Xóa bỏ một phần “ký ức Đà Lạt”
Khu vực quy hoạch rộng 30ha, thuộc phường 1, TP.Đà Lạt được chia làm 5 phân khu, trong đó chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai (rộng 6,95ha) là chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường, phố đi bộ cũng là trung tâm thương mại và nơi có bãi đậu xe ngầm. Quy hoạch định hướng khu trung tâm Hòa Bình (rộng 3,37ha) sẽ là khu giải trí đa chức năng để phục vụ người dân và du khách.
Khi các công trình được xây dựng, rạp hát Hòa Bình vốn đang bị xuống cấp sẽ bị đập bỏ. Khu vực đồi Dinh (rộng 4,43ha), nơi có tòa Dinh Tỉnh trưởng sẽ được di dời nguyên khối đến vị trí mới, nhường khuôn viên để xây khu thương mại, dịch vụ cao cấp…
Cũng theo quy hoạch mới, thiết kế rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng, có diện tích 4,43ha là khu thương mại, dịch vụ cao cấp có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi để tạo điểm nhấn và mở thêm đường giao thông quanh Dinh.
Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, người yêu Đà Lạt lập tức phản đối, cho rằng nếu quy hoạch này đi vào thực tế, các công trình kiến trúc lịch sử mang yếu tố “biểu tượng” của Đà Lạt là rạp hát Hòa Bình, tòa Dinh Tỉnh trưởng sẽ được thay thế hoặc cải tạo, đập bỏ. Một phần ký ức Đà Lạt không chỉ bị xóa bỏ mà thay vào đó bằng một kiến trúc hiện đại, không hài hòa với môi trường, thậm chí xung đột với một thành phố du lịch với những đồi thông mộng mơ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch phát triển đô thị Đà Lạt là phù hợp trong giai đoạn hiện nay nhưng không vì thế mà bê nguyên ý tưởng của các thành phố lớn để áp đặt vào Đà Lạt.
Một bản quy hoạch đưa ra dư luận luôn luôn nhận được ý kiến trái chiều. Với Đà Lạt, việc phá bỏ một số công trình gắn một giai đoạn lịch sử là điều nhạy cảm, cần lấy ý kiến của người dân và chuyên gia.
Đà Lạt không là “của riêng” Lâm Đồng
Ông Nguyễn Văn Thế (72 tuổi), một người dân sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, không đồng tình với việc di dời Dinh Tỉnh trưởng. Theo ông, rạp Hòa Bình tuy kiến trúc không có gì đặc biệt, lại xuống cấp nhưng với người dân Đà Lạt, có giá trị lịch sử và giống như một biểu tượng. Riêng với Dinh Tỉnh trưởng thì phần lớn người dân không đồng tình với việc di dời, bởi có thể gây hại đến di tích. Theo KTS Bùi Thị Kim Dung, rạp Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng từ lâu đã trở thành biểu tượng của người Đà Lạt. Việc đưa ra quy hoạch trong đó đề cập để chuyện thay thế, phá bỏ sẽ gây tiếc nuối.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, Đà Lạt lâu nay đã quá tải với hàng loạt nhà cao tầng mọc lên như nấm, những nét đặc trưng như rừng thông ngày càng thu hẹp do sự tác động của con người.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chia sẻ: Đà Lạt chưa bao giờ là của riêng Lâm Đồng”. Đà Lạt không chỉ là lá phổi xanh mà còn là xứ sở thần tiên, xứ sở mộng mơ của người Việt. Người dân, du khách cả nước đến với Đà Lạt là để ngắm nhìn, để hít thở, để mộng mơ chứ không phải là để mua sắm. Quy hoạch lại để phát triển, chống xuống cấp là cần thiết nhưng không nên kính hóa, bêtông hóa thành phố ngàn hoa.
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Xây nhà cao tầng là sai lầm chiến lược về quy hoạch” Thứ nhất, Đà Lạt đang bắt đầu xu hướng mới là xây nhà trên đỉnh đồi. Đây là sai lầm chiến lược về quy hoạch. Bởi vì xây dựng một dự án như khu Hòa Bình có khối tích rất lớn, cao 10 tầng trên đỉnh đồi thì sẽ phá hỏng giá trị của Đà Lạt. Người ta tới Đà Lạt để ngắm thiên nhiên chứ không phải ngắm nhà cao tầng. Xu hướng này cũng thể hiện ở sai lầm trước đây, người ta từng dựng 1 khối tích lớn như vậy ở khu trung tâm hành chính. Không chỉ trung tâm hành chính hay khu Hòa Bình mà có nhiều dự án khác đang theo xu hướng này. Cứ lựa đỉnh đồi, chặt thông xây nhà cao tầng, điều này đi ngược định hướng chiến lược vạch ra bởi nhiều hội thảo từ trước. Nhiều thế hệ lãnh đạo Đà Lạt đã chỉ ra là nên xây như một thành phố trong rừng, rừng trong thành phố. Công trình có cao thì cũng phải thấp hơn ngọn cây. Hiện giờ người ta đang phá bỏ nguyên tắc đó mà không biết dựa trên cơ sở nào. Tôi khẳng định đây là một sai lầm lớn trong quy hoạch. Thứ hai, về công trình rạp Hòa Bình, nếu muốn thay đổi công năng thì cứ chỉnh trang bên trong, riêng hình dáng lâu đời của rạp hát này thì nên giữ lại, vì đó là một phần của di sản. Còn nếu đập đi xây lại thì kích thước, chiều cao tòa nhà cũng chỉ như vậy thôi. Bởi vì tòa nhà cũ cũng cao so với khu Hòa Bình, nếu xây nhà 5-7 tầng thì hoàn toàn sai nguyên tắc. Thứ ba, đề án mới đề xuất xây rất nhiều bãi xe ngầm dưới công trình. Đây là tư duy sai lầm về quy hoạch. Bởi vì ở đây đường thì nhỏ, xây bãi xe ngầm là khuyến khích xe cá nhân đi vào nhiều hơn. Trong tương lai, khu này nên cấm bãi đậu xe chứ không phải là xây bãi đậu xe. Muốn đi lên, thì hoặc đi bộ hoặc có xe chở lên, trả khách rồi đi xuống. Phương án trên hoàn toàn là tư duy mét vuông, tạo lợi ích cho nhà đầu tư. Đó là chưa nói tới việc phá hoại môi trường Đà Lạt, vì xây dựng nhiều công trình bêtông và kính sẽ làm nóng cả khu vực. Tôi hy vọng, người ta sẽ xem xét lại dự án này. Dự án không làm Đà Lạt giàu lên, mà ngược lại - chỉ làm Đà Lạt nghèo đi, trong khi các nhà đầu tư bỏ tiền đầy túi. Đơn giản vì khách du lịch thấy Đà Lạt mất bản sắc, không hấp dẫn nữa thì sẽ không tới. PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia quy hoạch đô thị: “Không nên xây tòa cao ốc bức tử trung tâm Đà Lạt” Công trình rạp Hòa Bình tuy không có giá trị về lịch sử và kiến trúc nhưng hiện nay khá hài hòa với khu vực. Nếu bỏ đi thay bằng công trình mới thì phải đảm bảo tính hài hòa, không được xây quy mô lớn hay phá hỏng không gian. Theo tôi, nếu có một công trình được nghiên cứu kỹ càng, với quy mô vừa phải (khoảng 2 tầng), hợp với cảnh quan, có giá trị thay thế tốt thì làm, còn không thì giữ nguyên. Đà Lạt là thành phố nhỏ nên các trung tâm đặt chỗ nào cũng được, nên tránh trung tâm Hòa Bình ra vì khu vực đó đã khá hài hòa. M.T (ghi) |