Ông Nguyễn Trần Lộc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn, chiều 29/3 cho biết dự án cải tạo rạch Hóc Môn dự kiến đầu tư khoảng 1.140 tỷ đồng. Trong đó gần 510 tỷ đồng phần xây dựng, còn lại giải phóng mặt bằng với gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Rạch dài gần 5km, rộng 4 - 10m, từ đường Tô Ký đến sông rạch Tra. Đoạn qua trung tâm huyện hiện xây kiên cố, còn đoạn từ thị trấn Hóc Môn đến sông Rạch Tra còn bờ đất, đang gia cố tạm.
Theo đề xuất của huyện, việc cải tạo tuyến rạch này tách thành hai dự án thành phần. Dự án một thực hiện từ đường Tô Ký đến cầu Bến Nọc, dài khoảng 3,7 km, tổng vốn hơn 999 tỷ đồng. Khu vực này chia thành từng đoạn mở rộng, gia cố bờ; một số đoạn làm cống hộp và xây đường phía trên kết hợp trồng cây xanh. Dự án hai từ cầu Bến Nọc đến sông Rạch Tra, dài hơn 2,7 km, tổng vốn gần 140 tỷ đồng do tận dụng các mái kè hiện hữu và chủ yếu gia cố bờ, nạo vét.
Đoạn từ cầu Bến Nọc đến sông Rạch Tra, UBND huyện Hóc Môn đề xuất sẽ dùng vốn của địa phương thực hiện. Riêng đoạn từ đường Tô Ký đến cầu Bến Nọc sẽ sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư.
Theo ông Lộc, rạch Hóc Môn hiện là tuyến thoát nước chính cho trung tâm huyện và là nơi các rạch Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Trưng Nữ Vương... đổ vào, phục vụ thoát nước cho lưu vực 1.400ha. Tuy nhiên rạch chỉ đáp ứng khoảng 50% do rác thải khiến dòng chảy bị thu hẹp cùng quá trình đô thị hoá nhanh, làm hạn chế khả năng thoát nước. Do đó, huyện đánh giá việc đầu tư cải tạo rạch Hóc Môn là "cần thiết và cấp bách", góp phần giải quyết ngập úng, tạo đường mới dọc bên, thuận tiện cho người dân đi lại.
Ngoài dự án này, huyện Hóc Môn cũng đề xuất làm tuyến song hành đường Phan Văn Hớn, thay vì nâng cấp đường hiện hữu. Tuyến này dự kiến xây dựng từ quốc lộ 1 đến Vành đai 3, dài 8,5km, rộng 30m. Vốn đầu tư dự án hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 1.764 tỷ đồng, còn lại bồi thường giải phóng mặt bằng cho 233 hộ dân bị ảnh hưởng.
6 năm trước, dự án nâng cấp, mở rộng đường Phan Văn Hớn dài 8,5km, rộng 40m được HĐND TP.HCM duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện giai đoạn 2016 - 2021. Tuy nhiên công trình chưa triển khai do khó khăn về vốn. Trước nhu cầu cấp bách giải quyết ngập úng và kẹt xe, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (nay là Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải), đã sửa tuyến đường này theo hiện trạng với chiều rộng 8m, vỉa hè mỗi bên 1,5m.
Tuy nhiên theo UBND huyện Hóc Môn, việc này chỉ giải quyết ngập úng trước mắt, còn áp lực giao thông vẫn căng thẳng. Vài năm tới, đường Phan Văn Hớn dự báo sẽ quá tải trước lưu lượng xe tăng cao. Vì vậy huyện cho rằng việc đầu tư tuyến song hành phù hợp hơn, thay vì nâng cấp đường hiện hữu. Việc xây dựng tuyến song hành cũng thuận lợi do đi qua đất nông nghiệp, chưa có nhiều công trình, dễ giải phóng mặt bằng. Đường mới khi hoàn thành giúp chia sẻ lưu lượng xe với đường hiện hữu; tăng giá trị đất dọc bên.
Trước đó tại buổi làm việc liên quan kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 hôm 25/3, UBND huyện Hóc Môn cũng đề xuất lãnh đạo thành phố chấp thuận chủ trương ưu tiên đầu tư hai dự án này từ nay đến năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình đã giao các sở, ngành liên quan tổng hợp, tham mưu thành phố xem xét, quyết định.
Nằm ở cửa ngõ tây bắc TP.HCM, huyện Hóc Môn rộng gần 110km2, dân số hơn 462.000. Trong Kế hoạch chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030, mới được Sở Nội vụ trình UBND thành phố, Hóc Môn cùng huyện Bình Chánh và Nhà Bè sẽ thành quận trước năm 2025. Những năm qua, Hóc Môn được đánh giá tốc độ đô thị hoá nhanh. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở huyện được hình thành, không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.