Những cuộc viễn chinh mới
Địa bàn mà các nhà đầu tư này nhắm đến không chỉ là Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc mà xa hơn là các tỉnh miền Trung.
Mặc dù đã có trong tay hàng chục dự án nhà ở tại TP.HCM, nhưng từ cuối năm 2018, Novaland đã khởi động chiến lược đầu tư vào mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Theo kế hoạch, trong năm 2019, doanh nghiệp này sẽ nhắm vào hai lĩnh vực trọng tâm là là bất động sản và dịch vụ du lịch.
Trong đó, tập đoàn này sẽ triển khai mạnh mảng dịch vụ du lịch NovaTourism với ba thương hiệu sản phẩm chính là NovaHills Phan Thiết, Bình Thuận, NovaBeach tại Cam Ranh, Khánh Hòa và NovaWorld tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời giới thiệu thêm khoảng 2.300 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng đánh tiếng tham gia bất động sản nghỉ dưỡng. Ngay từ đầu năm 2019, doanh nghiệp này đã góp vốn thành lập hai công ty con ở Phú Quốc và rạch giá với tỷ lệ sở hữu 100% vốn.
Nhiều khả năng, việc thành lập hai công ty con này là để thực hiện kế hoạch mở rộng ngành nghề sang lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng như kế hoạch đã công bố trong tháng 3/2018. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ cho ra mắt dự án Ocean Lotus có quy mô 245ha tại đảo ngọc Phú Quốc.
Hay như Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, chủ đầu tư khu đô thị Dragon City có diện tích 65ha tại TP.HCM, cũng có những hướng đi mới trong năm 2019. Đó là “lấn sân” sang bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc và Nha Trang, đồng thời sẽ mở rộng quỹ đất tại Hà Nội.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển trở lại trong thời gian gần đây, nguyên nhân phần lớn đến từ nguồn cầu gia tăng và sự cải thiện của cơ sở hạ tầng.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, cho rằng từ một điểm đến mang tính trải nghiệm với ít lựa chọn về lưu trú và giải trí, thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang chuyển mình trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng với sức hấp dẫn và khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người, tăng gần 20% so với năm 2017. Trong hai tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt khoảng 3,1 triệu lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
“Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ trong hai năm gần đây mà trong suốt một thập kỷ vừa qua với tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế được ghi nhận cao gấp ba lần so với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu và gấp hai lần so với tỷ lệ tăng trưởng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương”, ông Mauro nói.
Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng với các đường bay quốc tế mới, chính sách khích lệ từ chính phủ và sự đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân đã góp phần tạo đà phát triển cho thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Còn theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam, vấn đề lớn nhất của các bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và ngành du lịch của các tỉnh nói chung là hạ tầng du lịch.
“Để đạt được mục tiêu trên, các chủ đầu tư phải cân đo đong đếm để cân bằng giữa khai thác kinh doanh, đóng góp vào kinh tế, đồng thời bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, bản sắc của các địa phương và bảo vệ môi trường”, ông Wyatt nói.
Theo ông, để phát triển được các dự án thành công ở các tỉnh, các chủ đầu tư nên đầu tư nghiên cứu để tìm ra những loại hình bất động sản mới phù hợp với đặc điểm phát triển của từng địa phương, xu hướng nguồn cung và nhu cầu trong tương lai cũng như dự phòng tính cạnh tranh đến từ các kênh đầu tư khác. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư nên chú trọng xây dựng những dự án có hệ sinh thái hợp lý để tạo tiền đề khai thác dự án trong dài hạn.
Kênh đầu tư tiềm năng
Đánh giá về thanh khoản của loại hình condotel và biệt thự biển, ông Wyatt cho biết trong vòng một năm trở lại đây, khi thị trường đã có những bước tiến mới, phát triển theo xu hướng thận trọng hơn, lượng người mua lướt sóng cũng nhanh chóng giảm bớt trong cơ cấu nguồn cầu.
“Khả năng thanh khoản của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đang chậm lại trong ngắn hạn do thị trường đang dần ổn định và các nhà đầu tư đang quan sát diễn biến tiếp theo của các dự án đã và sẽ bàn giao, đưa vào hoạt động để đưa ra quyết định tiếp theo của mình”, ông Wyatt nói và dự báo trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ là một kênh đầu tư tiềm năng nhờ vào sự tăng trưởng khả quan của du lịch Việt Nam cũng như khung pháp lý đang dần hoàn thiện cho loại hình bất động sản này.
Tuy nhiên, tính thanh khoản của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có phần thấp hơn so với các loại hình bất động sản truyền thống khác như căn hộ, biệt thự, đất nền… Đối tượng người mua loại hình bất động sản này khá kén, chủ yếu là các nhà đầu tư đã có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở thiết yếu của mình và có tiền nhàn rỗi để đầu tư vào loại hình khác.
Ông Wyatt cũng nói thêm rằng, các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, tiếp đến là các thị trường mới như Hạ Long , Phú Yên, Cát Bà và Hà Tiên sẽ tiếp tục là những điểm nóng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2019./.