Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong các dự án hạ tầng đang mời gọi đầu tư có 6 dự án đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải với tổng vốn hơn 806,3 triệu USD. Làm đường giao thông có 6 dự án và tổng vốn đầu tư khoảng 410,6 triệu USD.
Cụ thể, dự án đầu tiên mà UBND tỉnh đang mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng là tuyến hương lộ 10 đoạn từ trung tâm huyện Cẩm Mỹ đi quốc lộ 1. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 24,5km, mặt đường rộng 11m, vốn đầu tư khoảng 26 triệu USD. Dự án thứ 2 là đường từ huyện Trảng Bom tới huyện Xuân Lộc dài khoảng 50km, mặt đường rộng 7m, vốn đầu tư là 50 triệu USD. Tiếp đến là tuyến đường liên cảng huyện Nhơn Trạch dài hơn 15km, rộng 38m và kinh phí đầu tư 235,6 triệu USD.
Dự án đường ra cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) dài khoảng 6km, vốn đầu tư ước 43 triệu USD; dự án cầu Thống Nhất và đường nối 2 đầu cầu khoảng 45 triệu USD nhằm thúc đẩy phát triển cù lao Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Cuối cùng là tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa tới quốc lộ 1K dài 2,4km và vốn đầu tư 11 triệu USD.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết: “Tỉnh đang mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn, kết nối với nhau. Hệ thống giao thông hoàn chỉnh sẽ thúc đẩy kinh tế các khu vực đó phát triển mạnh hơn. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, tỉnh cũng ưu tiên nguồn vốn để đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông”.
Thực tế cho thấy, những khu vực hạ tầng giao thông tốt, vận chuyển hàng hóa và lưu thông thuận lợi thì dân cư sẽ đến sinh sống đông đúc, dẫn đến thương mại, dịch vụ cũng phát triển hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Tỉnh đã có quy hoạch mạng lưới giao thông ở các địa phương khá chi tiết. Những dự án nào khi xây dựng xong tạo được sức bật lớn cho sự phát triển của địa phương, vùng thì tỉnh sẽ dành vốn làm trước”.
Đi đôi với đó, UBND tỉnh đã quy hoạch và lên danh sách các dự án xây dựng hệ thống, nhà máy xử lý nước thải cho các khu đô thị. Trong đó, sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, đồng thời tỉnh cũng ưu tiên vốn để đầu tư xây dựng nhằm góp phần nâng cao chất lượng đô thị.
TP. Biên Hòa có 2 dự án là: hệ thống thoát, xử lý nước thải cho 9 phường nội ô và hệ thống thu gom nước thải về trạm xử lý với tổng vốn trên 357 triệu USD. 4 dự án còn lại là dự án thoát nước, xử lý nước thải cho TP.Nhơn Trạch, TX.Long Khánh, thị trấn Long Thành và thị trấn Trảng Bom. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư còn ít quan tâm đến các dự án thoát nước, xử lý nước thải đô thị nên tỉnh dự tính sẽ làm bằng nguồn vốn ODA.
Theo ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, ngoài kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông, công nghiệp... huyện mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của địa phương để đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Ông Chung Minchul, Phó Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho hay: “Gần đây, ngoài công nghiệp, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm và muốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng của tỉnh nên rất muốn biết chi tiết về các dự án để cân nhắc trong việc lựa chọn đầu tư. Vì thế, tỉnh có thông tin cụ thể của từng dự án hạ tầng giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc và Tổng lãnh sự quán sẽ làm cầu nối chuyển tải cho những doanh nghiệp nước này đang muốn đầu tư vào Đồng Nai”.
Không chỉ riêng doanh nghiệp Hàn Quốc, gần đây doanh nghiệp Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng quan tâm và muốn đầu tư vào các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh.