Đơn phương
Theo Kế hoạch số 2162/KH-UBND của UBND TP.Đà Nẵng ban hành ngày 5.4.2019, trong 8 tuyến du lịch đường thủy đã và sẽ đưa vào khai thác hiện nay, tuyến sông Hàn đi Cù Lao Chàm được đánh giá có ưu điểm thu hút nhiều du khách. Lộ trình khởi hành sẽ xuất phát từ cảng sông Hàn hoặc cầu tàu CT15 - cầu Thuận Phước đi Cù Lao Chàm và ngược lại về điểm xuất phát.
Nội dung kế hoạch cũng cho biết, TP.Đà Nẵng sẽ khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định, chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu (khách sạn nổi, tàu lưu trú, ngủ đêm trên tàu…). Thời gian kêu gọi đầu tư từ quý II.2019.
Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, bà chưa nhận được bản kế hoạch này. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt của Cù Lao Chàm là hạn chế khách nhằm giữ gìn môi trường an toàn nhất cho đảo, nên những tàu lớn đi từ Đà Nẵng ra Cù Lao Chàm sẽ không phù hợp, bởi hệ sinh thái san hô và rặng cỏ biển nơi đây dễ bị tổn thương.
Theo bà Thúy, phương tiện quá lớn sẽ tạo áp lực lên hệ sinh thái ở Cù Lao Chàm từ chỗ neo đậu đến cung cấp dịch vụ cho các tàu thuyền đưa khách. Chưa kể, nếu đưa vào khai thác tuyến du lịch Đà Nẵng - Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ gây quá tải lượng khách lên đảo.
“Không thể cứ đơn phương đưa ra kế hoạch, phê duyệt, đến khi triển khai Hội An không đồng ý thì nói gây khó khăn, điều này không ổn thỏa. Quan điểm của chúng tôi là mô hình đó phải vừa phải, phù hợp, đáp ứng tất cả tiêu chí của Cù Lao Chàm thì chúng tôi bàn bạc để thực hiện; còn mô hình quá lớn, sử dụng tàu công suất lớn… dù trung ương có phê duyệt chúng tôi cũng không thực hiện” - bà Thúy quả quyết.
Cần bàn bạc trước khi triển khai
Hiện tại có khoảng 40 doanh nghiệp đang hoạt động vận chuyển du lịch tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, mỗi năm đưa hàng trăm nghìn lượt khách ra đảo. Riêng năm 2018 có hơn 420 nghìn lượt khách tham quan du lịch đến Cù Lao Chàm. Khách gia tăng đã gây áp lực khá lớn lên nguồn tài nguyên của đảo, nhất là nước ngọt và xử lý rác thải tại chỗ. Năm 2015 UBND TP.Hội An đã phải ban hành Quy định “Cấm quay đầu” với các doanh nghiệp vận chuyển du lịch, đồng thời khống chế lượng khách ra đảo mỗi ngày là 3.000 người.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, sau khi nghe thông tin về kế hoạch mở tuyến du lịch ra Cù Lao Chàm của Đà Nẵng, thành phố đã giao Phòng Quản lý đô thị làm việc với Sở GT-VT tỉnh để ra Đà Nẵng làm việc nếu có lời mời từ phía Đà Nẵng.
“Bây giờ thành phố đang hạn chế khách ra Cù Lao Chàm nên không phải ai đưa khách ra đảo cũng được, phải xem xét cẩn trọng vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của Cù Lao Chàm. Phía Đà Nẵng chưa làm việc với Hội An, nếu Hội An không cho phép thì làm sao họ đưa khách vào Cù Lao Chàm được. Nên sau lễ, hai bên phải làm việc để xem họ đưa khách vô là vô đâu, chứ bây giờ cũng chỉ nghe nói khơi khơi đơn phương...” - ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch với điểm xuất phát từ Đà Nẵng, còn điểm đến rất nhiều nơi, có thể Cù Lao Chàm hoặc Huế...
“Tiếp nhận hay không Quảng Nam vẫn quyết định và hai bên sẽ bàn bạc. Do đó không thể nói là tham khảo trước khi làm kế hoạch được. Tất nhiên, Cù Lao Chàm có những hạn chế, nhưng Quảng Nam cũng không thể cấm khách đến, phải hài hòa cân đối. Còn nói vì khách ra đảo nhiều không tiếp nhận nữa thì phải xem xét lại cách thức quản lý. Chúng ta có thể nâng giá vé lên để hạn chế khách chứ không thể cấm người ta ra được, mà cũng không có ai cấm được nếu cầu lớn. Dễ hiểu hơn, nếu cung ít thì phải tăng giá vé lên, ai đặt trước ra trước và ngược lại, chứ không thể không cho Đà Nẵng kết nối du lịch với Quảng Nam được” - ông Bình nói.