Năng lực nhà thầu không đảm bảo?
Cao tốc Bến Lức-Long - Thành khởi công tháng 7/2014, dài 57,7km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h do VEC làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tháng 11/2015, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu A4 (Km18+713,5 - Km21+739,5) thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế, với tổng chiều dài là 3,026km đi qua huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Giá gói thầu được phê duyệt 1.485 tỷ đồng. Liên danh Kukdong Engineering & Construction Co., Ltd. (Nhà thầu Kukdong) - Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông (Nhà thầu Đông Mê Kông) đã trúng thầu với giá hơn 1.048 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 900 ngày thi công và 730 ngày bảo hành.
Để triển khai Gói thầu đảm bảo yêu cầu theo hợp đồng đã ký, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu trúng thầu phải tập trung mọi nguồn lực triển khai thi công nhanh nhất nhằm đưa công trình về đích đúng tiến độ với chất lượng công trình được đảm bảo. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, đã gần 3 năm, tiến độ của Gói thầu A4 vô cùng chậm chạp. Sản lượng thi công của Gói thầu A4 chỉ đạt 74,32%/92,56%, chậm 18,24%.
Gói thầu A4, khối lượng cần thực hiện còn rất nhiều nhưng nhà thầu chưa huy động đầy đủ thiết bị, nguyên nhân chính do trục trặc về phương án tài chính. Nếu như nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ của các gói thầu khác được VEC cho rằng do nhiều vị trí trên tuyến còn bị vướng giải phóng mặt bằng, trong đó phải kể đến các gói thầu từ A5 đến A7, thì riêng Gói thầu A4 lại có lý do chủ quan từ phía nhà thầu thi công.
Thông tin về các gói thầu của Dự án, VEC lo ngại do nhiều gói thầu thi công không đạt tiến độ dẫn đến khả năng tổng thể Dự án sẽ không hoàn thành theo kế hoạch. Nhà thầu lại chưa huy động đầy đủ thiết bị, nguyên nhân chính do trục trặc về phương án tài chính.
Chây ì trong thi công
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, tiến độ thi công gói thầu A4 (nhà thầu Kukdong và Đông Mê Kông) gần như không làm gì trong thời gian qua và năng lực nhà thầu rất yếu. Đối với 3 gói A5, A6, A7, sản lượng trung bình mới chỉ đạt 6-7% giá trị xây lắp và dự kiến phát sinh thêm vướng mắc mặt bằng của 91 hộ dân.
Cách đây không lâu, đại diện chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC cho biết: Công ty đã lên tiếng cảnh cáo Tư vấn trưởng, các Giám đốc Gói thầu A4 do sản lượng thi công quá thấp. Đối với Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng Kukdong - Công ty TNHH Dịch vụ thương mại, Sản xuất và Xây dựng Đông Mêkông, là đơn vị trúng thầu nhà thầu A4, chủ đầu tư cảnh cáo Giám đốc dự án, Giám đốc thi công điều hành công trường không đáp ứng tiến độ.
Được biết, Kukdong là một nhà thầu đến từ Hàn Quốc và tại dự án nêu trên, ngoài Gói thầu A4, nhà thầu này còn có tên trong liên danh trúng Gói thầu A2-1 (Km07+900 - Km11+200). Gói thầu A2-1 được Kukdong trúng thầu với giá là hơn 715 tỷ đồng. Gói thầu Xây lắp A2-1 có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế, có sơ tuyển theo quy định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Gói thầu này có giá hơn 1047 tỷ đồng.
Nếu như những đánh giá của VEC về năng lực của Nhà thầu Kukdong tại Gói thầu A4 phản ánh đúng thực tế thì gánh nặng việc thi công Gói thầu A2-1 có thể bị trút lên vai thành viên còn lại của Liên danh là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính.
Trong lịch sử, Nhà thầu Đông Mê Kông từng bị Sở GTVT TP.HCM lập tới 7 biên bản xử phạt khi thi công ẩu tại Gói thầu xây lắp số 14 thuộc Dự án Cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư. Điều đáng nói, Nhà thầu Đông Mê Kông dù bị phạt nhiều lần nhưng vẫn không hề khắc phục và không lần nào chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.
Nhìn chung, nhà thầu này có năng lực thi công quá yếu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của dự án. Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành có thể sẽ khó thông xe kỹ thuật cuối năm 2018.
Theo thông tin của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư), hiện khối lượng thi công các gói thầu xây lắp của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành mới chỉ đạt khoảng 77%, có nghĩa chậm 9% so với kế hoạch đề ra./.