Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Chế biến-Kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế: Sớm triển khai cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam
Ngày 3-2-2017, UBND thành phố đã có Quyết định số 667/QĐ-UBND phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) CCN sản xuất nhỏ tại khu vực kho tàng đèo Đại La (CCN Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm mà khu vực quy hoạch CCN này vẫn hoang vắng, chưa triển khai xây dựng. Nhiều năm qua, công ty chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì mặt bằng sản xuất ở khu dân cư Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) quá nhỏ; thậm chí phải cắt giảm công nhân từ 116 người xuống còn 94 người để nhường chỗ chứa hàng…
Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi đến các cấp và các ngành của thành phố để xin được bố trí đất nhằm duy trì và phát triển sản xuất nhưng vẫn chưa được giải quyết. Công ty đề nghị được đấu giá đất tại CCN Hòa Khánh Nam để xây dựng xưởng sản xuất với diện tích đất từ 3.500 - 5.000m2 và sớm thoát khỏi cảnh bức bối và rủi ro có thể xảy ra do mặt bằng sản xuất hiện nay quá chật chội.
Không chỉ riêng công ty chúng tôi mà các DN nhỏ và vừa khác ở trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam nói riêng và quận Liên Chiểu nói chung rất mong muốn thành phố sớm triển khai thực hiện CCN Hòa Khánh Nam càng sớm càng tốt để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các DN.
Ông Trương Phú Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phú Sơn: Cần đẩy nhanh thực hiện cụm công nghiệp Hòa Nhơn
Nhiều DN ở xã Hòa Nhơn, Hòa Khương nói riêng và huyện Hòa Vang đang gặp khó khăn gay gắt về mặt bằng sản xuất và không thể phát triển, mở rộng sản xuất do không có mặt bằng. Nhiều DN đang cố gắng duy trì sản xuất giữa các khu dân cư nhưng bất an và lo sợ xảy ra rủi ro, rất muốn di dời vào một CCN để thuận lợi sản xuất, nhưng không có.
Công ty TNHH Thịnh Phú Sơn thuê đất ở xã Hòa Khương để sản xuất và chờ 5 năm nay để di dời vào sản xuất ở một khu công nghiệp hoặc CCN mà chưa có nơi để di dời vào.
Chúng tôi cũng chờ xây dựng CCN Hòa Nhơn hoàn thành để di dời vào mà đến nay vẫn chưa thấy đâu. Mới đây, trước tình hình bức bách về mặt bằng sản xuất, công ty phải mua đất ở xã Hòa Khương và đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây nhà xưởng, mua máy móc để sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài thì chúng tôi rất lo lắng rủi ro vì đang sản xuất giữa khu dân cư.
Vì thế, đề nghị các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện CCN Hòa Nhơn để bố trí mặt bằng sản xuất cho các DN nhỏ và vừa của huyện Hòa Vang; đồng thời, đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ DN nhiều hơn nữa để mở rộng sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Tài, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Gia Phú: Cần hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương
Nhìn chung, các DN của thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN sau khi tự tìm kiếm mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất thì đối mặt với khó khăn mới là cạnh tranh sản phẩm với các DN, tập đoàn lớn ở trong nước và nước ngoài.
Vì thế, đề nghị các ngành chức năng của thành phố quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm địa phương, nhất là khâu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm mới, giới thiệu kênh tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, các hội và hiệp hội DN quan tâm, giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm của nhau để cùng phát triển, nâng tầm sản phẩm địa phương, vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Trần Minh Dõng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất
Có thể thấy rằng, những năm gần đây, bên cạnh tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, thành phố Đà Nẵng đã có sự quan tâm, hỗ trợ sản xuất công nghiệp, điều này làm cho thành phố ngày càng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng, sự hỗ trợ cho các DN sản xuất còn quá ít, trong khi đó, mặt bằng sản xuất ngày càng khó khăn. Theo tôi, thành phố cần tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các DN vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ để phát triển thành sản xuất lớn. Thành phố cần xem xét và để dành khoản ngân sách lớn hơn để hỗ trợ cho các DN mở rộng sản xuất, phát triển thành các DN lớn.