Ì ạch cao tốc về miền Tây

Nếu như cả nước có gần 2.500km đường cao tốc thì ĐBSCL chỉ có đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương với chiều dài tuyến chưa tới 40km, để phục vụ cho gần 30 triệu dân và vùng kinh tế nông sản trọng điểm quốc gia.

23:45 19/10/2018

Vì thế, người dân miền Tây mong mỏi có tuyến đường cao tốc nối 2 đô thị lớn nhất phía Nam để rút ngắn thời gian lưu thông, thuận lợi vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đến bao giờ niềm mơ ước ấy mới thành sự thật?

Nút thắt chưa gỡ được

Lâu nay, khi đề cập đến sự phát triển của ĐBSCL, một điểm cốt yếu mà ai cũng lắc đầu, đó là hạ tầng giao thông. Dù thời gian gần đây, chuyện đi lại đã được cải thiện, nhiều cây cầu, tuyến đường mới hình thành, nhưng Quốc lộ (QL) 1 vẫn là tuyến độc đạo xuyên suốt vùng đất này. Giao thông ì ạch đã khiến không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư ngán ngại. Hiện nay, tuyến Trung Lương - Cần Thơ có lưu lượng xe cao nhất nước.

Mỗi ngày có hơn 50.000 xe di chuyển trên tuyến đường này, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục. Đi từ Cần Thơ lên TPHCM có 150km nhưng phải mất từ 3,5 - 4 giờ. Sự thúc bách đó, càng khiến nhu cầu về một tuyến cao tốc nối Cần Thơ với TPHCM trở nên cấp thiết. 

Lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL nhiều lần kiến nghị; Người dân, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã đề xuất Chính phủ tìm cách giải bài toán hạ tầng giao thông cho vùng đất này. Bởi 90% hàng hóa nông sản của ĐBSCL xuất khẩu qua các cảng ở TPHCM, đó là chưa kể sự kết nối sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho quá trình giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế, dịch vụ giữa 2 đô thị lớn ở phía Nam.

Vậy là dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được hình thành. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài 51,1km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trải dài trên 26 xã, thuộc 5 huyện, thị xã gồm: Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và Cái Bè. Số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là gần 3.000 hộ, tổng chi phí bồi thường các hộ dân lên đến hơn 1.300 tỷ đồng.

Điểm đầu của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang). Ảnh: TUẤN QUANG

Điểm đầu của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang). Ảnh: TUẤN QUANG


Nhưng số phận tuyến đường này lại rất long đong. Từ năm 2009, dự án đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công. Nguồn vốn do Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thu xếp để triển khai, dự kiến năm 2012 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, sau đó BIDV không thu xếp được vốn và dự án đình trệ.

Đến tháng 2-2015, Bộ Giao thông Vận tải tái khởi động và thành lập một liên doanh BOT gồm 5 nhà đầu tư, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành. Sau nhiều cuộc họp, chỉ đạo của các bộ, ngành và Chính phủ, thời gian gút lại cho dự án là đến cuối năm 2020. Thế nhưng, hiện nay tiến độ dự án vẫn đang rất ì ạch, khiến mục tiêu hoàn thành công trình vào năm 2020 trở lên khó khả thi.

Khó khăn giải phóng mặt bằng

Những ngày đầu tháng 10, có mặt tại công trường dự án, chúng tôi chứng kiến sự chuyển biến trong quá trình thi công. Tại điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (thuộc nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), đơn vị thi công đã hoàn thành các trụ cầu vượt và đang thực hiện lắp ráp dầm cùng bê tông mặt sàn cầu.

Nhìn từ trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, cách đó khoảng 500m (thuộc cao tốc Trung Lương - TPHCM) cơ bản có thể hình dung được kết cấu cầu vượt. Ngoài ra, các nhánh đường đấu nối với cao tốc hiện hữu và các tỉnh lộ cũng đã được đổ cát, thi công nền đường. Nếu nhìn từ Google Maps tại nút giao thông này đã có thể định hình được toàn bộ kết cấu điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. 

Ông Lê Ngọc Thanh, Chỉ huy công trình cầu vượt nút giao thông Thân Cửu Nghĩa, cho biết: Hiện nay, mỗi ngày trung bình có khoảng 20 công nhân đang làm việc tích cực, lúc cao điểm đổ mặt cầu có thể lên đến 40 - 50 công nhân. Với tiến độ hiện nay, trước Tết Nguyên đán 2019, cầu vượt và các hạng mục có liên quan tại đây sẽ được hoàn thành.

Tại nút giao thông giao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tỉnh lộ 878 thuộc địa phận huyện Châu Thành, cách QL1 hiện hữu khoảng 1km, đơn vị thi công đang triển khai thi công mặt đường với chiều dài hơn 300m.

Còn tại điểm thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giao với tỉnh lộ 867 (cách QL1 khoảng 3km, thuộc địa phận xã Phước Lập, huyện Tân Phước), hiện đây là nút giao thông có khối lượng thi công nhiều nhất, đã có khoảng 5km đường đang thi công nền đường, bề mặt đã được đổ cát, gia cố 2 bên đường (ôtô có thể chạy được), các trụ cầu cũng đang được triển khai xây dựng.

Tại công trường, nhiều máy móc đang hoạt động, nhiều vật liệu xây dựng được tập kết. Điểm thi công trên thuộc gói thầu XL-08 (từ Km56+672,060 - Km59+000,000 và xây dựng cầu Kênh Xáng, cầu Kênh 2A) do Liên doanh Hoàng An - Hải Thạch làm đơn vị thi công. Bảo vệ công trình cho biết, mỗi ngày nơi đây có khoảng 30 công nhân làm việc, cao điểm có đến hơn 50 người, có khi phải tăng ca đến 19 giờ.

Điểm cuối của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, thuộc nút giao thông IC7, đoạn giao với QL30, cách QL1 khoảng 1,2km (thuộc địa bàn xã An Thái Trung, huyện Cái Bè) hiện khá trầm lắng, do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

Chờ đến… 2025

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, quá trình giải phóng mặt bằng nơi đây hơi chậm do một số nguyên nhân như: biến động lớn về giá đất chuyển nhượng trên thị trường làm khó khăn trong việc quyết định giá bồi thường; dự án được triển khai song song với dự án nâng cấp QL30 nên phải cân nhắc giá đất bồi thường giữa 2 dự án. 2 nhánh giao thông giao với QL30 đang được trình duyệt phương án bồi thường.

Ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị quản lý dự án), cho biết: Đến nay, các đơn vị thi công đã thực hiện được khoảng 14% - 15% khối lượng công việc trên toàn tuyến. Các khó khăn liên quan đến dự án cơ bản đã được khắc phục.

Chủ đầu tư cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng từ tháng 8-2018 với các ngân hàng, riêng về phần lãi suất vay cũng không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án. Trong thời gian tới, tiến độ thi công các hạng mục trên toàn tuyến cao tốc sẽ được triển khai mạnh. 

Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thông tin: Địa phương đang nỗ lực toàn diện để có thể bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án vào tháng 10-2018.

Riêng đối với 2 nút giao thông An Thái Trung và Rạch Miễu - Cổ Cò trên địa bàn huyện Cái Bè sẽ hoàn thành chậm nhất cuối tháng 11-2018. Thời điểm hiện tại, địa phương đã bàn giao mặt bằng được 96% toàn tuyến chỉ còn 39 hộ chưa đồng ý nhận tiền (chủ yếu ở trên địa bàn huyện Cái Bè còn 17 hộ). Hiện đã chi trả tiền bồi thường cho 2.829 hộ, với tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng.

Nằm cuối tuyến TPHCM - Cần Thơ là dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban quản lý Dự án Thăng Long đầu tư theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.370 tỷ đồng để xây dựng 23,6km đường cao tốc đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long 13,35km và Đồng Tháp 10,25km.

Hiện Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư. Dự kiến đầu năm 2019, công trình sẽ khởi công xây dựng. Như vậy, nếu không có gì trở ngại, đến cuối năm 2025, tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ mới hoàn thành. Và người dân ĐBSCL sẽ phải tiếp tục chờ đợi những con đường trong mơ.

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Bạn đang đọc bài viết Ì ạch cao tốc về miền Tây tại chuyên mục Tây Nam Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận