Ngày 28/11, chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sân vận động (SVĐ) Chi Lăng. Sân vận động Chi Lăng đang là tài sản thi hành án với số tiền hơn 3.900 tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh.
Rất khó thi hành án
Theo ông Thơ, qua rà soát TP. Đà Nẵng nhận thấy được những vi phạm trong quản lý nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng… đối với dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng. Tuy nhiên, do đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa nên không thể thu hồi lại khu đất này để khắc phục các sai phạm đã xảy ra trước đây.
Ông Thơ cho biết, bên cạnh đó với những vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến quản lý đất đai, qui hoạch xây dựng của TP cho thấy quá trình thi hành án sẽ kéo dài gây lãng phí nguồn lực của TP, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, người được thi hành án, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của nhân dân Đà Nẵng.
Đồng thời, quá trình thi hành án kéo dài với những vướng mắc bất cập sẽ phát sinh thêm nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Do đó, cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm vụ việc.
Vì vậy, TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép chính quyền Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.
Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất TP Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đều là dạng ngân hàng 100% vốn nhà nước. Do đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng để cho phép thành phố thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các khu đất tại SVĐ Chi Lăng.
Cấp đất lâu dài là trái pháp luật
Vụ bán SVĐ Chi Lăng gây bức xúc dư luận và có dấu hiệu ưu ái cho doanh nghiệp. Đơn cử, ngày 13-9-2010, Hội đồng thẩm định giá đất TP Đà Nẵng đã báo cáo và trên cơ sở ý kiến thống nhất kết luận của chủ tịch và các phó chủ tịch, văn phòng UBND TP đã lập thủ tục, trình lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng xem xét ban hành quyết định qui định giá đất để kêu gọi đầu tư dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ tại khu đất SVĐ Chi Lăng.
Theo đó, qui định giá đất (đơn giá đất ở), thời hạn sử dụng đất lâu dài đối với khu đất có diện tích 55.061 m2 để kêu gọi đầu tư khu thương mại dịch vụ cao tầng là 25,3 triệu đồng/m2.
Việc bán SVĐ Chi Lăng diễn ra nhanh chóng một cách đáng ngờ.
Ngày 7-10-2010, Công ty quản lý khai thác đất có báo cáo do không có đơn vị khác tham gia đầu tư dự án, vì vậy UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho phép công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh được đầu tư vào dự án theo đơn giá chuyển quyền sử dụng đất.
Điều kiện đặt ra là trong trường hợp chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (đối với phần diện tích 55.061 m2) thì được giảm 10% tiền sử dụng đất trên tổng số tiền phải nộp.
Giảm 10% tiền sử dụng đất sai qui địnhNgày 25-11-2010, Công ty quản lý và khai thác đất lại có báo cáo về việc liên quan đến nộp tiền sử dụng đất đối với dự án. Nếu nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thì được giảm 10% số tiền sử dụng đất phải nộp. Tuy nhiên, việc giảm 10% tiền sử dụng đất là không đúng qui định pháp luật về đất đại. Điều đáng nói ở đây là khu đất này để xây dự án thương mại dịch vụ nhưng lại được UBND TP. Đà Nẵng bán theo giá đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài là trái qui định pháp luật. |