Dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam nằm ở xã An Ngãi và thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do công ty Cổ phần Phát triển nhà Ô Cấp là chủ đầu tư. Sau khi nhận tiền mua đất nền dự án dưới hình thức góp vốn, và làm xong GCN QSDĐ (sổ đỏ), thay vì giao cho người mua, chủ đầu tư lại mang số sổ này đi thế chấp ngân hàng để vay tiền. Khi nợ xấu lên đến 130 tỷ đồng, ngân hàng buộc phải phát mãi số sổ thế chấp. Một số doanh nghiệp sau khi hợp tác mua lại số sổ này, đã thao túng dự án, rao bán tràn lan. Điều đáng nói, dự án sai ngay từ khi bắt đầu triển khai.
Sau khi không còn khả năng trả nợ ngân hàng, thay vì gặp người dân đã mua đất dự án để bàn cách tháo gỡ, ông Hoàng Huy Hiển, Tổng giám đốc công ty Ô Cấp, lại “bắt tay” với một số doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ “thừa nước đục thả câu”, thâu tóm dự án, bán nhiều nền đất đã có chủ. Nhiều vụ xung đột dù chưa gây hậu qủa nghiêm trọng nhưng đã xảy ra giữa các “chủ mới” của dự án với người dân, giữa 2 người dân cùng “đồng sở hữu” 1 nền đất.
Đóng tiền xong, khách hàng mỏi mòn chờ sổ
Bà Nguyễn Kim Yến, 60 tuổi, ở Q.7, TP.HCM cho biết, năm 2007, bà ký hợp đồng với ông Hoàng Huy Hiển, Tổng giám đốc công ty Ô Cấp, mua 2 nền đất dự án khu dân cư số 1 Tây Nam bằng hình thức góp vốn, mỗi nền 90m2 với giá 176,4 triệu đồng/nền. Bà đã thanh toán các đợt theo hợp đồng được 95% tổng số tiền cả 2 nền.
“Theo hợp đồng, không quá 18 tháng, phía công ty Ô Cấp sẽ giao sổ đỏ, vậy mà đến nay, sau 11 năm, mẹ con tôi vẫn không thấy sổ đỏ đâu. Mới đây tôi mới biết, ông Hiển đã mang toàn bộ số sổ đỏ của chúng tôi đi cầm ngân hàng vay tiền. Sau khi không có khả năng trả nợ, ông Hiển còn bán dự án cho các doanh nghiệp khác, để họ kéo người đến mua bán ì xèo. Tôi cho rằng ông Hiển đã lừa chúng tôi”, bà Yến nói.
Còn ông Phạm Quang Kim, ở P.9, TP Vũng Tàu cho biết, ông ký hợp đồng góp vốn vào công ty mua 2 nền và thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng, tổng cộng 641 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua vẫn không hề nhận được sổ đỏ dù đã biết vị trí đất, số thửa và thực địa tại dự án.
“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu gặp lãnh đạo Công ty Ô Cấp để giải quyết nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhiều hộ dân mong muốn được lấy lại đất đã ký kết trong hợp đồng”, ông Kim bức xúc.
Tương tự, năm 2012, ông Hà Ngọc Dự, ở P.Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu, cũng mua một nền của dự án, đã góp 90% giá trị hợp đồng, công ty cam kết sau 24 tháng sẽ bàn giao nền và sổ đỏ, nhưng đến nay, giấy CNQSDĐ không thấy mặt mũi đâu, từ đó đến nay, nhiều lần ông và gia đình đến gặp đại diện công ty để hỏi nhưng chỉ được người đại diện khất và hứa.
“Gần đây, chúng tôi thấy rất nhiều người môi giới nhà đất lấy danh nghĩa công ty này công ty kia, dẫn khách đổ xô đến giới thiệu và bán chồng lấn lên các nền mà người dân đã mua của Công ty Ô Cấp từ trước, khiến tình hình an ninh trật tự ở quanh đây rất phúc tạp”, ông Dự lo lắng nói.
Theo tài liệu chúng tôi có được, dự án có khoảng 1.200 nền đất, với 950 khách hàng là cổ đông góp vốn. Mỗi cổ đông đã góp từ 50% đến 90%, một số đã đóng 100% số tiền theo giá trị hợp đồng. Và từ năm 2008, thời điểm người dân bắt đầu nộp tiền góp vốn mua nền đất, công ty Ô Cấp sau khi có tiền, làm xong giấy CNQSD đất, đã mang thế chấp sổ đỏ của cho 5 ngân hàng để vay tiền đầu tư.
Đến năm 2016, số nợ ngân hàng đã lên đến hơn 130 tỷ, trở thành nợ xấu, không còn khả năng trả lãi và công ty Ô Cấp đang trên bờ vực phá sản. Lúc này, công ty Thu Hà (trụ sở ở P.Phước Hưng, TP.Bà Rịa) đã bỏ tiền mua lại số sổ đỏ mà ông Hiển, TGĐ công ty Ô Cấp đã cầm trong ngân hàng. Lúc này, ông Hiển không chỉ sang lại phần nợ ngân hàng, mà còn sang lại toàn bộ dự án Khu dân cư Số 1 Tây Nam cho công ty Thu Hà. Không cần biết dự án đã có hàng trăm người dân đóng tiền mua nền theo hình thức góp vốn, là cổ đông của Ô Cấp.
Nội dung hợp đồng sang nhượng dự án này ghi rõ, công ty Thu Hà có toàn quyền sự dụng dự án số 1 Tây Nam. Tuy nhiên, hợp đồng này sau đó đã không hoàn thành do ông Hiển cho rằng, bên Thu Hà đã vi phạm về thời gian. Mặc dù vậy, công ty Thu Hà cũng đã mua lại số sổ đỏ mà ông Hiển cầm cố trong 4 ngân hàng, tổng số tiền gần 40 tỷ. Hiện Ô Cấp còn nợ ngân hàng Eximbank số tiền cả gốc và lãi gần 60 tỷ.
“Miếng bánh” đang bị “xâu xé”
Sau khi “chuộc” số sổ đỏ từ ngân hàng, công ty Thu Hà liên doanh với một số số doanh nghiệp và cá nhân khác, rao bán đất nền dự án số 1 Tây Nam với tư cách là chủ nhân mới của dự án, những lô đất người dân góp vốn mua trước đó nhiều năm cũng được công ty Thu Hà rao bán tràn lan trên mạng và qua sàn giao dịch tại Sài Gòn, Bình Dương (điển hình là Công ty Hiệp Thành Land, Bình Dương) dẫn đến tình trạng một nền đất bán cho nhiều người. Hàng tuần, các sàn giao dịch bất động sản đưa rất nhiều khách hàng đến xem đất, mua nền có cả bảo kê.
Trình bày với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tiến, ở P.9, TP.Vũng Tàu cho biết: “Năm 2012, tôi ký hợp đồng mua 1 nền của công ty Ô Cấp theo hình thức góp vốn. Diện tích 90m2 với giá hơn 176 triệu đồng. Tình cờ mới đây, tôi biết nền đất của tôi đã bị ông Đỗ Văn Sỹ, giám đốc công ty Cổ phần địa ốc Hiệp Thành, ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ký bán cho ông Triệu Duy Trinh, ở Q.10, TP.HCM”.
Liên hệ với ông Trinh để xác minh vụ việc, ông cho biết: “Đúng là vợ chồng tôi có mua một nền ở dự án số Tây Nam cách đây 2 tháng, bên bán là công ty Hiệp Thành ở Bình Dương, nền 90m2, giá 648 triệu đồng. Nhưng sau đó có người gọi tôi, nói nền đó đã có chủ. Tôi làm việc lại với công ty Hiệp Thành thì họ huỷ hợp đồng mua bán, trả lại toàn bộ tiền mua cho tôi”.
Ông Trinh còn cho biết thêm: “Công ty Hiệp Thành quảng bá dự án số 1 Tây Nam này dữ lắm, họ nói đây là dự án của họ, họ đến từng nhà đưa đón chúng tôi ra tận nơi tham quan dự án. Đợt đi cùng xe với tôi, có bác lớn tuổi ở chợ Bàn Cờ, Q.3 và 2 chị em ở Q.5, mua 1 lúc mấy nền”.
Có mặt tại dự án số 1 Tây Nam, chúng tôi thấy đất còn trống trải mênh mông, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, dù thời gian hoàn thành dự án là năm 2019. Nhiều nền đất người dân đã mua, được xây bờ rào cao hơn 1 mét, vây xung quanh miếng đất, bên trong dựng “cột mốc”, ghi dòng chữ, đất đã có chủ, kèm số điện thoại chủ nhân.
Tuy nhiên, rất nhiều chữ và số điện thoại của chủ đất sau khi viết lên bằng sơn, đã bị ai đó cạo đi, hoặc quét xi măng nước lên. Chị Phạm Thị Thuý, ở P.Thắng Tam, Tp.Vũng Tàu cho biết: “Sau khi nhóm Thu Hà – Minh Phương mua lại số sổ đỏ của bà con mà ông Hiển cầm trong ngân hàng, họ ngang nhiên tuyên bố, dự án này giờ là của họ. Sau đó, họ chẳng cần biết nền nào đã có người mua rồi, nền nào chưa, họ rao bán tuốt. Vì thế mới có chuyện 1 nền bán cho 2 người. Tôi lo có người mua nền của mình mà không biết, rồi xảy ra tranh chấp, rắc rối, nên xây tường bao xung quanh, viết số điện thoại ra ngoài bờ bao bằng sơn hẳn hoi, vậy mà cứ viết lên lại có người đến xoá. Có lần, tôi đang viết thì có 2 thanh niên lại nói, đây là đất của công ty họ, đừng có viết mất công, viết rồi họ cũng xoá à. Tôi không dàm nói gì, vì thấy họ bặm trợn quá nên sợ”.
“Việc ông Hoàng Huy Hiển, TGĐ công ty Ô Cấp nhận tiền làm sổ đỏ cho hàng trăm người dân mua đất nền dự án rồi mang sổ đi cầm cố ngân hàng, gây nợ xấu, lại bán cho doanh nghiệp khác, là sai trái. Vụ việc liên quan đến hợp đồng góp vốn giữa người dân và công ty Ô Cấp, là tranh chấp dân sự. Riêng hành vi của ông Hiển, hiện cơ quan điều tra công an tỉnh cũng đã vào cuộc điều tra, xác minh xem có dấu hiệu hình sự hay không”, ông Trần Văn Đức, Phó Chánh Văn phòng UBND Huyện Long Điền. |