Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã trao quyết định đầu tư cho 118 dự án được mời gọi đầu tư vào dịp này tập trung vào các lĩnh vực, gồm du lịch (14 dự án); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (19 dự án); sản xuất công nghiệp (17 dự án); môi trường (8 dự án); giao thông vận tải (23 dự án); đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp (16 dự án); nhà ở và phát triển đô thị (11 dự án)…
Đối với lĩnh vực du lịch có dự án đầu tư vào khu du lịch sinh thái U Minh Thượng có quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng cao có dự án nuôi tôm và sản xuất lúa hữu cơ tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất có quy mô 1.000ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng; lĩnh vực sản xuất công nghiệp có dự án sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm công suất 300 triệu sản phẩm/năm, có tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng.
Còn với lĩnh vực môi trường có dự án xử lý nước thải thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, có công suất 20.000m3/ngày, tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại có dự án xây dựng Trung tâm Thương mại huyện U Minh Thượng quy mô 23ha, có tổng vốn 290 tỷ đồng…
Trong thời gian qua, Kiên Giang đã thu hút 680 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 503.763 tỷ đồng. Trong đó, có 341 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 60.641 tỷ đồng; 68 dự án đang triển khai xây dựng có tổng vốn đầu tư 115.410 tỷ đồng và 271 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư có tổng vốn 327.713 tỷ đồng.
Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, lũy kế đến tháng 7/2019, Kiên Giang đứng thứ 18 trên 63 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 50 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,724 tỷ USD.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu: “Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng ĐBSCL, có diện tích tự nhiên lớn nhất và dân số đứng thứ 2/13 tỉnh, thành trong khu vực.
Với vị trí là cửa ngõ phía Tây, thông ra vịnh Thái Lan, nằm trên Hành lang Kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, có vùng biển rộng hơn 63.000km2, gần 10 lần diện tích đất liền; tiếp giáp biên giới trên bộ và trên biển với một số quốc gia trong khu vực ASEAN, cùng 1 cửa khẩu quốc tế và 1 cửa khẩu quốc gia, đã giúp cho Kiên Giang có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, nhất là về đối ngoại và quốc phòng - an ninh…
Kiên Giang còn có những đặc trưng riêng mà ít địa phương khác ở ĐBSCL có được như: rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo… Vì vậy, thời gian qua, Kiên Giang đã nỗ lực hết mình trong việc hoàn chỉnh các quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dựa trên khung chính sách chung và đặc thù của địa phương; cải cách thủ tục hành chính, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh…
Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện có như cảng biển An Thới, Vịnh Đầm; sân bay Rạch Giá, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc… và các công trình sắp được hoàn thành như quốc lộ 80 mới kết nối cầu Vàm Cống, cảng biển Hòn Chông - Kiên Lương, cảng biển quốc tế Dương Đông - Phú Quốc… thì đây là thời điểm tốt nhất để Kiên Giang mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến!”./.