Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, 10 tháng năm 2018, UBND tỉnh cấp mới 151 dự án trong nước với vốn đầu tư đăng ký mới 18.148 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh có 1.602 dự án với số vốn đăng ký 184.161 tỉ đồng.
Đối với dự án đầu tư từ nước ngoài, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh cấp mới 69 dự án với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 366 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 951 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn hơn 6.009 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD.
Đặc biệt, thời gian qua, để đón làn sóng đầu tư, tỉnh đầu tư nguồn lực lớn hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng hạ tầng, trong đó, việc phát triển hệ thống giao thông, tạo kết nối thuận lợi với các địa phương trong khu vực đã tạo nên sức hấp dẫn đáng kể đối với nhà đầu tư.
Đến nay, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030 và cũng đã sẵn sàng cho việc đón làn sóng đầu tư từ TP.HCM lan tỏa đến. Cụ thể, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến Quốc lộ N1, N2, 14C…
Trong đó, xương sống mạng lưới đường bộ tỉnh Long An gồm các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ. Điển hình như tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng, còn dự án Quốc lộ N2 đã hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa-Mỹ An, tuyến Quốc lộ N1 đang trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Theo quy hoạch, tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TP.HCM) đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Và 2 tuyến Quốc lộ 50 và 62 từng bước được duy tu, nâng cấp.
Bên cạnh cao tốc TPHCM-Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành đang được thi công xây dựng. Dự án này sẽ kết nối địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc với quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, dự án đường cao tốc Bến Lức-Hiệp Phước đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Quan trọng hơn hết, mới đây, TP.HCM vừa làm việc với các tỉnh, thành trong vùng về việc điều chỉnh lại hướng tuyến xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư đến 5 tỷ USD. Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Theo đó, đối với địa phận TPHCM, UBND TP.HCM đề nghị giữ nguyên hướng tuyến từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM; từ ga Tân Kiên, tuyến đi song song đường Tân Tạo - Chợ Đệm, tuyến vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và nút giao Chợ Đệm của dự án đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến rẽ phải và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Đối với địa phận tỉnh Long An, tuyến tiếp tục đi trên cao song song tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương, vào ga Thanh Phú (là ga kết nối với nhánh đường sắt ra cảng Hiệp Phước), tuyến đi trên cao vượt qua nút giao Bến Lức và sông Vàm cỏ Đông. Tuyến tiếp tục đi vượt qua khu vui chơi giải trí Happy Land và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc vào ga Tân An. Ra khỏi ga Tân An, tuyến vượt qua sông Vàm cỏ Tây, Quốc lộ 62 và đi hết địa phận tỉnh Long An.
Nhiều nhà đầu tư nhận định rằng chính hệ thống hạ tầng giao thông được nâng cấp và mở rộng, chính sách đầu tư thông thoáng, Long An đang đón làn sóng đầu tư mới của nhiều doanh nghiệp lớn vào bất động sản, phát triển công nghiệp.
Được biết, vào tháng 12/2017, UBND tỉnh Long An đã có chủ trương chấp thuận dự án đầu tư "Khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi, giải trí Vinhomes Đức Hòa - Long An" của Tập đoàn Vingroup. Dự án này có quy mô khoảng 900ha tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa.
Ngoài ra, tại Long An, vào tháng 6/2018, Tập đoàn Vingroup tiếp tục được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư dự án "Khu đô thị mới Hậu Nghĩa" với diện tích khoảng 200ha tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Tập đoàn Vingroup cùng các sở, ngành, địa phương liên quan đang tiến hành khảo sát, lập quy hoạch xây dựng chi tiết, lập dự án đầu tư.
UBND tỉnh cũng chấp thuận chủ trương của Tập đoàn Hoàn Cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh với 3 dự án lớn: Sân golf với 36 lỗ golf (khoảng 200ha); phát triển nông, lâm nghiệp (khoảng 1.168ha) và năng lượng điện mặt trời (1.000ha).
Theo đại diện Tập đoàn Hoàn Cầu tại Long An, ngoài những dự án đầu tư này, Hoàn Cầu tiếp tục đăng ký đầu tư các dự án phát triển khác về đô thị kết hợp du lịch sinh thái tại Long An trong thời gian tới.
Cùng với Vingroup, Hoàn Cầu, nhiều tập đoàn khác: Thành Thành Công, Him Lam Land, Băng Dương, T&T Group, Nguyễn Kim, Vạn Thịnh Phát,... cũng quan tâm, đề xuất chủ trương đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, năng lượng điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Long An.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, từ cuối năm 2017 đến nay, BĐS tại Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn “sốt” đất nền, nhất là tại khu vực các huyện giáp ranh TP.HCM: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, thậm chí lan tới cả thị xã Kiến Tường.
Hiện nay, đất nông nghiệp tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh có giá khoảng 1 tỉ đồng/1.000m2. Còn tại các vùng ranh TP.HCM như Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, con số đó tăng từ 2-3 lần.