Dừng để tránh lãng phí
“Việc không thể hoàn thành đồng bộ đoạn Hòa Liên - Túy Loan chắc chắn sẽ tác động hiệu quả đầu tư toàn Dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, nhưng đây là quyết định cần thiết để giảm thiểu thiệt hại cho các bên”, ông Nguyễn Vũ Quý, quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho biết.
Ông Quý cũng cho biết, Ban Quản lý đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục dừng đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan và khẩn trương chỉ đạo tư vấn hoàn thiện hồ sơ trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt đưa đoạn tuyến này vào danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2026.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 18/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT về việc dừng triển khai đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc Dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan. Toàn bộ phần vốn dư còn lại sẽ sử dụng để trả nợ gốc của khoản vay sau khi được Tổ chức Bảo hiểm hỗ trợ xuất nhập khẩu Nhật Bản (NEXI) chấp thuận.
Được biết, vào năm 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt phân kỳ đầu tư giai đoạn I, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (chiều dài 77,5km) với quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m (trước mắt chỉ đầu tư 66km đoạn La Sơn - Hòa Liên, 11,5km đoạn Hòa Liên - Túy Loan giữ nguyên đường hiện trạng đang khai thác, chưa đầu tư mở rộng), tổng mức đầu tư là 11.485 tỷ đồng. Dự án triển khai theo hình thức BT, vay vốn ngân hàng Nhật Bản có bảo lãnh Chính phủ (510 triệu USD).
Theo tính toán của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, để hoàn thành đoạn Hòa Liên - Túy Loan đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, bao gồm nút giao Túy Loan và tuyến nối Hòa Liên - Quốc lộ 1, cần khoảng 2.743 tỷ đồng. Căn cứ Luật Đầu tư công, đây sẽ là Dự án nhóm A, cần phải lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi.
Trong quá trình triển khai, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đảm bảo kết nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và để tận dụng nguồn vốn đầu tư còn lại của Dự án (khoảng 2.000 tỷ đồng), vào năm 2016, Bộ GTVT đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho sử dụng phần vốn còn lại của Dự án để mở rộng nền, mặt đường đoạn Hòa Liên - Túy Loan đảm bảo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, trong khi đoạn La Sơn - Hòa Liên đã hoàn thành vào cuối năm 2020, đang thực hiện các thủ tục để bàn giao, đưa vào khai thác, thì đoạn Hòa Liên - Túy Loan bị vướng nặng về mặt bằng, mới đạt khoảng 10% giá trị.
“Việc đoạn Hòa Liên - Túy Loan không thể hoàn thành trong năm 2022 như kế hoạch sẽ tạo ra lãng phí lớn, bởi Nhà nước vẫn sẽ phải trả lãi vay cho phần kinh phí trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng không thể giải ngân đúng kế hoạch”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Giảm áp lực nợ vay
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, việc dừng triển khai đoạn Hòa Liên - Túy Loan theo hình thức BT sẽ giúp sớm bàn giao đoạn La Sơn - Hòa Liên để đưa vào sử dụng.
“Đây cũng đồng thời là căn cứ pháp lý cho nhà đầu tư được Nhà nước thanh toán phần vốn chủ sở hữu theo quy định của Hợp đồng BT”, ông Quý cho biết.
Cần phải nói thêm, do Dự án đầu tư theo hình thức BT, nguồn vốn tín dụng vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và định kỳ hàng năm ngân sách sẽ bố trí nguồn vốn để trả nợ (bắt đầu từ tháng 3/2018, kết thúc vào năm 2026). Theo quy định, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách để thanh toán chỉ được thực hiện khi Dự án đã hoàn thành, bàn giao.
Do Dự án chưa hoàn thành, nên từ năm 2018 đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phải ứng từ Quỹ tích lũy trả nợ của Bộ Tài chính để trả nợ cho tổ chức tín dụng nước ngoài (6 đợt). Nguồn vốn từ Quỹ tích lũy rất hạn chế, thủ tục phức tạp, nên dễ dẫn đến chậm trễ trong việc trả nợ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tín nhiệm quốc gia.
Hiện hệ lụy lớn nhất của việc dừng thi công đoạn Hòa Liên - Túy Loan chủ yếu liên quan đến một số nhà thầu, cụ thể là nhà thầu Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh - Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vạn Tường, cùng Tổng công ty Xây dựng CTGT 8 - CTCP là nhà thầu thi công.
Trong thời gian chờ bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã huy động một số máy móc, thiết bị, nhân sự, nên phát sinh chi phí liên quan cần phải xử lý.
“Hiện đối với các khối lượng, hạng mục công trình dở dang, cấu kiện bán thành phẩm, chúng tôi đang cùng Công ty BT Cam Lộ - La Sơn khẩn trương thống nhất xác định điểm dừng kỹ thuật để hoàn thiện gọn gàng, dứt điểm các hạng mục dở dang, nhằm thuận tiện cho công tác triển khai tiếp giai đoạn sau và nghiệm thu thanh toán, đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu”, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thông tin.