vinh do TP Đà Nẵng bố trí địa điểm đặt nhà máy. Hoạt động đầu tư dự án nhà máy thép Dana - Ý tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh cũng theo sự kêu gọi và cấp phép đầu tư của UBND TP Đà Nẵng.
Một thời gian sau, người dân các nơi về ở cạnh nhà máy, dẫn đến không đảm bảo tiêu chuẩn cách ly giữa khu dân cư và cụm công nghiệp. Tình trạng này có lỗi từ công tác quy hoạch và bố trí khu dân cư. Thế nhưng, trước sự phản ứng gay gắt của người dân xung quanh khu vực Nhà máy về ô nhiễm môi trường, thành phố đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch, đặt ra vấn đề di dời dân hay di dời nhà máy.
Cách giải quyết của Thành phố Đà Nẵng thời gian còn nhiều lúng túng. Cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang “rối như tơ vò”. Ông Huỳnh Văn Tân cho rằng, thành phố xử lý “điểm nóng” nhà máy thép thiếu nhất quán.
“Sở Tài nguyên Môi trường yêu cầu bổ sung hoàn chỉnh Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (DTM) cuối cùng là lần thứ 6. DTM thứ 6 này Hội đồng thẩm định đã thông qua, hiện nay đang nằm ở thành phố. Thành phố chờ lý do để giải tỏa dân khoảng 500m là ký 1 DTM cho nhà máy thép. Như vậy ký DTM hoàn chỉnh này là thành phố quyết định, không phải thuộc doanh nghiệp. Còn bây giờ thành phố muốn lấy 1 lý do đó để mà phạt dừng sản xuất thì doanh nghiệp phải chịu thôi”- Ông Huỳnh Văn Tân cho biết.
Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang cho rằng, việc quy hoạch nhà máy thép vào Cụm Công nghiệp Thanh Vinh là sai.
“Khi nhà máy vào thì mới bổ sung vào quy hoạch khu công nghiệp, trước đó không có chỗ này. Đưa 2 nhà máy này vào Khu Công nghiệp là sai. Người làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa chặt chẽ. Một nhà máy công nghiệp nặng như thế mà đưa vào đây là sai rồi”- ông Trần Văn Trường cho biết.
Sau khi thành phố Đà Nẵng xử phạt 2 Nhà máy thép hiện đang nổi lên nhiều ý kiến khác nhau. Lý do mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng xử phạt 2 Nhà máy này là Báo cáo đánh giá tác động môi trường lần thứ 6 chưa được phê duyệt vì không đảm bảo khoảng cách với khu dân cư. Việc xử phạt vừa qua là xử lý vi phạm liên quan đến những hành vi thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy xác nhận xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc đảm bảo khoảng cách nhà máy với khu dân cư thuộc thẩm quyền của thành phố sao lại đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp?. Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nhắc lại văn bản của Thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, tại văn bản số 1062 ngày 21/11/2018 của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng trả lời Hội Doanh nhân trẻ nêu rõ, "Thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của 2 Nhà máy thép Dana – Úc và Dana – Ý do bố trí 2 Nhà máy thép không phù hợp với quy hoạch nghành nghề tại khu vực, hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường".
Như vậy, sai về công tác quy hoạch là lỗi của Lãnh đạo thành phố thời kỳ trước; chính quyền hiện nay cần phải sửa sai hợp lý. Theo luật sư Phong, thành phố Đà Nẵng không công khai kết quả quan trắc môi trường nhà máy cũng làm cho nhiều người chưa hiểu rõ mức độ ô nhiễm môi trường tại khu vực này. Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã tiến hành kiểm tra, thực hiện quan trắc môi trường và hàng loạt các biện pháp đánh giá liên quan đến môi trường khác nhưng không phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy thép Dana - Ý. Luật sư Lê Ngô Hoài Phong hoài nghi về việc không công bố kết quả quan trắc môi trường.
“2 nhà máy nhiều lần yêu cầu thành phố công bố cho dân biết vấn đề này nhưng mà thành phố không công bố. Bởi lẽ rằng, nếu công bố thì 2 nhà máy thép không có vấn đề về môi trường. Như vậy, bản chất của vấn đề là việc mà để cho dân ở bên cạnh nhà máy mà không đảm bảo theo quy hoạch, phải cách tối thiểu 500m. Vấn đề này, nhà máy không thể giải quyết được mà là thành phố phải có chính sách. Một là phải di dời Nhà máy, 2 là di dời dân để đảm bảo khoảng cách theo quy định. Cách giải quyết hiện nay không phù hợp”- Luật sư Lê Ngô Hoài Phong nêu rõ.
Vì sao thành phố không công bố kết quả quan trắc môi trường tại 2 Nhà máy thép?. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết: Qua rà soát kết quả quan trắc môi trường đã xác định một số nội dung triển khai chưa đảm bảo, kết quả quan trắc chưa đủ cơ sởđểxử lý vi phạm môi trường đối với 2 nhà máy thép.
“Đơn cử như là kết quả quan trắc về khí nguồn thì chúng tôi đã tiến hành đo, trong điều kiện là cả 2 nhà máy thép cùng hoạt động thì không xác định được tiếng ồn đó nó vượt là do nhà máy thép DaNa Ý hay do nhà máy thép Đana Úc và càng không thể xác định là vượt tiếng ồn đó là do bộ phận sản xuất nào gây ra để xử lý vi phạm đảm bảo đúng quy định và nhà máy thì càng có giải pháp để khắc phục được vi phạm đó. Và cũng có thể khẳng định rằng là chúng ta đo tiếng ồn trong một điều kiện mà hoạt động xung quanh của người dân hay hoạt động hay hoạt động giao thông của khu vực nó đang diễn ra”- ông Tô Văn Hùng cho biết.
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành phố đã sai lầm trong quy hoạch khi bố trí 2 nhà máy thép đến khu vực gần dân cư. Thành phố xác định sửa sai thì nên có phương án giải quyết hài hoà, đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, việc thành phố quyết định tạm dừng hoạt động đới với 2 Nhà máy thép chỉ là giải pháp tình thế, lợi bất cập hại. Đằng sau quyết định này là hàng nghìn công nhân mất việc làm, thiệt hại từng ngày, doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng”. Nhìn xa hơn, ngay trong năm thành phố chọn làm “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, cách giải quyết lúng túng của thành phố khiến cộng đồng doanh nghiệp lo lắng, thiếu niềm tin vào môi trường đầu tư tại thành phố này.
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng đề nghị Lãnh đạo thành phố cần dứt khoát trong câu chuyện Nhà máy ở lại hoạt động hay dời đi nơi khác, sớm có quyết định rõ ràng về “số phận” 2 nhà máy thép. Gần một năm nay, cả người dân địa phương và doanh nghiệp cũng đang mong chờ câu trả lời này.
“Mong muốn giữa thành phố và doanh nghiệp làm sao cho hài hòa. Tất nhiên doanh nghiệp cũng sẽ rời đi nhưng họ mong muốn tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo, đưa ra các nguyện vọng để thành phố xem xét, có thể giải quyết được chừng nào hay chừng đó. Về mặt hành chính thì có cái chưa ổn nên cộng đồng doanh nghiệp lo lắng, hoang mang. Mong rằng thành phố xử lý một cách “đẹp” nhất để mà thu hút các nhà đầu tư khác và họ tin vào câu chuyện thu hút đầu tư thật sự của Đà Nẵng hơn”- ông Hà Đức Hùng cho biết.
Tháng 3 năm nay, khi thành phố Đà Nẵng quyết định tạm dừng hoạt động của 2 Nhà máy thép, VOV đã có loạt bài phân tích sự nóng vội, thiếu tính khả thi trong việc này. Quyết định của Lãnh đạo Đà Nẵng được cho là vội vàng khiến người dân không yên tâm, doanh nghiệp bất bình, thành phố cũng lúng túng khi giải quyết những vẫn đề phát sinh.
Cho đến nay, gần một năm trôi qua, sau hàng chục cuộc họp nhưng Lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Việc xử lý lúng túng, thiếu nhất quán của Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã đẩy doanh nghiệp thành “con nợ” ngân hàng lên đến cả ngàn tỷ đồng, hơn 1000 công nhân mất việc làm, người dân vẫn chưa thể “an cư lạc nghiệp”. Và cái mất lớn hơn, đó là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư tại thành phố này./.