Từ thủ phủ của condotel
Theo thống kê đầu năm của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang đã có hơn 18.000 condotel, trong đó khoảng 3.500 condotel đã đi vào hoạt động và đạt từ 70-80% công suất buồng phòng.
Báo cáo cũng đưa ra, số lượng dự án condotel tại Nha Trang ồ ạt đưa ra thị trường với con số lên tới 17, với các dự án điển hình như: Khách sạn căn hộ Nha Trang Center, Khách sạn căn hộ Diamond Bay Condotel Resort, Khách sạn căn hộ The Costa Nha Trang, Khách sạn căn hộ Mường Thanh Nha Trang….
Mặc dù so với năm 2017, dòng sản phẩm condotel được đánh giá là “kém nhiệt” hơn. Song giới đầu tư vẫn kỳ vọng 2018, Khánh Hòa vẫn là một trong những thị trường đáng đầu tư và có các yếu tố kích cầu khi nhiều dự án đang dần hình thành hoặc đã đi vào vào hoạt động, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư. Đây cũng là lý do khiến nguồn cung condotel tiếp tục ồ ạt đưa ra thị trường trong năm qua.
Báo cáo thị trường năm 2018 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, tổng nguồn cung condotel của riêng Khánh Hòa đã đạt 2231 căn, chiếm 26,2% tỷ trọng so với cả nước. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dự kiến năm 2019-2020, TP Nha Trang và Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài) sẽ có thêm 12 dự án condotel với hơn 12.200 căn hộ rao bán trên thị trường. Ngoài The Arena ở Bãi Dài với trên 5.000 căn, 11 dự án còn lại tập trung tại TP. Nha Trang với trên 7.200 căn hộ như: Scenia Bay Nha Trang với 704 căn, HUD Building Nha Trang 490 căn, Nha Trang City Central 209 căn...
Với việc dẫn đầu về nguồn cung, Khánh Hòa được giới đầu tư mệnh danh là “thủ phủ condotel”.
Bài toán nan giải
Tuy nhiên, sự xuất hiện ồ ạt của dòng phân khúc “lai” này đang đặt ra nhiều bài toán nan giải cho thị trường nghỉ dưỡng Khánh Hòa. Thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam theo các quý, lực cầu hiện tại đang không theo kịp nguồn cung, tính thanh khoản sản phẩm thấp.
Lý giải về sự chững lại trong tính thanh khoản, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ hành lang pháp lý chưa hoàn thiện tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư. Ngoài ra, năng lực phát triển dự án loại hình bất động sản này cũng như khả năng khai thác kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đang khiến nhà đầu tư còn ngờ vực. Chưa kể, mức giá cao của các condotel khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng, khó tạo ra biên độ lợi nhuận hợp lý.
Bên cạnh tính thanh khoản condotel chậm, các doanh nghiệp địa ốc còn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt trong phân khúc đắt tiền này. Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, kết quả kiểm tra hàng loạt khách sạn có tiêu chuẩn sao vào cuối năm 2018 cho thấy các khách sạn có giá bán thực tế thấp hơn giá niêm yết, chỉ đạt khoảng 56% giá kê khai với Sở Tài chính. Công suất phòng tại thời điểm kiểm tra chỉ đạt 45%. Nhiều khách sạn chưa đạt tiêu chuẩn sao, chưa làm thủ tục cấp sao nhưng quảng cáo 2 sao, 3 sao, 4 sao. Giới đầu tư cho rằng, việc hạ giá phòng, cung cấp dịch vụ chất lượng kém đang làm mất đi hình ảnh thương hiệu du lịch của tỉnh.
Vấn đề quản lý condotel trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra nhiều vướng mắc cần xử lý mà chính quyền địa phương đang xin kiến nghị từ phía Bộ Thể thao Văn hóa và Du lịch.
Trở thành "thủ phủ condotel" trong cả nước, song đến hiện tại, nhiều chủ đầu tư cũng đang phải phải đối mặt với bài toán giải quyết tính thanh khoản cho sản phẩm địa ốc này của mình.