Ngày 19/2, Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh đã họp dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh để đề ra kế hoạch cho năm 2019 và những năm tiếp theo với những định hướng đáng chú ý.
Quan tâm hơn “sức khỏe” thực chất của doanh nghiệp
Theo thống kê, hiện nay, Ðồng Nai đã có trên 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó phần lớn là doanh nghiệp dân doanh. Ðây là số lượng doanh nghiệp khá lớn và được khẳng định là lực lượng kinh tế có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là “sức khỏe” thực chất của nhiều doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Công Thương Dương Minh Dũng cho hay, trong số 34.000 doanh nghiệp nói trên, qua theo dõi của ngành Thuế, con số thực tế có đóng thuế khoảng 17.000 doanh nghiệp. Tức chỉ chiếm phân nửa số lượng doanh nghiệp đã thành lập, con số đó chỉ ra sự bất cập của công tác quản lý, phát triển doanh nghiệp.
“Thời gian qua, chúng ta mới chỉ chạy theo chỉ tiêu hằng năm, chú trọng đến số lượng mà chưa có những định hướng phát triển lâu dài”, Giám đốc Sở Công thương nhận xét.
Sự yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp, theo ông Dũng được thể hiện qua tình trạng hiện vẫn chưa có thống kê đầy đủ số doanh nghiệp còn hoạt động hoặc đã dừng hoạt động… Bên cạnh đó, việc định hướng sản xuất chưa theo kịp thị trường khiến sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp thiếu sức cạnh tranh, thua trên sân nhà về chất lượng lẫn mẫu mã…
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Ðồng Nai có tổng đàn heo, gà và nhiều loại cây ăn trái đứng nhất, nhì cả nước, nhưng còn yếu trong xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chế biến sâu...
Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh thừa nhận, các sản phẩm nông nghiệp của Ðồng Nai chủ yếu bán nội địa, chỉ một vài mặt hàng đơn lẻ, số lượng không đáng kể được xuất đi nước ngoài. Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện có tới 60% sản phẩm cung cấp cho địa bàn TP.HCM.
Ông Vinh cho rằng, muốn các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế thì phải có chỉ dẫn địa lý, mà điều này không chỉ Ðồng Nai mà cả nước còn yếu. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức hô hào chung chung chứ chưa có triển vọng đáng kể.
Tương tự, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong các năm 2017 và 2018, có đến 40% số lượng dự án đầu tư vào Ðồng Nai thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó ban quản lý các khu công nghiệp Mai Văn Nhơn, mục tiêu thu hút các doanh nghiệp lớn để hướng tới hợp tác, chuyển giao công nghệ cũng như kéo theo sự phát triển doanh nghiệp phụ trợ của tỉnh không đạt như mong muốn. Theo ông Nhơn, về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm có thể cải thiện dần dần song ngay từ ban đầu, tiêu chuẩn để hợp tác với các doanh nghiệp FDI rất khắt khe.
Doanh nghiệp FDI yêu cầu rất cao về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường nhà xưởng, vấn đề an toàn sản xuất, quy mô doanh nghiệp trước khi đàm phán ký hợp đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp nội hầu hết sản xuất nhỏ, nằm rải rác trong khu dân cư, khó đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên nên rất ít đơn vị hợp tác được với doanh nghiệp FDI.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, từ những bất cập nói trên, đặt ra yêu cầu cho Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh phải đánh giá lại chiến lược phát triển, từ việc thu hút vốn FDI; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Ðồng thời, Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tỉnh cần chỉ rõ những bất cập trong công tác quy hoạch dẫn đến nhiều dự án thu hút được doanh nghiệp đầu tư nhưng không thể triển khai, làm mất cơ hội cho cả doanh nghiệp lẫn của tỉnh.
Phải xây dựng dữ liệu cho nền kinh tế
Ðể công tác quản lý hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu phải xây dựng được hệ thống dữ liệu kinh tế trong từng lĩnh vực như: cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, dữ liệu về doanh nghiệp, có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản...
Tinh thần chung là khi dự án được triển khai, các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm đến doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện theo đúng quy định pháp luật chứ không phải chờ doanh nghiệp đến xin làm việc…
Ðối với thu hút vốn FDI, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng cũng cần phải nhìn nhận lại hiệu quả, đóng góp thực sự đối với nền kinh tế và sức mạnh doanh nghiệp nội chứ không đơn thuần chạy theo các con số.
Ðể có thể đón đầu và tận dụng được làn sóng đầu tư mới, điều quan trọng là phải có các chính sách quản lý minh bạch, phù hợp, qua đó chọn lọc được những dự án góp phần tạo ra cơ hội phát triển mạnh, bền vững hơn cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Cần sớm rút ra được những bài học trong quá trình thu hút đầu tư FDI để có chuyển hướng phù hợp theo hướng thu hút được các dự án có thể làm đối trọng, tạo động lực và làm chất xúc tác để thu hút thêm các dự án mới. Chúng ta có những kết quả tốt trong thu hút đầu tư nhưng nếu đánh giá lại cũng có thể đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khác, trong đó có cơ hội để phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Ðây chính là nhiệm vụ đặt ra để có thể đón bắt được xu hướng đầu tư mới, không bỏ lỡ cơ hội phát triển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định.