Theo đó, việc di dời phải hoàn thành trước 12h trưa ngày 24/11. Dự kiến ngày mai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ có mặt ở Cần Giờ kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó với bão.
Theo thông tin từ UBND huyện Cần Giờ, huyện đang lên phương án phòng chống lụt bão số 9. Cụ thể, địa phương đã rà soát lại toàn bộ công trình kiên cố để di dời người dân đến trú báo, theo sát tình hình dự báo thời tiết.
Đồng thời, lên phương án di dời người dân ở bảy xã/thị trấn đến nơi trú tránh bão an toàn, chuẩn bị sẵn lực lượng hỗ trợ di dời. Hỗ trợ dân chèn chống nhà cửa, đặc biệt là những bà con ở khu trũng thấp, có nguy cơ sạt lở cao, bà con nuôi trồng thủy hải sản sẽ di dời hết. Dự kiến số lượng di dời khoảng 4.100 người.
Bên cạnh đó, huyện cũng thông báo để tàu thuyền xa bờ nhanh chóng quay vào bờ.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đây cũng không phải là lần đầu tiên huyện này chuẩn bị công tác phòng chống bão. Nhưng với cơn bão số 9 được dự báo là mạnh, vào gần bờ, di chuyển chậm, gây mưa lớn, nên chính quyền địa phương rất chú ý đến mưa lớn, giông, lốc xoáy. Vì vậy, tất cả những biện pháp ứng phó thiên tai trong bão phải kỹ hơn, chú trọng hơn.
Trước đó, ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, bão sẽ đổ bộ vào khu vực Đông Nam Bộ, trong đó 60 - 70% bão đổ bộ trực tiếp vào TP.HCM.
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 24/11, tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 70km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 130km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 270km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Thời điểm bão đổ bộ vào khoảng đêm 24 rạng sáng 25/11. Khi vào bờ bão sẽ yếu đi nhưng vẫn còn duy trì áp thấp một thời gian dài mới tan. Vì vậy, ngoài gió bão, mưa cũng sẽ kéo dài.
Đến 10h ngày 25/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.