Chỉ vài tháng kể từ ngày thông tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, ngày 11/10, Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã ký Công điện chỉ đạo các cá nhân và tập thể có trách nhiệm liên đới đẩy nhanh công tác sửa chữa, bảo trì mặt đường. Kèm theo đó, các cơ quan phải dừng thu phí trên toàn tuyến đường này từ 0 giờ ngày 12/10/2018 vì không đảm bảo được chất lượng lưu thông của các phương tiện trên tuyến cao tốc, và yêu cầu phải khắc phục triệt để các hư hỏng, báo cáo Bộ sau khắc phục để kiểm tra trước khi cho thu phí trở lại.
Ngoài ra, Tổng giám đốc VEC phải tổ chức kiểm điểm Ban quản lý dự án và Ban giám đốc do chậm sửa chữa các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin báo chí không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm.
Theo Công điện số 39/CĐ-BGTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẩn Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày 11/10 vừa qua.
Nội dung của Công điện trên cũng nêu rõ: Trên đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn sử dụng vốn JICA (km0 - km65), rất nhiều mặt đường bê tông nhựa bị rạn nứt, nhiều ổ gà, ổ voi làm việc lưu thông xe cộ gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các phương tiện chạy với tốc độ nhanh nếu gặp phải những vết nứt này sẽ rất khó phản ứng kịp thời.
Có những nơi bề rộng của các vết rạn, ổ voi, ổ gà này lên đến 50cm và sâu khoảng 5cm, mặc tính cấp thiết của mặt đường đối với việc tham gia giao thông, việc sửa chữa và khắc phục đoạn đường này lại rất chậm chạp, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông và tính mạng của người dân tham gia giao thông.
Liên quan đến những sai phạm này, Tổng giám đốc Trần Văn Tám – người quản lý vận hành bảo trì dự án và phụ trách trực tiếp đã bị Hội đồng thành viên khiển trách và xử lý kỷ luật. Trong quá trình đảm nhận công việc, ông Tám đã không hoàn thành nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng thành viên nên gây ra hậu quả nặng nề như hiện nay.
Nhận thấy sự ảnh hưởng của đoạn đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Hội đồng thành viên gia hạn cho các nhà thầu cấp tốc sửa chữa đúng yêu cầu kĩ thuật đến ngày 16/10. Sau khi hoàn thành, các nhà thầu cần báo cáo với Bộ GTVT để tiếp tục xem xét việc thực hiện thu phí lưu thông.
Cùng với các chỉ đạo trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu cụ thể trong Công điện: Tổ chức nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc VEC vì đã cố tình trốn tránh trách nhiệm và thực hiện chậm trễ phương án xử lý mặt đường gây ra hiệu ứng dư luận không tốt. VEC bị yêu cầu sửa chữa hư hỏng mặt đường, đồng thời cần tổ chức phân làn giao thông để không xảy ra tai nạn trên đoạn đường đang bảo trì.
Theo thông tin được biết, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có mức đầu tư hơn 34 nghìn tỉ đồng, số ngân sách đầu tư không hề nhỏ nhưng từ khi được thông xe trên đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ (8/2018) và đoạn đường Tam Kỳ - Quảng Ngãi (9/2018) đến nay, Bộ GTVT đã nhận được tin mặt đường xuống cấp trầm trọng.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho rằng: Đoạn đường Đà Nẵng – Tam Kỳ hư hỏng nhiều nhất, chủ yếu bị bong tróc nhựa từ ngày 5/10/2018. Ông cho rằng mưa lớn trước ngày 5/10 trên địa bàn kèm theo việc xe có tải trọng lớn đi qua nhiều làm bong tróc các lớp bê tông nhựa tạo nhám.
Giám đốc Ban quản lý Dự án còn giải thích: “Lớp nhựa đường này chỉ dày khoảng 3 phân nên một số vị trí nước đọng cục bộ, bê tông nhựa dính bám không tốt dẫn đến việc bong tróc mặt đường”.
Qua đó, thấy rằng việc các chủ thầu xây dựng tắc trách với các hạng mục xây dựng trong những năm qua thường xuyên xảy ra, nhưng với một dự án có mức đầu tư lên đến 34.000 tỷ đồng như vậy mà chất lượng “dỏm” bị rò rỉ chỉ sau vài tháng hoạt động khiến người dân thật sự hoang mang về việc: Liệu Bộ GTVT có thực sự đặt nhiều tâm huyết vào quy trình đấu thầu của mình để đưa các dự án công đến các nhà thầu đáng tin cậy?