Đáng nói dù đã giao đất, cho thuê đất nhưng một số vẫn chưa làm hợp đồng nên chưa thực hiện nghĩa vụ thuế; một số đã hết hạn hợp đồng nhưng “quên” ký lại...
Ở Cà Mau, báo cáo Sở TNMT cho biết, toàn tỉnh có hơn 11.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở, làm cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa làm nghĩa vụ hơn 145,9ha. Sở này nhận định công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng một số nơi còn hạn chế, có biểu hiện buông lỏng quản lý, dẫn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sai mục đích nhưng không phát hiện hoặc không xử lý kịp thời. Mới đây Thanh tra tỉnh công bố kết luận thanh tra có đến 143 bộ hồ sơ ở Thành phố Cà Mau từ 2014 - 2016 các cấp chính quyền ở đây đã lấy đất do Nhà nước quản lý cấp cho hộ dân, chuyển đối mực đích thành đất ở.
Tại Bạc Liêu tình trạng cũng không khá gì hơn. Nghiêm trọng hơn là diện tích đất công trên địa bàn tỉnh được giao cho địa phương quản lý lên đến 2.678ha. Trong đó, mới quản lý sử dụng 878ha, chưa sử dụng đến 1.672ha; bị lấn chiếm 26ha. Đó là con số báo cáo chính thức, tuy nhiên theo đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bạc Liêu, con số “bị lấn chiếm” lớn hơn nhiều so với được biết, bởi nhiều địa phương chưa báo cáo chính thức về đất công. Sở dĩ Bạc Liêu, Cà Mau đất công nhiều, do “lịch sử để lại”. Bởi trước đây Bạc Liêu, Cà Mau là tỉnh chung (tỉnh Minh Hải), thời đó, Tỉnh ủy Minh Hải có chủ trương cấp đất cho các tổ chức, cơ quan, đoàn thể để tự sản xuất làm kinh tế gọi là đất tự túc. Sau khi trả lại, hai địa phương này giao cho UBND xã quản lý.
Chuyện chính quyền cơ sở quản lý đất công bỏ mặc để dân lấn chiếm làm tài sản riêng, mua bán, chuyển nhượng... dẫu có lý giải thế nào đi nữa cũng khó thuyết phục. Sự thiếu trách nhiệm trong quản lý đất công sản không chỉ là kẻ hở cho nhiều cá nhân lợi dụng, mà thậm chí trong số này khả năng còn có không ít của anh Ba, chú Bảy, họ hàng thân quyến... của những người liên quan đến công việc quản lý lĩnh vực này!