Đại công trình trên đất nông nghiệp của gia đình bà Tha |
Điều đáng nói là UBND xã Đăk Cấm (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lại ra quyết định xử phạt về hành vi sử dụng đất sai mục đích trên phần diện tích 550m2, trong khi thực tế gấp đến 6 lần.
Đại công trình “không phép” chỉ cách UBND xã 2km
Theo phản ánh của người dân, tại thôn 2, xã Đăk Cấm, gia đình bà Lê Thị Hồng Tha đã đầu tư xây dựng một chuỗi liên hoàn chủ yếu là nhà, chòi nằm trên mặt hồ, phần diện tích đất xây dựng khá rộng lớn khiến người dân đặt nghi vấn về việc xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp.
Tiếp nhận phản ánh của người dân, PV đã có mặt tại hiện trường để “mục sở thị”. Từ UBND xã Đăk Cấm, sau vài phút hỏi thăm thì đã được người dân xung quanh chỉ dẫn rất tường tận, đơn giản vì “đại công trình” đó chỉ cách UBND xã Đăk Cấm khoảng 2km. Tại đây, PV nhận thấy trên khu đất rộng lớn được bao bọc bởi lớp tường rào kiên cố, khoảng 10 căn nhà lớn nhỏ đã được xây dựng xong. Ngoài các căn nhà xây bằng gạch thì có rất nhiều căn được làm bằng gỗ tự nhiên, mái lợp ngói. Và rất nhiều bộ bàn ghế hầu như đều làm bằng gỗ nguyên khối được chủ nhân sắp xếp bên trong.
Xung quanh “đại công trình” này là bạt ngàn cây cao su, cách một con đường đất phía trước là ruộng lúa. Trong khuôn viên rộng lớn được bố trí trồng nhiều cây cảnh, sân đổ bê tông, hai ao hồ xây bờ kiên cố, tường rào bảo vệ với 2 cổng chính ra vào khu nhà.
Được biết, thửa đất có tổng diện tích thể hiện trong GCNQSDĐ số CC 234475, số vào sổ là CH03308, thửa đất số 110, tờ bản đồ số 2, cấp cho bà Lê Thị Hồng Tha có tổng diện tích là 6.633,3 m2, trong đó đất ở là 200m2, diện tích còn lại 6.433,3 m2 thuộc đất trồng cây hằng năm. Thế nhưng, từ thực tế, diện tích được gia đình bà Th. tiến hành xây dựng còn lớn gấp mấy lần con số 200m2.
Đại công trình trên đất nông nghiệp của gia đình bà Tha |
Tạo cơ hội hợp thức hóa?
Sau khi nắm bắt các thông tin, PV phản ánh với UBND xã Đăk Cấm thì đơn vị này thông tin đã tiến hành kiểm tra, xử phạt hộ gia đình, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, tại biên bản số 02/BB-VPHC do UBND xã Đăk Cấm lập hồi 14h ngày 13/8/2018 tại vị trí đất thôn 2, xã Đăk Cấm, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum, hộ bà Lê Thị Hồng Tha đã có các hành vi vi phạm hành chính: “Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp với diện tích 550m2”.
Một ngày sau đó, ngày 14/8/2018, UBND xã Đăk Cấm đã có quyết định xử phạt hành chính số 17/QĐ-CTUBND, phạt tiền 1,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của hộ bà Lê Thị Hồng Tha và buộc thực hiện các giải pháp tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu đã bị thay đổi. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định.
Theo nguồn tin của PV thì bà Tha đang làm và nộp hồ sơ lên Phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum để chuyển mục đích sử dụng đất phần diện tích khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp sang đất ở (?!)
Văn bản xử phạt của UBND xã Đăk Cấm. |
Không có 'vùng cấm'!
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch UBND TP. Kon Tum cho biết, đến thời điểm hiện tại, công trình của hộ bà Lê Thị Hồng Th. đang xây dựng là đất nông nghiệp, chỉ có 200m2 là đất thổ cư, những hạng mục còn lại là đất nông nghiệp.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, báo cáo của UBND xã Đăk Cấm thì UBND TP. Kon Tum cũng đã cử cán bộ kiểm tra, xác minh lại. Ông Mân cho biết: “Qua xác định lại, công trình hiện nay thì nhà khoảng 500m2. Tính tất cả các hạng mục vi phạm trong khuôn viên như lối dẫn đường đi, ao hồ, nhà, hạng mục tường rào… khoảng gần 3.000m2.”
Nói về cơ sở để UBND xã Đăk Cấm chỉ xử phạt hộ bà Tha vi phạm hành chính trên phần diện tích 550m2, ông Mân cho hay: “Không phải họ cố tình che dấu, họ cũng có cơ sở vì sao họ lập chỉ với 550m2 thôi. Họ chỉ tính những hạng mục nhà ở chứ các công trình phụ trợ họ không tính? Chẳng hạn như đường đi, lối dẫn, ao hồ, tường rào…họ không có tính. Đến giờ, công trình vẫn đang giữ nguyên hiện trạng để xử lý theo quy định.
Ban đầu họ lập 550m2, bây giờ qua kiểm tra thực tế công trình này có khả năng vượt 3.000m2, xã lập trước 550m2 cũng có cơ sở, vì họ chỉ lập cái nhà không thôi. Còn các công trình phụ trợ cũng vi phạm, vì trên đất nông nghiệp không được làm những hạng mục đó. Ở đây, lãnh đạo và cán bộ của xã có thiếu sót trong nội dung này”.
Cũng theo ông Mân, trách nhiệm xảy ra việc vi phạm trên địa bàn nào thì chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nơi nào để xảy ra mà chính quyền cấp xã thiếu quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc thì chính quyền cấp xã, mà đặc biệt là Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể ở trường hợp này, xã Đăk Cấm sẽ phải chịu trách nhiệm. Cấp xã nơi xảy ra sự việc mà Chủ tịch xã lại đổ hết trách nhiệm, không biết thì chứng tỏ năng lực quản lý rất kém, cần phải xem xét lại. Sắp tới, UBND thành phố sẽ tiến hành kiểm điểm và xử lý các tập thể và cá nhân liên quan trong vấn đề này, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Quan điểm của UBND TP. Kon Tum là không có vùng cấm ở đây, việc chính quyền để xảy ra sai phạm trên địa bàn thì địa phương nơi đó mà cụ thể là người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.