Đắk Lắk: Con đường “khốn khổ” tồn tại gần 20 năm

Nhiều năm qua, tuyến đường nối từ trung tâm huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) vào xã Cư K’Bang (huyện Ea Súp), mùa nắng thì bụi bay mù trời, mưa thì trở nên lầy lội, trơn trượt. Tình trạng này gây nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, kinh tế của người dân địa phương.

23:30 02/12/2018

Đây chính là tuyến đường độc đạo dài hơn 10km, nối từ xã Cư K’Bang đến trung tâm huyện Ea Súp. Thời gian qua, người dân xã Cư K’Bang đã phải sống chung với tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng với vô số ổ voi, ổ gà.

Con đường chi chít ổ voi, ổ gà tại xã Cư K'Bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk

Tuyến đường chi chít ổ voi, ổ gà, bụi mù mịt tại xã Cư K'Bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk

Theo quan sát của PV, tuyến đường này có những “hình thù” kỳ lạ, chỗ thì nhô lên, chỗ thì sâu hoắm, có những hố sâu đến hơn nửa mét như để “bẫy” người đi đường.

Người dân sinh sống lâu năm địa phương cho biết, trước đây, tuyến đường đã xuống cấp nhưng vẫn có thể đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do có nhiều xe trọng tải lớn qua lại nên tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ngày càng hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà khiến cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ.

Những hố sâu hoắm

Những hố sâu hoắm "bẫy" người đi đường

Cụ thể, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, bám dính đầy xe, quần áo, giày dép, cộng với những ổ voi, ổ gà nên rất xóc. Tuy nhiên, đến mùa mưa, tuyến đường trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông, bởi trở nên lầy lội, trơn trượt, mặt đường chi chít những ổ voi, ổ gà bị ngập nước khiến các phương tiện giao thông bị mắc kẹt, dễ bị té ngã, việc đi lại trở nên vô cùng nguy hiểm. Trước đây, đã từng có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến đường này.

Người dân ở đây còn cho biết, cung vì sự xuống cấp của tuyến đường nên vào mùa thu hoạch nông sản họ thường bị các thương lái ép giá nông sản. Khi vào thu mua, các thương lái chê đường xấu nên phải tăng chi phí tân trang, sửa chữa xe, do đó giảm từ 3 - 4 giá so với ngoài khu vực trung tâm huyện. Tuy nhiên, người dân đành phải bán bởi nếu không bán thì nông sản sẽ hư hỏng và không có tiền chi phí cho vụ mùa sau.

Cư Kbang là một trong những xã khó khăn nhất của huyện biên giới Ea Súp với hơn 2.300 hộ dân, 10.870 khẩu sinh sống, trong đó 97% là dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí thấp, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc tuyến đường xuống cấp và hư hỏng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và thời gian lên lớp của nhiều giáo viên công tác tại các trường học trên địa bàn xã.

“Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm đầu tư nâng cấp và xây dựng tuyến đường này giúp cho việc đi lại của giáo viên, học sinh và người dân đỡ vất vả, yên tâm khi di chuyển trên tuyến đường này, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông hơn, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra”, một giáo viên Trường Mầm non Cư K’Bang (xã Cư K’Bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ.

Mùa mưa đến là nỗi ám ảnh của người dân địa phương

Mùa mưa đến là nỗi ám ảnh của người dân địa phương

Theo thông tin từ lãnh đạo xã Cư K’Bang, đây là tuyến đường duy nhất mà người dân có thể di chuyển sang các vùng lân cận. Bên cạnh đó, tuyến đường thuộc Dự án đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp có chức năng phát triển, giao thương kinh tế. Nhưng vì đường quá xấu nên việc giao thương với các khu vực khác gặp rất nhiều khó khăn.

Vị này còn cho biết, tuyến đường đã xuống cấp và hư hỏng trầm trọng nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục. Hằng năm huyện cũng bố trí kinh phí để thuê máy ủi san gạt mặt đường giúp người dân đi lại được dễ dàng hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn là đâu lại hoàn đó. 

Theo tìm hiểu, đây là tuyến đường thuộc Dự án đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp, có tổng chiều dài 42km, do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Năm 2010, đơn vị thi công đã tiến hành đổ đất, nâng cấp đường và hoàn thành gần 2km đường thuộc địa phận xã Ea Lê. Tuy nhiên, dự án bị dừng lại từ thời điểm đó vì thiếu vốn.

Phương Hoài

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Con đường “khốn khổ” tồn tại gần 20 năm tại chuyên mục Tây Nguyên của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận