Ông Lê Văn Dành cũng cho rằng có phần trách nhiệm của các sở, ngành liên quan khi đã cấp điện, nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan; trong đó, xác định ai ký giấy phép kinh doanh, cấp phép tạm, cấp điện, nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp và hướng xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm
Trước đó, ngày 8/1, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành giám sát công tác quản lý đất đai tại Đồng Nai. Đối với việc xây dựng trái phép của hàng chục doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phước Tân, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Gần 50 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng lớn nhưng tại sao chính quyền không nắm được. Phải làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị cá nhân. Việc cấp điện, cấp nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp hoạt động, trách nhiệm thuộc về ai, hướng xử lý ra sao?
Trước đó, Reatimes đã nhiều lần phản ánh tình trạng Cụm công nghiệp Phước Tân (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa) có diện tích 72 ha, dù chưa được tỉnh Đồng Nai cấp phép nhưng một doanh nghiệp đã tự ý phân lô bán lại cho hàng chục đơn vị, cá nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan.
Điển hình trong số đó là Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ bất động sản Việt Bảo Minh (Công ty Việt Bảo Minh) đã tự ý phân lô, bán nền cho doanh nghiệp và người dân xây xưởng, nhà ở trái quy định tại cụm công nghiệp Phước Tân.
Theo đó, vị trí Cụm công nghiệp Phước Tân (tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) nằm giáp ranh giữa phường Long Bình, Khu du lịch Vườn Xoài (xã Phước Tân) và Khu công nghiệp Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Trong đó, 90% diện tích là của chủ đầu tư (Công ty Việt Bảo Minh), số còn lại là đất của người dân.
Theo tìm hiểu, tháng 2/2015, Cụm công nghiệp Phước Tân được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ, dự thảo văn bản để UBND tỉnh báo cáo và xin ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng về quy hoạch này.
Đến tháng 10/2016, UBND TP. Biên Hòa có công văn gửi Công ty Việt Bảo Minh nêu rõ vị trí khu đất mà công ty xin lập cụm công nghiệp nằm trong khu vực có chức năng quy hoạch định hướng là đất trồng cây xanh, công viên rừng trồng. Bên cạnh đó, căn cứ theo các quy định của Chính phủ về thành lập cụm công nghiệp, UBND TP. Biên Hòa xác định vị trí khu đất trên không phù hợp với mục tiêu đầu tư nên không có cơ sở để thành lập Cụm công nghiệp Phước Tân như yêu cầu của Công ty Việt Bảo Minh.
Do UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương nên UBND TP. Biên Hòa yêu cầu Công ty Việt Bảo Minh lập hồ sơ trình cho các cơ quan chức năng thẩm định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho điều chỉnh, cập nhật chức năng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của khu đất phù hợp với mục tiêu đầu tư. Cùng với đó, UBND TP. Biên Hòa cũng yêu cầu Công ty Việt Bảo Minh xem xét các ý kiến đóng góp của các đơn vị chức năng để hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở để UBND thành phố báo cáo cấp trên.
Mục tiêu hướng đến của tỉnh Đồng Nai về vấn đề làm cụm công nghiệp là để di dời các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào đây sản xuất, tập trung một số ngành nghề chủ lực, tránh ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo công ăn việc làm cho những lao động xung quanh.
Tuy nhiên, từ năm 2015, Công ty Việt Bảo Minh do cá nhân là bà Lê Thị Giàu (chủ doanh nghiệp) đã không làm các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng hạ tầng, mà lại gom đất, phân lô, bán nền bằng giấy viết tay cho nhiều người dân và doanh nghiệp với mục đích xây dựng nhà ở và kho xưởng ngay trong cụm công nghiệp.
Trước thực trạng đáng báo động trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về xây dựng tại cụm công nghiệp Phước Tân. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ, cá nhân vi phạm liên quan trong việc để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp đầu tư tại cụm công nghiệp xây dựng không có giấy phép.
Bên cạnh đó, theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, sự việc này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vì Cụm công nghiệp Phước Tân đã được Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đất. Diện tích 72ha đất đô thị loại 1 được cho làm Cụm công nghiệp Phước Tân đã bị doanh nghiệp làm trái quy hoạch gây hậu quả nghiêm trọng cho quá trình phát triển của địa phương.
Thực hiện ý kiến trên, ngày 22/5/2018, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND xã Phước Tân thực hiện kế hoạch cưỡng chế đối với những công trình sai phạm.
Qua quá trình kiểm tra, phát hiện ra 52 cơ sở sản xuất xây dựng trên diện tích gần 18ha, trong đó có 6 cơ sở do bà Giàu đứng tên.
Lúc này, nhiều doanh nghiệp và người dân đã trót làm giấy tờ mua bán trao tay đối với bà Lê Thị Giàu lâm vào cảnh hoang mang khi chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế và ép phải tháo dỡ hàng loạt nhà xưởng tại khu đất do bà Giàu làm chủ đầu tư vì đã mua bán, xây dựng trái quy định của pháp luật.
Theo nguồn tin của phóng viên Reatimes, bà Lê Thị Giàu đã không xuất hiện ở cụm công nghiệp Phước Tân trong một thời gian dài. Đồng thời, bà Giàu, người đã đứng ra phân lô, bán nền cho các cá nhân, doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phước Tân cũng từng dính nhiều lùm xùm trong quá khứ.
Cụ thể, năm 2009, Công ty Tấn Hưng (một công ty khác do bà Giàu đứng tên) đã tự ý đóng cọc trái phép trên sông Chợ Đệm thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cụ thể, hơn 30 cột điện loại lớn, được Công ty Tấn Hưng tận dụng làm cọc bê tông đang cắm thẳng xuống lòng sông. Sau đó, cơ quan chức năng đã tống đạt quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Tấn Hưng.
Ở một diễn biến khác, theo thông tin của phóng viên, hiện nhiều doanh nghiệp và hộ dân tại cụm công nghiệp Phước Tân đang làm đơn gửi các cơ quan chức năng để “tố” Công ty Việt Bảo Minh và cá nhân bà Lê Thị Giàu về hành vi mua bán trái quy định nêu trên./.